Sau 10 năm, Hà Nội còn bao nhiêu điểm đen ùn tắc giao thông?
Giảm 32 điểm đen ùn tắc giao thông trong 10 năm
Sở GTVT TP Hà Nội vừa tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.
Theo Sở GTVT TP Hà Nội, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô trong giai đoạn từ năm 2012-2022: tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút được kiềm chế, số điểm ùn tắc trong giờ cao điểm giảm từ 67 điểm năm 2013 xuống còn 35 điểm năm 2022.
Bên cạnh đó, tai nạn giao thông hàng năm giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương): Bình quân giảm 176 vụ (12,25%), giảm 32 người chết (5,59%), giảm 175 người bị thương (17,07%).
“Tuy nhiên, tai nạn giao thông dẫn đến hậu quả chết người tăng cao trên một số tuyến quốc lộ, đường liên thôn, liên xã như: QL1A, QL6, QL21A, Đại lộ Thăng Long, đường Hồ Chí Minh,...
Ngoài ra, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao tại các khu vực quận nội thành, tập trung trên một số tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm như: Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung, Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu,... gây tình trạng ùn ứ, di chuyển khó khăn nhất là vào những khung giờ cao điểm”- Sở GTVT cho biết.
Bên cạnh đó, công tác khảo sát, xử lý các bất cập về hệ thống báo hiệu luôn được chú trọng để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường được giao quản lý. Sở GTVT thường xuyên chỉ đạo các Phòng, Ban và các đơn vị quản lý đường bộ, đường thủy nội địa, đường ngang giao cắt với đường sắt, đèn tín hiệu giao thông kiểm tra, rà soát biển báo, biển hướng dẫn giao thông, sơn kẻ vạch hướng dẫn giao thông, lắp đặt bổ sung các nút đèn tín hiệu giao thông, lắp đặt bổ sung đèn đếm lùi tại các nút giao thông đã lắp đặt đèn tín hiệu. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý ngay các bất cập khác nếu có về hạ tầng giao thông.
Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa
Theo Sở GTVT Hà Nội, giai đoạn 2012-2022, nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng góp phần giảm áp lực giao thông và giảm ùn tắc giao thông; công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông được đẩy mạnh.
Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe luôn được coi trọng; công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông được tăng cường; công tác quản lý vận tải và phát triển vận tải hành khách công cộng.
Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng đã tổ chức sắp xếp, điều chuyển toàn bộ các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn thành phố theo đúng định hướng quy hoạch chi tiết, nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường Vành đai 3 và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự ATGT được chú trọng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận tình hình đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố vẫn còn những diễn biến phức tạp.
Tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều trên một số tuyến đường Quốc lộ, đường tỉnh: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, Quốc lộ 21A, Đại lộ Thăng Long, đường Hồ Chí Minh... Địa bàn khu vực các quận nội thành tập trung lưu lượng phương tiện giao thông cao.
Trên một số tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm hiện đang xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông như: Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh - Đại La - Minh Khai, Kim Mã... còn xảy ra tình trạng phương tiện tham gia giao thông vào những khung giờ cao điểm di chuyển khó khăn; tình trạng ùn tắc giao thông còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm, các dịp nghỉ lễ, tết,... nhất là trên một số tuyến đường cửa ngõ ra vào nội đô, trục xuyên tâm, tuyến đường vành đai các trạm phí BOT trên các tuyến cao tốc đi qua địa bàn thành phố (Quốc lộ 1B, Quốc lộ 5, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường vành đai 3 trên cao,...).
Tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông còn diễn ra với các hành vi như: xe quá khổ, quá tải; vi phạm nồng độ cồn; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; dừng, đỗ phương tiện sai quy định; điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc,...
Nguyên nhân được Sở GTVT TP Hà Nội đưa ra là ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của một bộ phận người dân và doanh nghiệp vận tải chưa cao. Sự gia tăng nhanh về số lượng phương tiện tham gia giao thông, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông chưa kịp đáp ứng và theo kịp với tốc độ đô thị hóa, đặc biệt một số tuyến đường hướng tâm dẫn vào trung tâm thành phố: Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng, Nguyễn Thanh Bình - Tố Hữu - Lê Văn Lương, Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi....
Ngoài ra, việc thi công các công trình giao thông trọng điểm như (Vành đai 2 trên cao và dưới thấp, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu vượt Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, hầm chui Lê Văn Lương, dự án nước thải Yên Xá, mở rộng tuyến đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến Cầu Nhật Tân...) do việc tổ chức rào chắn phục vụ thi công cũng đã gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông và làm tăng khả năng gây nên tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.