1. Trang chủ /
  2. SƠN LA: Kinh nghiệm giảm nghèo ở huyện vùng cao Mường La

SƠN LA: Kinh nghiệm giảm nghèo ở huyện vùng cao Mường La

thứ sáu, 23/9/2022 11:07 GMT+07
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 21,8%, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động

Mường La là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Sơn La, có 16 xã, thị trấn và 6 dân tộc cùng sinh sống; địa hình rừng núi phức tạp chia cắt mạnh, độ dốc lớn; kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều xã giao thông đi lại còn khó khăn; tập quán canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ, phân tán, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất hạn chế.

Hơn nữa, thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng cao. Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại và sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, chưa ý thức tự lực khắc phục khó khăn vươn lên, chưa biết khai thác nguồn lực sẵn có tại địa phương, khiến tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn ở mức cao.

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền huyện đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới. Thành lập BCĐ xóa đói giảm nghèo, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn và hàng năm.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở thực tế của địa phương, ban hành các nghị quyết, quyết định, đề án, kế hoạch… để lãnh đạo thực hiện phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và vai trò tiên phong của đảng viên “đi trước, làm trước”.

Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân ý thức vươn lên giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Vận động nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua các buổi tuyên truyền đã giúp các hộ nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại.

Người dân huyện Mường La phát triển chăn nuôi gia súc lớ

Hàng năm, huyện giao chỉ tiêu đăng ký giảm nghèo cho các xã, đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Tăng cường công tác đối thoại giảm nghèo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án giảm nghèo hỗ trợ sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng, như Chương trình 135, 30a, nông thôn mới... Nhờ đó, kết cấu hạ tầng của huyện phát triển đáng kể, điện, đường, trường học được đầu tư xây dựng tại tất cả các xã, mở ra cơ hội giao lưu hàng hóa, cải thiện đời sống người dân.

Những bước đi phù hợp

Mường La đã chú trọng công tác vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn…

Huyện phân vùng sản xuất, trong đó vùng trung tâm cụm xã và thị trấn Ít Ong tiếp tục phát triển thương mại dịch vụ, duy trì chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; các xã dọc sông Đà và vùng phụ cận duy trì trồng các loại cây lương thực ngắn ngày; đưa các loại giống mới, cây ăn quả có giá trị vào sản xuất, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Các xã vùng cao duy trì chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng theo hướng sản xuất hàng hóa; trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng...

Hiện nay, huyện có hơn 5.800ha cây ăn quả, gồm mận hậu, nhãn, xoài, chuối, sản lượng bình quân gần 20.000 tấn quả/năm; trên 2.100ha cây sơn tra, năng suất bình quân 18-20 tấn quả/ha, giá trị thu nhập hàng chục tỷ đồng; hơn 450ha cây dược liệu (150ha cây sả, 250ha cây thảo quả, 33ha cây sa nhân) mang lại nguồn thu khá…

Ngành chăn nuôi của huyện đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành mô hình chăn nuôi tập trung, trang trại. Hiện toàn huyện có trên 609.000 con gia súc, gia cầm.

Khai thác lợi thế diện tích mặt nước trên lòng hồ thủy điện Sơn La, người dân các xã vùng lòng hồ phát triển nuôi trồng thủy sản, với 988 lồng cá, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng gần 900 tấn/năm.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bắc chia sẻ: “Trên hành trình thoát nghèo, Mường La đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Trung ương, của tỉnh, thông qua các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, để đầu tư cơ sở hạ tầng... Nhờ triển khai đồng bộ hiệu quả các chính sách giảm nghèo, điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 21,8%, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên. Cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, văn hoá được quan tâm đầu tư, hầu hết các tuyến đường từ trung tâm huyện về xã đã được đổ bê tông hoặc rải nhựa, thuận lợi đi lại và giao thương hàng hóa… Đó là những yếu tố quan trọng tiếp sức cho công cuộc giảm nghèo ở huyện Mường La đạt hiệu quả”.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 266 ra ngày 23/9/2022)