1. Trang chủ /
  2. SEA Games 32: Hành trình ấn tượng và kỳ vọng vươn tầm của thể thao Việt Nam

SEA Games 32: Hành trình ấn tượng và kỳ vọng vươn tầm của thể thao Việt Nam

thứ năm, 22/6/2023 18:00 GMT+07
Không chỉ có được vị trí nhất toàn đoàn với 136 huy chương vàng (HCV), đoàn thể thao Việt Nam còn dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương các môn Olympic tại SEA Games 32.
Lễ khai mạc SEA Games 32 hoành tráng và ấn tượng. Lễ khai mạc SEA Games 32 hoành tráng và ấn tượng.

Đây là thành quả đến từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các vận động viên (VĐV) và huấn luyện viên (HLV), đồng thời cho thấy tiềm năng để hướng ra sân chơi châu lục và thế giới của thể thao nước nhà.

Ý chí vượt khó

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp huy chương tại một kỳ SEA Games diễn ra trên sân khách. Cùng với đó, đây cũng là kỳ đại hội thứ ba liên tiếp, chúng ta xếp trên Thái Lan, cường quốc thể thao của khu vực Đông Nam Á.

Niềm tự hào dân tộc, tinh thần thể thao cao thượng và ý chí thi đấu hết mình không bỏ cuộc là những thông điệp được lan tỏa mạnh mẽ nhất tới người hâm mộ nước nhà từ sự thành công của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32.

Ở đó, có lúc máu đã đổ, nước mắt đã rơi và mồ hôi ướt đẫm từng vạt áo, nhưng vượt lên trên tất cả, các VĐV Việt Nam đã chiến đấu hết mình để mang về vinh quang cho Tổ quốc.

Giữa cái nóng gần 40 độ tại Siem Reap, “nữ hoàng đi bộ” Nguyễn Thị Thanh Phúc mồ hôi như tắm, băng băng về đích giành huy chương vàng (HCV). Tại đường chạy marathon 42km nữ, cô gái Lê Thị Tuyết chỉ cao 1m46, nặng chưa đầy 38kg xuất sắc đoạt tấm HCB giữa cái nắng “cháy da, cháy thịt”. Cũng ở nội dung này, nữ VĐV marathon Nguyễn Thị Ninh ngất xỉu ngay sau khi hoàn thành quãng đường hơn 42km đầy vất vả. Dù không thể giành huy chương, nhưng ý chí không bỏ cuộc của chân chạy Việt Nam khiến tất cả phải nể phục.

Không chỉ sự khắc nghiệt của mùa hè Campuchia, các VĐV Việt Nam còn phải đối mặt với sức nóng đến từ các khán đài và nhiều yếu tố khác. Nhưng rồi với ý chí, quyết tâm và đẳng cấp của mình, tất cả đã vượt qua khó khăn để tạo nên những màn trình diễn ấn tượng.

Ở môn kun bokator, Việt Nam giành 6/9 HCV nội dung đối kháng, trong khi đó tại môn kun khmer, chúng ta cũng có được 5 HCV để xếp nhì toàn đoàn. Đây là môn võ cổ truyền của Campuchia, nhưng không ít lần các võ sĩ Việt Nam vượt qua sức ép lớn từ trên khán đài, đánh bại võ sĩ chủ nhà cũng như các đối thủ mạnh trong khu vực để giành vị trí cao nhất.

Cũng ở các môn võ, câu chuyện đôn cân, ép cân luôn là thử thách gian nan mà các VĐV phải vượt qua. VĐV Phạm Thị Phương phải ép 7kg trong vòng 2 tháng, chỉ tập trong 3 tháng nhưng đã giành HCV hạng 45kg môn kun bokator. Hoặc võ sĩ Đinh Thị Hương nỗ lực chống chọi với căn bệnh đại tràng sau hành trình đôn 11kg, phải uống 2 lít nước trước khi cân để đủ điều kiện thi đấu, rồi sau đó giành vàng nội dung kumite hạng dưới 68kg môn karate. Ở môn bóng rổ, Trương Thảo Vy nén đau vì chấn thương gặp phải ở trận bán kết để thi đấu chung kết và cùng các đồng đội giành tấm HCV lịch sử cho môn bóng rổ 3x3.

sea games 32 hanh trinh an tuong va ky vong vuon tam cua the thao viet nam hinh 2
VĐV Nguyễn Thị Oanh xuất sắc giành 2 HCV SEA Games 32 trong hơn 20 phút.

Đặc biệt ấn tượng là trường hợp “nữ hoàng điền kinh” Nguyễn Thị Oanh vượt qua mọi giới hạn thách thức, giành 2 HCV trong vòng hơn 20 phút, gây chấn động Đại hội thể thao Đông Nam Á và truyền thông quốc tế. Rồi “bà mẹ bỉm sữa” Nguyễn Thị Huyền vượt qua áp lực để nối dài kỳ tích ở môn điền kinh với thêm 3 tấm huy chương vàng SEA Games trên đất Campuchia.

Ngoài những cái tên trên, còn vô số chàng trai, cô gái Việt Nam ở nhiều môn thi đấu khác đã mang vinh quang về cho Tổ quốc bằng niềm tự hào của ý chí vượt khó như: VĐV Cao Thị Duy (3 HCV môn lặn), kình ngư Phạm Thanh Bảo (cú đúp kỷ lục SEA Games), ĐT bóng đá nữ Việt Nam (4 HCV SEA Games liên tiếp)…

Kỳ vọng vươn tầm

Không chỉ gây ấn tượng với ngôi nhất toàn đoàn, đoàn thể thao Việt Nam còn khẳng định được tiềm năng của mình khi dẫn đầu về số HCV ở các môn thể thao Olympic được tổ chức tại SEA Games 32.

Trong số 136 HCV Việt Nam giành được, các môn thi Olympic đóng góp 69, chiếm 50,7%. Cụ thể, thể thao Việt Nam giành vàng ở các môn Olympic gồm: bơi (7), điền kinh (12), bóng rổ 3x3 (1), boxing (2), xe đạp (1), đấu kiếm (4), bóng đá (1), golf (1), thể dục dụng cụ (4), judo (8), karate (6), bóng bàn (1), taekwondo (4), cử tạ (4), vật (13).

Trong khi đó, Thái Lan giành 61/108 HCV tại bảng xếp hạng đặc biệt này, xếp sau lần lượt là Singapore (41/51), Philippines (32/58), Malaysia (21/34), Campuchia (14/81) và Myanmar (2/21).

Đây được xem là thước đo quan trọng để các nhà hoạch định có được đánh giá về tiềm năng của thể thao Việt Nam, qua đó có đưa ra kế hoạch đầu tư phù hợp để tiến ra ASIAD và Olympic.

sea games 32 hanh trinh an tuong va ky vong vuon tam cua the thao viet nam hinh 3
VĐV Nguyễn Công Mạnh xuất sắc giành HCV 73kg vật cổ điển - Ảnh: Văn Phong

Trên thực tế, thành tích giành 136 HCV, 105 HCB và 118 HCĐ là thành công vượt quá sự kỳ vọng ban đầu của đoàn thể thao Việt Nam. Với hơn 700 VĐV tham dự, đoàn Việt Nam chỉ xếp thứ tư về số lượng, sau chủ nhà Campuchia, Thái Lan và Philippines. Đồng thời với việc nhiều môn thế mạnh như bắn súng, bắn cung, kurash, rowing, canoeing… không được tổ chức, cộng thêm việc chủ nhà Campuchia giới hạn các quốc gia khác chỉ được đăng ký tham dự 70% nội dung ở các môn võ, SEA Games 32 được dự báo là một kỳ đại hội nhiều thách thức cho đoàn Việt Nam.

Tuy nhiên với chiến thuật hợp lý, ý chí và quyết tâm vượt khó, các VĐV và HLV Việt Nam đã mang về nhiều thành tích ấn tượng, qua đó giúp đoàn Việt Nam vượt xa chỉ tiêu giành từ 89 đến 120 HCV đề ra trước ngày lên đường.

Sau chiến tích tại SEA Games 32, những cái tên như Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Thanh Bảo (bơi) và nhiều đồng đội khác ở các môn võ, cử tạ, cầu mây… sẽ tiếp tục gánh trên mình trọng trách lớn lao hơn, với mục tiêu đạt thành tích cao tại ASIAD 19 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ ngày 23/9 đến 8/10 tới đây.

Đáng chú ý, một số nội dung thi đấu tại ASIAD 19 sẽ là cơ sở để chọn ra suất dự Olympic Paris 2024. Điều đó càng khiến các VĐV, HLV và lãnh đạo ngành thể thao thêm quyết tâm cho những mục tiêu lớn sau SEA Games.


sea games 32 hanh trinh an tuong va ky vong vuon tam cua the thao viet nam hinh 4
VĐV Ngô Đức Mạnh giành HCV môn kun bukator - Ảnh: Văn Phong

“Tại SEA Games 32, xuất hiện nhiều VĐV trẻ xuất sắc, giành thành tích cao về cho Đoàn Thể thao Việt Nam, tuy nhiên số lượng còn ít. Do đó, chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo VĐV trẻ. Tôi cũng hy vọng ngành sẽ huy động được nguồn lực từ các địa phương, các nhà tài trợ để cùng với nguồn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm, các môn thế mạnh”, ông Đặng Hà Việt - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 nhấn mạnh.

SEA Games 32: Muôn nẻo đường Phnom Penh

Đại hội thể thao Đông Nam Á 2023 đã khép lại, nhưng âm vang của nó còn vang mãi với những ký ức tuyệt đẹp cho các phóng viên thể thao khu vực. Trong những ngày trên đất Campuchia, chúng tôi cảm nhận được không khí “ăn ngủ cùng SEA Games” của nước chủ nhà.

sea games 32 hanh trinh an tuong va ky vong vuon tam cua the thao viet nam hinh 5
Đường phố Thủ đô Phnom Penh và Siem Reap ngập tràn cờ hoa chào đón SEA Games 32. Ảnh: Như Đạt

SEA Games, SEA Games và SEA Games là từ luôn thường trực trên môi người dân Campuchia mỗi khi gặp những phóng viên nước ngoài tới tác nghiệp như chúng tôi. Từ người bán hàng rong đến nhân viên siêu thị, từ các lái xe tuk tuk cho đến những tài xế công nghệ, tất cả đều lộ rõ sự tự hào trong lần đầu tiên Campuchia đăng cai đại hội thể thao lớn nhất khu vực.

Đặt chân tới Phnom Penh 1 tuần trước khi lễ khai mạc diễn ra, vừa bước xuống máy bay, chúng tôi ngay lập tức cảm nhận được bầu không khí của SEA Games. Nước chủ nhà chu đáo chuẩn bị một lối riêng để làm thủ tục nhập cảnh cho các VĐV, HLV và truyền thông đến tham dự SEA Games. Tất cả được vận hành trơn tru, nhanh gọn cùng nụ cười chào đón luôn nở trên môi các tình nguyện viên.

Đường phố Phnom Penh như khoác trên mình tấm áo mới, khi khắp nơi đều được trang hoàng bằng những banner mang hình ảnh SEA Games 32. Hàng trăm triệu USD cùng tâm huyết của cả đất nước Campuchia được dành cho giải đấu này. Và quả thực, xứ sở chùa tháp đã mang đến một kỳ SEA Games khó quên với bạn bè Đông Nam Á.

Choáng ngợp, đó có lẽ là từ mà ai cũng phải thốt lên khi chứng kiến lễ khai mạc ngập tràn sắc màu của SEA Games 32. Bên trong sân vận động Morodok Techo được xây dựng với kinh phí 168 triệu USD, một bữa tiệc âm thanh, ánh sáng và âm nhạc đã được tạo ra, đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Ở đó, những hình ảnh truyền thống của đế chế Khmer được tái hiện; những nét hiện đại, năng động của đất nước Campuchia được lan tỏa. Hơn hết, đó còn là thông điệp mạnh mẽ được chủ nhà gửi đi về một kỳ SEA Games hoành tráng đang chờ đợi phía trước.

Những gì diễn ra sau đó đã không khiến chúng tôi phải thất vọng. Giữa cái nắng gần 40 độ ở Thủ đô Phnom Penh, các CĐV Campuchia xếp hàng dài chờ đến lượt vào sân Olympic. Dù đã có vé nhưng họ chấp nhận đến sớn 3-4 tiếng đồng hồ, đội nắng đội mưa để giữ chỗ chờ xem U22 Campuchia thi đấu. Trước đó, biển người xếp hàng từ 3h sáng với hi vọng có thể nhận được tấm vé vào xem trận đấu của đội nhà.

Cách đó không xa, tại một quảng trường gần sân Olympic, hàng nghìn CĐV kém may hơn, không có vé vào sân đã tụ tập lại để theo dõi trận đấu qua màn hình lớn. Tại các trung tâm thương mại, giao lộ lớn tại Thủ đô Phnom Penh, nhiều màn hình cũng đã được lắp đặt để phục vụ nhu cầu của người dân.

Đó chính là ví dụ tiêu biểu cho tình yêu thể thao của người dân Campuchia. Việc Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia cho học sinh ở cả các trường công lập và tư thục được nghỉ từ ngày 20/4 đến 18/5 càng giúp cho bầu không khí tại các nhà thi đấu trở nên sôi động, khi rất đông khán giả đã tới cổ vũ các đội tranh tài. Và tất nhiên, tất cả đều được vào cửa miễn phí.

sea games 32 hanh trinh an tuong va ky vong vuon tam cua the thao viet nam hinh 6

Một thành phần đóng góp không nhỏ vào thành công của SEA Games 32, đó là đội ngũ tình nguyện viên. Với số lượng đông đảo, cùng sự nhiệt tình và khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt, các sinh viên Campuchia đã để lại những ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế trong vai trò tình nguyện viên hỗ trợ phục vụ của giải đấu.

Đã có những lần, chúng tôi phải “cầu cứu” đến sự giúp đỡ của tình nguyện viên, nhờ họ trao đổi với các tài xế taxi và lái xe tuk tuk do bất đồng về ngôn ngữ.

Trên ứng dụng đặt xe công nghệ tại Campuchia không có xe máy, thay vào đó là tuk tuk, loại xe phổ biến của quốc gia này. Đây có thể coi là một trải nghiệm đáng thử khi đặt chân tới Campuchia, tuy nhiên đôi khi vẫn có những vấn đề xảy ra vì tài xế và người đặt xe không thể tìm được nhau.

Những lúc như vậy, phóng viên quốc tế như chúng tôi lại nhờ đến sự giúp đỡ của các tình nguyện viên. Dù đôi lúc đã rất muộn, lại đang vội ra về, tuy nhiên tất cả đều không nề hà và họ giúp đỡ chúng tôi với nụ cười nở trên môi. Những ngày làm việc tại SEA Games có không ít vất vả, nhưng bù lại sự nhiệt tình của nước chủ nhà như khiến chúng tôi quên đi khó khăn.

Một nét thú vị khác mà chúng tôi ghi nhận được khi có mặt tại Campuchia là việc có khá nhiều người bản xứ nói được tiếng Việt. Bước vào nhà thi đấu Chroy Changvar, nơi được ví von là “võ đài của SEA Games 32” khi là địa điểm tổ chức rất nhiều môn võ, thấy phóng viên mặc trên người chiếc áo của đội tuyển Việt Nam, nhân viên an ninh nở nụ cười và hỏi bằng chất giọng đậm chất miền trung du Bắc bộ: “Quê con ở đâu?”. Hỏi ra mới biết, chú là người Campuchia nhưng từng có thời gian du học tại Việt Nam, và từ đó về sau, mỗi lần gặp nhau tại lối vào nhà thi đấu, tôi và chú đều chào nhau bằng tiếng Việt.

Cũng trong những ngày tác nghiệp tại nhà thi đấu Chroy Changvar, chúng tôi gặp phải một sự cố nhỏ khi một đồng nghiệp vô tình để lạc mất… chiếc ví của mình. Sau khi nhận được lời nhờ hỗ trợ của chúng tôi, đội ngũ an ninh nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra hệ thống camera để nắm tình hình. Và sau ít phút lo lắng, tất cả đều cùng thở phào, bởi chiếc ví không mất đi đâu cả, mà anh bạn đồng nghiệp của tôi chỉ đãng trí cất vào ba lô rồi sau đó quên bẵng đi. Tất cả cùng nhau cười vì sự cố “ngớ ngẩn” này, nhưng với chúng tôi, sự nhiệt tình của các nhân viên an ninh SEA Games 32 là điều còn đọng lại mãi.

Ba tuần có mặt tại Campuchia, chúng tôi đã được trải qua những ngày sống trọn vẹn cùng SEA Games. Ở đó, từ những cảm xúc vỡ òa của chiến thắng cho đến sự cay đắng của thất bại, tất cả đều đã diễn ra phía trước ống kính của những phóng viên như chúng tôi. 22 ngày qua đi, 22 ngày đáng nhớ, 22 ngày của bộn bề công việc theo guồng quay của SEA Games, đọng lại trong tâm trí của tất cả là một giải đấu thật nhiều kỷ niệm.

Suốt hơn 3 tuần, người dân Campuchia không chỉ lan tỏa được những nét đẹp văn hóa truyền thống của mình, mà cùng với đó còn là hình ảnh của một đất nước Campuchia hòa bình, hiện đại và hiếu khách, đúng như thông điệp “Sport: Live in peace” (Thể thao - Sống trong hòa bình) mà Ban Tổ chức SEA Games 32 lựa chọn. Đó chính là giá trị to lớn mà SEA Games mang lại, nơi 11 quốc gia Đông Nam Á xích lại gần nhau hơn thông qua thể thao.

Nhớ SEA Games, nhớ da diết Campuchia!