1. Trang chủ /
  2. Sơn La: Tranh cãi chất lượng nhựa đường làm tỉnh lộ 112

Sơn La: Tranh cãi chất lượng nhựa đường làm tỉnh lộ 112

thứ sáu, 9/12/2022 19:37 GMT+07
Theo phản ánh của một công ty xây dựng tại tỉnh Sơn La, đơn vị này đã mua phải nhựa đường kém chất lượng của Công ty cổ phần Nhựa đường thiết bị Giao thông nhưng lại không nhận được giải quyết thỏa đáng và phải chịu nhiều tổn thất về kinh tế, uy tín.

Hàng trăm thùng phi nhựa đường kém chất lượng?

Trong đơn phản ánh gửi tới báo Pháp luật Việt Nam, ông Mai Hải Lâm – Giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Phát Sơn La (Công ty Tân Phát Sơn La) cho biết, Công ty Tân Phát Sơn La và Công ty TNHH xây dựng & TMDV Thái Hà hiện đang liên danh thi công tuyến đường tỉnh 112 của tỉnh Sơn La. Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Tân Phát Sơn La đã ký hợp đồng mua vật liệu nhựa đường của Công ty cổ phần Nhựa đường thiết bị Giao thông (Công ty Nhựa đường Thiết bị Giao thông), có địa chỉ tại phòng 5A08, tầng 5A tòa W1, KĐT Vinhome WestPoint, lô HH đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. 

Theo phản ánh, Công ty Nhựa đường thiết bị giao thông đã bán cho Công ty Tân Phát Sơn La khoảng 570 phi nhựa đường, chia làm 5 chuyến giao hàng. Về phía mình, Công ty Tân Phát Sơn La cũng đã hoàn thành nghĩa vụ khi thanh toán toàn bộ số tiền hàng khoảng 1,7 tỷ đồng cho Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông. 

Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Mai Văn Lâm, 2/5 chuyến nhựa đường do Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông bán cho Công ty Tân Phát Sơn La không đạt chất lượng theo yêu cầu. Nhựa đường sau khi thi công không có độ bám dính với đá và bị lột lên sau 1-2 ngày. 

Theo đó, tại Kết quả thí nghiệm nhựa đường được lấy mẫu vào ngày 31/10/2022 do Công ty Cổ phần tư vấn Kiểm định HB (phường Quyết Thắng, TP Sơn La) thì “Độ dính bám đối với đá” của nhựa đường do Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông cung cấp chỉ đạt “Cấp độ 2” trong khi yêu cầu kỹ thuật thấp nhất là “Cấp độ 3”. 

Hình ảnh nhựa đường do Công ty Cổ phần Nhựa đường thiết bị Giao thông cung cấp không có độ bám dính với đá tại công trình đường tỉnh 112 đoạn Làng Chếu – Xím Vàng, tỉnh Sơn La.
Hình ảnh nhựa đường do Công ty Cổ phần Nhựa đường thiết bị Giao thông cung cấp không có độ bám dính với đá tại công trình đường tỉnh 112 đoạn Làng Chếu – Xím Vàng, tỉnh Sơn La.

Cần biết rằng, trong Điều 2 Hợp đồng kinh tế nói trên có nội dung: “Bên bán đảm bảo chất lượng vật liệu Nhựa đường sử dụng trong xây dựng công trình giao thông có văn bản đã kiểm tra thực hiện thông tư số 27/2014/TT-BGTVT ngày 28/7/2014 của Bộ Giao Thông Vận Tải tại Công ty CP Nhựa đường thiết bị Giao Thông. Bên bán cung cấp chứng chỉ chất lượng nhựa đường do Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải cấp. Nhựa đường được đóng trong phi sắt, nguyên đai nguyên kiện”. 

Ngay khi phát hiện ra việc nhựa đường từ Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông không đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu trước đó, đơn vị chủ đầu tư đã lập Biên bản kiểm tra vào ngày 2/11/2022.

Theo đó, tại Biên bản kiểm tra để xử lý kỹ thuật thi công công trình “Đường tỉnh 112 đoạn Làng Chếu – Xím Vàng”, các bên liên quan đã xác định: “Sau khi kiểm tra thực tế khối lượng thi công lý trình Km 34+00 đến km 35+516,19. Đường tỉnh 112 đoạn Làng Chếu – Xím Vàng. Chúng tôi lập biên bản thống nhất nội dung xử lý kỹ thuật như sau: 

Đề nghị Công ty TNHH xây dựng & TMDV Thái Hà xử lý đoạn đường đã thi công phần mặt nhựa không đảm bảo chất lượng từ Km 34+00 đến km 35+516,19 bằng cách bóc lớp nhựa rải lại theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Đảm bảo tiến độ theo đúng hợp đồng đã cam kết”. 

Không tìm được tiếng nói chung, ai là người chịu tổn thất?

Theo ông Mai Hải Lâm, sau biên bản kiểm tra xác định chất lượng nhựa đường kém chất lượng, Công ty Tân Phát Sơn La đã liên hệ với Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông để xử lý vấn đề. Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông đã cử cán bộ phụ trách lên công trình để kiểm tra chất lượng số hàng đã giao cho Công ty Tân Phát Sơn La. Sau quá trình kiểm tra, Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông hứa sẽ đổi lại số lượng nhựa đường khác để thay thế số hàng hơn 200 thùng phi nhựa đã hỏng mà Công ty Tân Phát Sơn La nhận trước đó. 

Sau đó, Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông đã cho đơn vị vận chuyển lên mang về 1/3 số nhựa đường bị hỏng với số lượng 75 thùng phi nhựa. Một thời gian sau, Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông tiếp tục cho người lên để chuyển số lượng nhựa hỏng còn lại về nhưng lần trở lên này họ không mang nhựa đường mới lên để thay thế cho số hàng hỏng trước đó. 

Ông Mai Văn Lâm bức xúc: “Chúng tôi đã có trao đổi với Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông về việc sao không mang nhựa đường mới lên để thay thế cho số nhựa đường đã hỏng, họ cho biết là thu hết nhựa đường về để trả lại tiền. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý cho họ lấy số nhựa đường còn lại. Chúng tôi đã gây áp lực bằng cách giữ xe hàng 5 ngày. Sau đó, phía Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông chỉ hoàn trả lại cho chúng tôi khoảng 168 triệu đồng trên tổng số gần 185 triệu đồng giá trị của 75 thùng phi nhựa đường mà họ đã trở về. 

Chúng tôi đã đề nghị họ xử lý vấn đề và phải thanh toán đủ số tiền của 75 thùng phi nhựa đường nhưng họ đưa ra lý do là trừ cước vận chuyển và tiền lưu kho bãi... Tuy nhiên, Công ty chúng tôi không chấp nhận lý do này bởi đây là lỗi của bên họ gây ra. Do điều kiện ở xa nên chúng tôi chỉ xử lý vấn đề qua điện thoại trên tinh thần hợp tác và tin tưởng lẫn nhau nhưng phía họ không có thái độ hợp tác. Họ thoái thác trách nhiệm và không chịu khắc phục toàn bộ những hậu quả mà họ đã gây ra cho chúng tôi”. 

Trên thực tế, Công ty Tân Phát Sơn La phải chịu tổn thất lên tới hơn 1 tỷ đồng với 2,5km đường mà đơn vị này phải khắc phục do nhựa đường kém chất lượng. 

Hiện tại, Công ty Tân Phát Sơn La chỉ muốn yêu cầu phía Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông hoàn trả tất cả số tiền của hơn 200 phi nhựa đường bị kém chất lượng. Đồng thời, Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông phải đảm bảo bồi thường cho Công ty Tân Phát Sơn La ở 2,5km đường nhựa kém chất lượng. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông vẫn không chấp nhận yêu cầu này khiến Công ty Tân Phát Sơn La chịu nhiều tổn thất. 

Sự khác nhau về Kết quả thí nghiệm chất lượng nhựa đường do hai Công ty Cổ phần Nhựa đường thiết bị Giao thông và Công ty TNHH MTV Tân Phát Sơn La cung cấp.
Sự khác nhau về Kết quả thí nghiệm chất lượng nhựa đường do hai Công ty Cổ phần Nhựa đường thiết bị Giao thông và Công ty TNHH MTV Tân Phát Sơn La cung cấp.

Phản hồi về những thông tin trên, ông Vũ Minh Tiệp, Nhân viên kinh doanh của Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông, người trực tiếp làm việc với Công ty Tân Phát Sơn La trong vụ việc nói trên cho biết: “Ngay khi nhận được phản ánh của phía đối tác về việc nhựa đường kém chất lượng, Công ty đã lấy mẫu nhựa đường tại vị trí tuyến đường thi công sau đó đã tiến hành kiểm cha chất lượng tại Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, tuy nhiên, chất lượng nhựa đường của chúng tôi hoàn toàn đạt chuẩn. Tuy nhiên, do phía họ luôn khẳng định chất lượng nhựa đường không đạt chuẩn nên chúng tôi đành cho xe lên lấy số hàng đó về. Việc nhựa đường không bám dính có thể do nhiều lý do như do chất lượng đá, kỹ thuật thi công…”. 

Theo anh Vũ Minh Tiệp, Công ty đã cho người lên lấy nốt số nhựa đường bị cho là kém chất lượng về nhưng phía Công ty Tân Phát Sơn La giữ xe lại vì phản ánh việc Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông không mang nhựa đường mới lên để thay thế. Việc này đã khiến cho hai bên xảy ra căng thẳng. Sau khi thống nhất, phía Công ty Tân Phát Sơn La đã thả chiếc xe chở hàng đó và phía Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông đã hoàn trả lại số tiền của 75 phi nhựa đường trước đó nhưng đã trừ đi tiền thuê xe những ngày bị phía đối tác giữ lại. 

“Bên họ đã ký vào Biên bản đối chiếu xác nhận công nợ và đồng ý với việc phía họ chịu cước vận chuyển và lưu xe thì bên Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông mới chuyển trả số tiền gần 168 triệu đồng. Tuy nhiên, bây giờ họ lại nói không chịu số tiền vận chuyển và lưu xe thì chúng tôi không biết thế nào”, anh Vũ Minh Tiệp cho hay. 

Về số lượng nhựa đường bị phản ánh kém chất lượng còn lại, anh Vũ Minh Tiệp cho biết, phía Công ty Nhựa đường thiết bị Giao thông giữ quan điểm là phía Công ty Tân Phát Sơn La phải cho xe trở xuống trả cho công ty thì họ mới chuyển trả tiền. Bởi họ không muốn gặp phải trường hợp bị giữ xe như lần trước đó. 

Nguồn: Ấn phẩm Câu chuyện Pháp luật số 826, thứ Ba, ngày 6/12/2022

Có thể bạn quan tâm