Sở GD&ĐT Lạng Sơn: Tiết kiệm ngân sách nhỏ giọt, đội giá thiết bị nhiều gói thầu
Mục đích của việc mua sắm tập trung tài sản nhà nước thông qua đấu thầu là để tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước, nhưng nhiều gói thầu tại Sở GD&ĐT Lạng Sơn lại xuất hiện những điều bất hợp lý khi với tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách thấp và thiết bị trong một số gói thầu lại đội giá so với giá bán trên thị trường cũng như giá mua sắm tập trung của một số đơn vị công lập khác.
Tiết kiệm ngân sách nhỏ giọt
Ngày 28/12/2021 Gói thầu Thi công xây dựng công trình Cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc Sở Giáo dục và Đào tạo, Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Quang Long Lạng Sơn được phê duyệt trúng thầu với giá 4.322.570.000 đồng theo quyết định số 1894/QĐ-SGDĐT ngày 27/12/2021 do ông Hoàng Quốc Tuấn, giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn ký. Giá gói thầu 4.338.800.000 đồng, tiết kiệm ngân sách được 16 triệu đồng.
Tại gói thầu số 3: Mua sắm thiết bị phòng tin học trang bị cho các trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Liên danh Công ty TNHH công nghệ T&C Việt Nam - Công ty CP vật tư và thiết bị văn phòng CDC) được phê duyệt trúng thầu với giá 21.532.228.000 đồng theo quyết định số 1885/QĐ-SGDĐT ngày 27/12/2021 do ông Hoàng Quốc Tuấn, giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn ký. Giá gói thầu 21.556.842.000 đồng, tính ra tại gói thầu hơn 21,5 tỷ đồng, tiết kiệm ngân sách được 24 triệu đồng.
Ngày 17/9/2021, Công ty Cổ phần phát triển Thủ đô Vina được ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn ký phê duyệt trúng gói thầu Xây dựng phòng ở cho học sinh nội trú Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lộc Bình với giá 5.149.678.000 đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 360 ngày. Được biết gói thầu này có giá dự toán 5.170.421.407 đồng.
Đội giá nhiều thiết bị
Bên cạnh việc tiết kiệm ngân sách hạn chế, một số thiết bị trong “gói thầu 03: Mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng khu nội trú cho các trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” làm chủ đầu tư có tình trạng “đội giá” so với giá duyệt mua của các đơn vị công lập khác.
Đơn cử như bộ sa bàn giáo dục giao thông, xuất xứ Việt Nam được Sở GD&ĐT Lạng Sơn duyệt mua với giá 970.200 đồng/cái. Trong khi đó giá bán sản phẩm này do Công ty CP sách và thiết bị giáo dục Miền Nam niêm yết chỉ 262.000 đồng/cái. Với số lượng 904 bộ sa bàn cần mua, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao lên tới hơn nửa tỷ đồng, chỉ tính riêng ở hạng mục này.
Thiết bị âm thanh (dàn âm thanh) TRAmp-STU được Sở GD&ĐT Lạng Sơn duyệt mua với giá 13.607.000 đồng/cái trong khi cũng sản phẩm này, Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm chỉ mua với giá bằng một nửa, tức 6.050.000 đồng/cái. Với số lượng 143 chiếc, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao lên tới hàng trăm triệu đồng.
Chưa dừng lại, giá vẽ (3 chân hoặc chữ A), xuất xứ Việt Nam được Sở GD&ĐT Lạng Sơn duyệt mua với giá 459.900 đồng/cái nhưng giá trên thị trường thấp hơn khá nhiều.
Tương tự, Cây nước nóng lạnh HC01-W, xuất xứ Việt Nam do Sở GD&ĐT Lạng Sơn duyệt mua với giá 4.455.000 đồng/cái nhưng theo khảo sát giá thị trường thấp hơn rất nhiều, chỉ 2.650.000 đồng/cái. Với số lượng cần mua 181 cái, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao của Sở GD&ĐT Lạng Sơn lên tới hàng trăm triệu đồng.
Với hàng loạt thiết bị có dấu hiệu “đội giá” trong gói thầu trị giá hơn 13,5 tỷ đồng do GD&ĐT Lạng Sơn làm chủ đầu tư kể trên, dư luận đặt câu hỏi về tính hiệu quả, tiết kiệm trong đầu tư công của cơ quan này.
Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.