Sắp tới có khả năng Quốc hội họp bất thường
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này diễn ra trong 3 ngày, cho ý kiến về 19 nội dung, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến đối với 2 dự thảo luật chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 6 là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác như quy hoạch không gian biển quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, còn một số nội dung khác liên quan đến tài chính ngân sách còn tồn đọng, cấp bách trước mắt và một số dự án quan trọng quốc gia, do vậy có khả năng sẽ cần tổ chức kỳ họp bất thường trong thời gian tới.
Nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2023; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội.
Nhóm vấn đề thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)...). Xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Nhóm vấn đề thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 11 nội dung quan trọng về tài chính ngân sách, địa giới hành chính và nhân sự. Trong đó, có 9 nội dung liên quan đến tài chính ngân sách như việc phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2023, bổ sung kinh phí chi sự nghiệp khoa học công nghệ và sự nghiệp bảo vệ môi trường, điều chỉnh vốn vay lại năm 2023 của các địa phương, bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia, xem xét quyết định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mỡ nhờn năm 2004.
Về vấn đề địa giới hành chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ quốc hội sẽ xem xét việc, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Nhóm vấn đề thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023. Xem xét, cho ý kiến, quyết định bằng văn bản đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nội dung phiên họp nhiều, trong khi các công việc để kết thúc Kỳ họp thứ 6 vẫn cần tiếp tục triển khai, đến nay cơ bản ban hành đủ các nghị quyết, ký chứng thực các luật, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, sớm trình ký chứng thực các dự án luật còn lại; đồng thời, chuẩn bị các dự án luật được thông qua tại Kỳ họp chuyên đề và Kỳ họp thứ 7.