1. Trang chủ /
  2. Sống trong vùng nguy hiểm

Sống trong vùng nguy hiểm

thứ bảy, 17/9/2022 15:29 GMT+07
Là xã nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, thời gian qua, hàng chục hộ dân tại Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã được sắp xếp, bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên đến nay trên địa bàn xã vẫn còn hơn 111 hộ nằm trong vùng nguy hiểm.

Nỗi lo trước mùa mưa bão

Trong căn nhà sàn mới khang trang tại khu tái định cư (TĐC) bản Bố, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), anh Hà Văn Khương không giấu được niềm vui vì gia đình anh là một trong số 54 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét của xã được di dời đến vùng an toàn trước mùa mưa, bão năm 2022. Có nhà mới đồng nghĩa với mùa mưa, bão năm nay, 6 thành viên trong gia đình anh không còn phải nơm nớp, lo sợ như những năm về trước.

Anh Khương cho biết, trước đây, gia đình sống trong ngôi nhà sàn dưới chân đồi thuộc thôn Bố. Đây là vị trí nằm trong vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở của xã. Vào mỗi mùa mưa lũ, gia đình luôn phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ. Cứ có đợt mưa lớn kéo dài là cả gia đình lại dắt díu nhau chạy lũ, bất kể là ngày hay đêm.

“Việc rời xa nơi ở cũ là điều không ai mong muốn và có phần trái với tập quán của người Thái. Nhưng để đảm bảo tính mạng con người và tài sản, khi được UBND xã, huyện quan tâm, bố trí nơi ở mới, chúng tôi đã đồng ý di chuyển. Có an cư mới lạc nghiệp anh ạ!” - anh Khương chia sẻ.

Chưa có được may mắn như gia đình anh Khương và các hộ dân khác ở bản Bố, gia đình ông Ngăn Văn Sơn, trú tại bản Cao lo lắng: Do sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét cao nên chính quyền xã thường xuyên cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác mỗi khi mùa mưa lũ về. Điều này khiến bà con trong thôn rất bất an. Điều mà người dân tại bản Cao mong muốn nhất hiện nay là nhà nước sớm xây dựng xong các khu tái định cư để người dân chuyển đến sinh sống.

Xã Lũng Cao hiện vẫn còn 111 hộ nằm trong vùng nguy hiểm.


“Lo lắm chứ! Cứ mưa lớn kéo dài vài ngày là cả bản nhắc nhau cảnh giác, chỉ cần có dấu hiệu sạt lở là bảo nhau di chuyển, tránh lũ ngay. Giờ chỉ mong sao chúng tôi sớm được chuyển tới nơi ở mới an toàn hơn thôi”- ông Sơn lo lắng nói.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Minh Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả xã đã có 54 hộ dân được bố trí, sắp xếp chỗ ở đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, theo thống kê, xã còn hơn 111 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở và lũ ống, lũ quét. Cụ thể, 79 hộ đang nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, 12 hộ đang nằm trong vùng hay xảy ra lũ ống, lũ quét, tập trung ở các thôn Cao (31 hộ), thôn Trình (30 hộ), thôn Nủa (7 hộ)…

Theo ông Chiến, phương án trước mắt khi xảy ra thiên tai là nhanh chóng di dời các hộ trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét và nước sông dâng đến các điểm nhà văn hóa, hộ gia đình nằm ngoài vùng nguy hiểm. “Về lâu dài, UBND xã mong muốn các cấp, ngành có thẩm quyền quan tâm bố trí nguồn vốn, xây dựng các khu TĐC tập trung trên địa bàn xã để di chuyển người dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai đến nơi ở mới, sớm ổn định cuộc sống”- ông Chiến bày tỏ.

Còn nhiều khó khăn!

Ông Lò Xuân Hành - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Bá Thước cho biết: Năm 2022, huyện Bá Thước được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án xây dựng khu TĐC cho các hộ dân thuộc địa bàn thôn Trình, xã Lũng Cao, với tổng mức đầu tư là 13,8 tỷ đồng và thôn La Ca, xã Cổ Lũng, có tổng mức đầu tư là 4,95 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022-2024.

“Các công trình thực hiện đầu tư trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, giá thành các nguyên vật liệu xây dựng tăng cao; địa hình khu vực triển khai thực hiện dự án rất phức tạp. Trong khi đó suất vốn đầu tư theo chủ trương của tỉnh là 300 triệu đồng/hộ đối với khu TĐC tập trung và 150 triệu đồng/hộ đối với khu TĐC xen ghép là thấp so với yêu cầu, dẫn đến việc triển khai các hạng mục như đường giao thông, đường điện kết nối khu TĐC với khu vực xung quanh gặp khó khăn. Mặt khác, các dự án phải bồi thường giải phóng mặt bằng, kinh phí thực hiện giao cho huyện đảm nhận. Đối với một huyện còn nhiều khó khăn như Bá Thước, đây thực sự là áp lực lớn”- ông Hành cho biết.

Nói về vấn đề này, ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện tại Sở đã khẩn trương phối hợp với các huyện miền núi tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể vùng nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực này và phân theo các cấp độ ảnh hưởng thiên tai để triển khai xây dựng Đề án sắp xếp dân cư vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, thực hiện sắp xếp, ổn định cho 2.828 hộ dân (trong đó có 1.118 hộ TĐC xen ghép, 832 hộ TĐC liền kề và 878 hộ TĐC tập trung).

Do khó khăn về vốn, đến nay dự án thi công các khu tái định cư vẫn còn hạng mục chưa hoàn tất.


“Các hộ dân đang sinh sống tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất phải thực hiện TĐC đa phần là hộ nghèo, đời sống khó khăn. Vì vậy, sau khi bà con đã “an cư”, chúng ta cần phải tính đến vấn đề “lạc nghiệp”, hướng tới phát triển bền vững. Việc tạo sinh kế cho đồng bào rất quan trọng và cũng là bài toán khó. Theo đó, một mặt, chúng ta cần tranh thủ, sử dụng hợp lý các nguồn lực từ Trung ương thông qua các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách hỗ trợ, bố trí đủ đất sản xuất, tập trung khai hoang, cải tạo đất sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực...”- ông Cường cho biết thêm.

Giai đoạn 2018 - 2020, bằng nguồn vốn xử lý khẩn cấp hậu quả mưa lũ, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 13 khu tái định cư tập trung tại các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn cho trên 550 hộ dân bị ảnh hưởng. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đầu tư khẩn cấp 4 khu tái định cư, đảm bảo ổn định cho 151 hộ dân. Hiện, có 3 dự án tại các huyện vùng cao đã được hoàn thành.