Startup do SoftBank "chống lưng" vừa trở thành kỳ lân mới nhất Hàn Quốc
Năm 2021, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đã chứng kiến sự bùng nổ của các kỳ lân công nghệ cũng như các tỷ phú tự thân với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Giống như các startup Hàn Quốc khác như Coupang và Krafton, ứng dụng cộng đồng Karrot đã chuẩn bị sẵn sàng để vươn ra thị trường thế giới.
"Tôi muốn chứng minh rằng các startup Hàn Quốc cũng có thể trở nên nổi tiếng như Facebook hay Google,” Gary Kim, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Karrot khẳng định. “Chất lượng sản phẩm, marketing, thương hiệu… tất cả đều đã chín muồi. Rất nhanh thôi, sẽ có một ứng dụng tiêu dùng Hàn Quốc được sử dụng bởi mọi người dân trên thế giới.”
Trong vòng gọi vốn mới nhất, Karrot đã thành công huy động 162 triệu USD từ các nhà đầu tư mới bao gồm DST Global, Aspex Management, Reverent Partners và các nhà đầu tư hiện tại như Goodwater Capital, Altos Ventures. Tập đoàn SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son cũng là một trong những nhà đầu tư của công ty vừa trở thành một trong những startup lớn nhất Hàn Quốc này.
Theo tiết lộ từ vị CEO 43 tuổi, nguồn vốn mới sẽ được Danggeun Market sử dụng cho kế hoạch đẩy mạnh việc mở rộng thị trường ra nước ngoài trong 18 - 24 tháng tới. Startup với 200 nhân viên dự định sẽ tuyển thêm 100 nhân sự mới trong năm nay để đảm bảo nguồn nhân lực cho các dự án mới.
Hiện, mục tiêu chính của Karrot vẫn đang là cải thiện chất lượng dịch vụ sản phẩm, còn kế hoạch IPO có lẽ sẽ phải chờ ít nhất 5 năm nữa. Cho tới nay, doanh thu từ mảng quảng cáo địa phương của Karrot đang tăng trưởng nhưng startup này vẫn chưa có lợi nhuận.
Năm 2015, Gary Kim cùng người đồng sở hữu Kakao và một kỹ sư đang làm việc cho Naver đã sử dụng số tiền có được từ việc bán quyền chọn cổ phiếu Kakao để thành lập Danggeun Market. Người dùng của Danggeun Market có thể tiếp cận mọi thứ thông qua nền tảng Karrot, từ giao hàng tươi sống đến các dịch vụ thiết yếu như dọn nhà, giáo dục, môi giới bất động sản, mua ôtô cũ tại trong phạm vi bán kính 6km thuộc cộng đồng địa phương của mình.
Công ty đã ra mắt phiên bản toàn cầu của ứng dụng cộng đồng Karrot tại Anh vào tháng 11/2019 và hiện đang vận hành ứng dụng Karrot tại 72 cộng đồng địa phương ở 4 quốc gia: Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản.
Karrot hiện có khoảng 15 triệu người dùng hàng tháng. Tại quê nhà Hàn Quốc, đại dịch Covid-19 đã giúp lượng người sử dụng nền tảng này tăng gấp 3 lần, từ con số 4,8 triệu người hồi cuối năm 2019 lên 14,2 triệu người tính đến đầu năm 2021.
Tháng 5 vừa qua, Karrot bắt đầu thử nghiệm dịch vụ giao hàng nhanh tại khu vực Songpa và Gwanak của Seoul, một “chiến trường” thương mại điện tử mới của Hàn Quốc. Trước đó, cả 2 startup lớn của Hàn Quốc là công ty thương mại điện tử Coupang và "anh cả" trong lĩnh vực giao đồ ăn nhanh Woowa Brothers đều đã triển khai dịch vụ này.
Tuy nhiên, thay vì cung cấp sản phẩm từ trung tâm lưu trữ giống như các dịch vụ của Coupang và Woowa Brothers, Karrot có kế hoạch kết nối các cửa hàng địa phương, khách hàng và người giao hàng, tất cả đều trong phạm vi 4-6 km với nhau, để giảm thiểu tối đa chi phí của toàn bộ quá trình này.
“Sẽ phải mất từ 3 đến 5 năm nữa để Karrot trở thành một siêu ứng dụng trong nước,” nhà đồng sáng lập Karrot Gary Kim khẳng định. “Chúng tôi muốn xây dựng một hệ sinh thái mà tất cả các hoạt động của một người đều có thể thực hiện trong phạm vi lân cận của họ", ông nói thêm.