Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các tổ chức Đảng
Tiến hành thường xuyên, liên tục
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tư pháp, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết, nhìn lại lịch sử hơn 90 năm, trải qua cuộc trường chinh phấn đấu đầy gian khổ, hy sinh của bao lớp cán bộ tiền bối, của đội ngũ đảng viên kiên trung, Đảng ta được nhân dân tín nhiệm, trao cho sứ mệnh vinh quang là đội tiên phong, đồng thời là Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Tuyệt đại đa số đảng viên đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, dấn thân vì đại nghiệp, đại nghĩa của dân tộc, để xứng đáng với vai trò, sứ mệnh cao cả ấy. Có như thế, đất nước ta mới có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế quốc tế như ngày nay.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Cương chia sẻ, trong cuộc trường chinh đó, nhất là trong điều kiện vận hành nền kinh tế thị trường nhiều cám dỗ, trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới, đã có một bộ phận đảng viên không còn giữ được phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức tốt đẹp, không còn chung tay vì đại nghiệp của dân tộc. Không còn con đường nào khác, Đảng ta phải tiến hành chỉnh đốn để Đảng ta ngày thêm vững mạnh, đủ tầm lãnh đạo nhân dân hiện thực hóa khát vọng chung của dân tộc là trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Chỉ tính từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đã tiến hành công việc này ngày một sát sao. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận chuyên đề về xây dựng Đảng. Có thể kể đến như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VI “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VII “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 10 văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điển hình phải kể đến là Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ…
Gần đây nhất, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (tháng 12/2021), một lần nữa tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi đây là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự tồn vong của Đảng và chế độ, sự phát triển bền vững của đất nước.
Ông Nguyễn Văn Cương khẳng định, Đảng ta, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bằng con mắt tinh tường, đã đánh giá khách quan, sâu sắc tình hình, phân tích kỹ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém để đề ra hệ thống giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới. Kết luận và Quy định của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã thể hiện rõ những nội dung này.
Để thực hiện tốt Kết luận và Quy định mới này, ông Cương rất tâm đắc với những giải pháp mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Trước tiên, mỗi đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cấp ủy phải tự soi, tự sửa, tự gột rửa, tự cảnh giác với chính bản thân mình để giữ đúng tư cách đảng viên, có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện thiết thực để luôn thể hiện được vai trò tiền phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ”.
Đi kèm với đó cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các tổ chức Đảng, thực sự thượng tôn pháp luật, phát huy đúng mức vai trò của các thiết chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là vai trò của các cơ quan kiểm tra của Đảng, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát của Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, của các cơ quan truyền thông, báo chí. Thực hiện đúng phương châm dựa vào nhân dân để xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
“Tôi cũng rất tâm đắc với cách tiếp cận rất biện chứng mà đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; gắn bó với nhân dân mật thiết hơn; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn; chứ không phải ngược lại”, ông Nguyễn Văn Cương nói.
Chia sẻ với báo chí, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh, trong giai đoạn cách mạng mới, bên cạnh những thời cơ mới, vận hội mới, dân tộc ta cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam càng phải được khẳng định, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cần được nâng cao hơn bao giờ hết để đáp ứng với các yêu cầu, nhiệm vụ mà lịch sử dân tộc giao phó.
Coi trọng vai trò của chi bộ và đội ngũ đảng viên
Để làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn, bà Hoàng Thị Đào (đảng viên thuộc Đảng bộ phường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, trước hết mỗi đảng viên phải quán triệt và nhận thức sâu sắc nội dung công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; xây dựng Đảng về tổ chức; xây dựng Đảng về đạo đức.
Trong xây dựng Đảng về tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ. Chi bộ là tổ chức hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi giám sát đảng viên. Chi bộ có vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Về công tác cán bộ, Người luôn quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của người cán bộ trong sự nghiệp cách mạng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc; huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Người cũng khẳng định: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt” và “Muốn xây dựng Đảng tốt thì phải có đảng bộ tốt, chi bộ tốt. Muốn có đảng bộ tốt, chi bộ tốt thì phải có đảng viên tốt”. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đề cao vai trò của tổ chức cơ sở đảng mà còn khẳng định vai trò rất to lớn của đội ngũ đảng viên đối với công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Vì vậy, muốn xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, tất yếu phải xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh.
Bà Hoàng Thị Đào cũng nhấn mạnh, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một nội dung hết sức quan trọng và cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việc Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thể hiện tầm quan trọng và quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện việc cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta về vấn đề này. “Nhân dân hoan nghênh và rất tin tưởng vào quyết tâm chính trị của toàn Đảng cùng cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hy vọng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiên phong, là lực lượng lãnh đạo đất nước”, bà Hoàng Thị Đào bày tỏ.