Siết chế tài quản lý người nổi tiếng trên mạng xã hội
Vết nhơ, khó gột
Từ cuối tháng 9/2023, trên trang cá nhân N.T đăng tải những đoạn clip ghi lại cảnh cô điều khiển chiếc mô tô kèm những pha tạo dáng nguy hiểm khi di chuyển trên một cung đường ở TP HCM. Phòng CSGT TP HCM và Đội CSGT - Trật tự Công an TP Thủ Đức đã tạm giữ các mô tô liên quan trong những video do Ngọc Trinh đăng tải và lập biên bản xử phạt N.T. Ngày 19/10, N.T bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”, quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Trưa ngày 21/10/2023, mạng xã hội xôn xao hình ảnh anh em xiếc Q.C - Q.N cùng một hãng xe thực hiện đoạn clip quảng cáo cả hai không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe, chồng đầu lên nhau trên xe… Trước phản ứng dữ dội của cư dân mạng, phía nhãn hàng đã lên tiếng: “Màn trình diễn này được thực hiện bởi nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp trong một khu vực được kiểm soát hoàn toàn. Vui lòng không thử theo dưới bất kỳ hình thức nào”. Tuy vậy, clip quảng cáo này đã bị gỡ bỏ trên các truyền thông, mạng xã hội. Qua truyền thông, Q.C - Q.N cũng gửi lời xin lỗi tới mọi người.
Những nghệ sĩ có tiếng như H.V, V.H, V.D, T.H., C.T, Q.K, Đ.T, Q.L, K.T.L, N.T, K.M.T… được nhiều doanh nghiệp “ưu ái” mời quảng cáo sản phẩm. Để tăng độ tin cậy, nhiều nghệ sĩ còn tương tác, sử dụng sản phẩm khi livestream. Điều đáng nói, không ít trường hợp nghệ sĩ đã “thổi phồng” quá lố công dụng sản phẩm, hoặc đầu tư tiền ảo lãi cao... Hành động này đã tiếp tay cho thói làm ăn gian dối, cho tội ác, gây nhiễu loạn nền kinh tế và phá hoại trật tự xã hội. Việc nghệ sĩ dùng tên tuổi, sức hút truyền thông để quảng cáo cho sản phẩm là điều không sai nhưng việc quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, không đúng với lời nói, tiền ảo gây cho người tiêu dùng “tiền mất, tật mang” khiến dư luận bức xúc.
Ngoài “thổi phồng” các sản phẩm, có nghệ sĩ, “sao” còn “xả” vào công chúng những lời khiếm nhã. Không ít lần khán giả bắt gặp nữ người mẫu T.T nói tục, chửi thề trên trang cá nhân. Cô không chỉ đối đáp với antifan (người ghét bỏ) mà còn mắng mỏ cả người hâm mộ và khách hàng của mình. Ca sĩ P.L cũng biết tới khi có những phát ngôn khiếm nhã. Cô tuyên bố: “Ai đụng vào tôi, tôi chửi. Tôi cần gì hát với hò”. Ca sĩ D.M từng bị cộng đồng mạng phẫn nộ khi nói chuyện bằng tiếng Việt với một người đàn ông nước ngoài khi liên tục “giới thiệu” về con gái Việt bằng những câu: “Thích gái Việt Nam không?”; “Rất ngon. Gái Việt Nam rất dâm, sexy”...
Chuyện là người thứ ba không hiếm trong showbiz. Hơn chục năm gần đây, vì nhiều lý do: vì tiền tài, danh lợi, vì phút yếu mềm… mà những “sao” trẻ sẵn sàng làm “con giáp thứ mười ba” yêu người đàn ông có vợ (đặc biệt là các đại gia) phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác. Dư luận từng phẫn nộ, bức xúc khi diễn viên K.T tự hào về chuyện sống chung với người chưa ly hôn vợ. Cô sống như vợ chồng với một người đàn ông đang có gia đình và cô được “chị cả” - vợ chính thức của người đàn ông sống chung với cô và con trai mấy năm qua - rất yêu quý và “thần tượng”. K.T còn khẳng định cô là người thứ ba, nhưng là người thứ ba “chỉ mang lại điều tốt đẹp”. Cô còn “muốn là người tiên phong phá bỏ định kiến về người thứ ba là xấu”. Ca sĩ H.H bị gọi là “ca sĩ tiểu tam”. Dù đã lên tiếng xin lỗi nhưng khán giả vẫn không chấp nhận. Thậm chí, nhiều khán giả còn bày tỏ sự bức xúc và đề nghị “phong sát” giọng ca này.
Những người này không chỉ vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng, mà nguy hiểm hơn, bởi sự nổi tiếng của mình, họ đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho cộng đồng, góp phần tạo nên những suy nghĩ, hành xử lệch lạc trong xã hội bởi những “fan” hâm mộ bị tác động xấu bởi họ.
Sẽ hạn chế hình ảnh, hoạt động các nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm
Không ít nghệ sĩ thoải mái phát ngôn, hành xử lệch lạc, nhưng khi bị chê trách, họ chỉ biết im lặng hoặc xin lỗi qua loa, không chịu trách nhiệm. Có nghệ sĩ dẫu xin lỗi, thậm chí dùng đến cả nước mắt, nhưng cái họ nhận lại vẫn là sự nghi ngờ, quay lưng của khán giả. Hình ảnh của họ đã bị hoen ố, không còn đẹp đẽ trong mắt khán giả nữa. Bởi sai phạm của nghệ sĩ đã đến mức khó mà công chúng thông cảm được.
Không ít nghệ sĩ mất nhiều năm mới gây dựng được tên tuổi nhưng chỉ vì dễ dãi bản thân, chạy theo những ham muốn nhục dục, tiền bạc, ma túy, sự nổi tiếng ảo… dẫn tới tha hóa đạo đức, vi phạm pháp luật, chà đạp lên hai chữ “nghệ sĩ” để lại vết nhơ cho sự nghiệp. Khi quay lại con đường nghệ thuật, họ tìm lại sự hâm mộ của công chúng gian truân hơn rất nhiều.
Theo các nhà văn hóa, trong điều kiện ngày nay, tội phạm, tệ nạn xã hội có những chiều hướng tăng từ: mại dâm, ấu dâm, ma tuý, cờ bạc, ngoại tình… nhiều người vướng vào chứ không chỉ riêng nghệ sỹ. Nhưng nghệ sỹ là người của công chúng, người được yêu mến và trân trọng. Nghệ sỹ cũng là con người, nhưng họ là người của công chúng nên phải lưu ý đến việc giữ gìn hình ảnh của mình. Họ phải xác định cho được điều gì thì được phép làm, điều gì thì không. Nếu họ nghĩ đến tình cảm của khán giả dành cho mình, cờ bạc hay tất cả tệ nạn, họ phải chủ động tránh xa. Nhưng nếu quên mình là nghệ sỹ, quên những tình cảm mà khán giả dành cho bản thân thì thật thất vọng.
Bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đã đưa ra nhiều chuẩn mực cho những phát ngôn, ứng xử… của các nghệ sĩ trên báo chí, truyền thông và không gian mạng… Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các nghệ sĩ phải cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có kiểm chứng, bình luận đúng mực, có văn hóa về những vấn đề dư luận quan tâm; không gây mâu thuẫn, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo hoặc sử dụng hình ảnh phản cảm. Bên cạnh đó, nghệ sĩ cũng không được chia sẻ nội dung vi phạm pháp luật hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền các cơ quan, tổ chức nhà nước, ảnh hưởng lợi ích quốc gia. Khi quảng cáo trên mạng xã hội, họ phải truyền đạt thông tin trung thực, chính xác và rõ ràng về công dụng, chức năng sản phẩm.
“Quy tắc ứng xử” này xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử để nghệ sỹ có thể tự “soi” lại mình cũng như là thước đo để công chúng đánh giá về nghệ sỹ. Lúc này, ứng xử của công chúng (như tẩy chay, lên án…) sẽ là một chế tài vô cùng mạnh mẽ. Mặt khác, khi nghệ sỹ vi phạm quy tắc ứng xử, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể “chiếu” sang các quy định hiện hành để xử lý. Ví dụ, nếu nghệ sỹ chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật…, có thể bị xử phạt theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử), thậm chí có thể xem xét trách nhiệm hình sự.
Tại buổi họp giao ban báo chí quý 3 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thanh Sơn cho hay: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
Theo đó, những nghệ sĩ, người có ảnh hưởng vi phạm bộ quy tắc ứng xử cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, không trung thực trong quảng cáo, cung cấp sai thông tin tới công chúng… thì ngoài xử lý theo quy định pháp luật, hai Bộ đưa vào diện xem xét kiểm soát hạn chế hình ảnh, hoạt động. Quy trình xử lý sẽ là Bộ Thông tin và Truyền thông lập một danh sách nghệ sĩ vi phạm.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dựa trên danh sách này và mức độ vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm quy định trong bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật, sẽ có hình thức thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí, truyền hình để kiểm soát sự hiện diện của những nghệ sĩ này, từ sự xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng đến các hoạt động xã hội…
Toàn bộ nội dung quy trình đã được hai Bộ xây dựng hoàn tất, lấy ý kiến của các Bộ Công an, Tư pháp và Bộ liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền.