1. Trang chủ /
  2. Sẽ đi về đâu khi quản lý An toàn thực phẩm luôn trong trình trạng “trên nóng, dưới lạnh”?

Sẽ đi về đâu khi quản lý An toàn thực phẩm luôn trong trình trạng “trên nóng, dưới lạnh”?

thứ ba, 18/4/2023 12:35 GMT+07
Xác định An toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã luôn quan tâm, tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Phương tiện và 600 kg cổ cánh gà đông lạnh bị cơ quan chức năng thu giữ Phương tiện và 600 kg cổ cánh gà đông lạnh bị cơ quan chức năng thu giữ

Vẫn còn nhiều vi phạm

Cục QLTT tỉnh Nghệ An cho biết, sáng ngày 16/4/2023, Đội QLTT số 1 của Cục phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Diễn Châu - Phòng Cảnh sát giao thông Công an Nghệ An tiến hành kiểm tra ô tô tải mang BKS 37C-405-25 do ông Lê Văn Quảng lái xe kiêm chủ hàng có địa chỉ tại TP. Vinh (Nghệ An) điều khiển.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện ông Lê Văn Quảng đang vận chuyển 600 kg cổ cánh gà đông lạnh được chứa đựng trong 12 túi ni-lông không có nhãn hàng hóa trên bao bì.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Quảng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của lô hàng nói trên.

Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt đối với ông Lê Văn Quảng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Cũng mới đây, Đội QLTT số 11 (Cục QLTT tỉnh Nghệ An) phối hợp Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An) tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh T.L (địa chỉ tại Xóm Nam Liên, xã Nghi Liên, TP.Vinh, Nghệ An).

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hộ kinh doanh T.L có 30 bao bóng chứa 100 kg chà bông thịt. Toàn bộ hàng hóa này trên vỏ không có nhãn hàng hóa, thông tin thể hiện nguồn gốc xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng. Cơ quan chức năng đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh T.L.; đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Cần khắc phục tình trạng “Trên nóng, dưới lạnh” trong quản lý về An toàn thực phẩm  - Ảnh 2.
Lực lượng chức năng giám sát tiêu hủy số hàng hóa vi phạm

Đây là 02 trong nhiều vụ vận chuyển, sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn được cơ quan chức năng phát hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua. Và những loại thực phẩm này nếu không được phát hiện bắt giữ, tiêu huỷ... không biết sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe người tiêu dùng.

Bác sĩ CKII Phạm Ngọc Quy – Chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Nghệ An cho biết: Tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng ...vẫn còn trôi nổi trên thị trường. Một bộ phận người dân còn sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo hoặc các thực vật, động vật không rõ loại, không rõ công dụng để ăn, uống, gây ra các sự cố về an toàn thực phẩm.

Trong năm 2022, và dịp Tết Nguyến đán Quý Mão vừa qua, Nghệ An đã tiến hành hành thanh tra, kiểm tra, phát hiện 736 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 2,1 tỷ đồng… Tiếp đó, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão (từ 1/1/2023 đến 10/2/2023), toàn tỉnh Nghệ An cũng đã thành lập 501 đoàn thanh tra, kiểm tra về đảm bảo an toàn thực phẩm. Các đoàn đã thanh tra, kiểm tra được 6.206 cơ sở, trong đó phát hiện 360 cơ sở vi phạm; cơ quan chức năng đã lập biên bản, phạt tiền 128 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 483 triệu đồng, đồng thời tịch thu tang vật 15 sản phẩm, buộc tiêu hủy 72 sản phẩm.

Các lỗi vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện chủ yếu là không có giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn; người trực tiếp chế biến thức ăn không đầy đủ trang phục bảo hộ lao động theo quy định; khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đảm bảo; vi phạm quy định của pháp luật về bảo quản thực phẩm... Bác sĩ CKII Phạm Ngọc Quy cho biết thêm.

Cần khắc phục tình trạng “Trên nóng, dưới lạnh” trong quản lý về An toàn thực phẩm  - Ảnh 3.
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ được đẩy mạnh

"Trên nóng, dưới lạnh"

Xác định an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã luôn quan tâm, tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế về mặt nhận thức, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay ở Nghệ An có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Tiến sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Lê, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay: Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm một số huyện, xã chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa bàn. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn phân tán, chưa tập trung đầu mối. Tại tuyến huyện nguồn nhân lực còn mỏng. Tại tuyến xã, hoạt động kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách nên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm chưa thường xuyên, chủ yếu mới chỉ tập trung vào các thời điểm cao điểm. Phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra ngộ độc còn thiếu.

Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý… Sản xuất, kinh doanh theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn chưa thực sự được quan tâm, liên kết sản xuất còn hạn chế, mô hình sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào hỗ trợ của nhà nước, khi hết hỗ trợ thì khó duy trì. Nguồn lực dành cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Để khắc phục tình trạng trên, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ngành, đơn vị liên quan cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó cần tăng cường kiểm tra, giám sát trên phạm vi quản lý; tiếp tục quán triệt, triển khai các nội dung Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 và Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Quyết định số 11/2021/QĐ-UBND ngày 20/5/2021 của UBND tỉnh Nghệ An quy định về phân công, phân cấp và phối hợp trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm… Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức.

Cần khắc phục tình trạng “Trên nóng, dưới lạnh” trong quản lý về An toàn thực phẩm  - Ảnh 4.
Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất cà muối trên địa bàn TP Vinh

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm An toàn thực phẩm

Mới đây, ngày 14/4/2023, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2023.

Trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, các cấp ngành trong tỉnh Nghệ An sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông về việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm và hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc tỉnh; các tổ chức chính trị, xã hội; UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài; tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn để tuyên truyền công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương.

Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn, mời đại diện Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tham gia cùng đoàn; kết hợp thanh tra, kiểm tra mới với hậu kiểm kết quả thanh tra, kiểm tra trước đó đã thực hiện; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng lậu, hàng nhái; công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.