Sử dụng công năng vỉa hè như thế nào cho hiệu quả?
Cuộc chiến chưa có hồi kết
Chuyện chiếm dụng vỉa hè không có gì mới. Câu chuyện này chỉ thực sự nóng lại khi Hà Nội đang ra quân để dọn dẹp vỉa hè, trả cho vỉa hè đúng những công năng, công dụng vốn có và cơ bản nhất, đó là để dành cho người đi bộ.
Theo Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023; các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện.
Phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe. Kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.
Ghi nhận thực tế của PV những ngày qua, tình trạng người dân buôn bán tràn lan trên vỉa hè các tuyến đường phố, nhất là tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng,… đã có nhiều chuyển biến. Vỉa hè đã thông thoáng hơn và dành cho người đi bộ.
Sống đã lâu ở khu vực trung tâm Hà Nội, ông Phương (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) cho biết, việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ ở thời điểm này hoàn toàn hợp lý. Định hướng của thành phố là hoàn toàn hợp lòng dân, bảo đảm quyền lợi của nhiều người.
Khi dân số của Hà Nội đông lên, vỉa hè cho người đi bộ là điều rất cần thiết. Nhiều cá nhân cố tình lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, bày bừa bàn ghế. Tuy vậy thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã được chấn chỉnh, nhờ đó mà đường phố trông sạch đẹp, bớt nhếch nhác hơn.
Còn theo chị Mai (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) chia sẻ, vỉa hè khu vực tôi sống thường xuyên bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán. Điều này ảnh hưởng đến an toàn giao thông, làm mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.
Bình thường muốn đi bộ, người dân phải xuống lòng đường vì vỉa hè đã bị các hàng quán chặn kẹt cứng. Đi bộ dưới lề đường, lòng đường cùng với các phương tiện giao thông rất nguy hiểm. Do đó việc dọn dẹp lại vỉa hè, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị là việc nên làm.
Tuy nhiên nhiều chủ cửa hàng bày tỏ, đây là công việc mưu sinh của họ nhiều năm qua. Họ luôn sẵn sàng chấp hành các quy định về trật tự vỉa hè nhưng cũng bày tỏ mong muốn có cơ chế thuận lợi, tạo điều kiện để hài hòa lợi ích. Thực tế ai cũng muốn bày ra ngoài vỉa hè để bán hàng cho dễ, người mua ghé xem hàng cũng tiện.
Bên một quang gánh bán trứng rán ngải cứu đặt ngay trên vỉa hè, cô Tâm cho biết, nhà thì ở trong ngõ sâu, phố cổ, đất chật người đông, bản thân không có công việc ổn định nên đành nhờ vào gánh hàng này để làm kế sinh nhai. Nếu có khu vực nào đó để những người bán hàng nhỏ lẻ như cô được hoạt động, dù có phải trả phí, tất nhiên là mức phí phù hợp thì cô cũng sẵn sàng tham gia.
Chiến dịch cần bài bản, kiên trì và nâng cao ý thức người dân
Cảnh nhiều hộ kinh doanh bày hàng tràn lan trên vỉa hè, phương tiện xếp hàng dài khiến không chỉ người dân tham gia giao thông ngán ngẩm mà nhiều du khách nước ngoài khi đến Hà Nội thấy lạ và lắc đầu chán ngán đành đi bộ xuống lòng đường.
Việc nhiều hàng quán ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè thành nơi buôn bán buộc người dân, du khách phải đi xuống lòng đường trước cảnh ô-tô, xe máy nườm nượp qua lại. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Một thực tế là chính quyền thành phố Hà Nội đều có các đợt ra quân xử lý lập lại trật tự vỉa hè, văn minh đô thị. Thế nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại như cũ.
Điều này cho thấy cần có sự quyết liệt trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè của các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ cho người dân để thay đổi thói quen kinh doanh buôn bán cũng như mua sắm.
Trao đổi với PV, một chuyên gia giao thông đô thị khẳng định, nếu người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi mưu sinh thì Hà Nội phải có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn họ buôn bán ở nơi phù hợp. Khi thành phố đảm bảo chiến lược an sinh thì người dân sẵn sàng trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Xét thuần túy về mặt giao thông thì vỉa hè phải dành cho người đi bộ. Nhưng sử dụng công năng vỉa hè như thế nào cho hiệu quả thì mỗi địa phương cần phải nghiên cứu kỹ để đưa ra chính sách phù hợp quy định và đảm bảo lợi ích của xã hội.
Muốn đạt được mục tiêu Hà Nội là thành phố đáng sống, văn minh sạch đẹp, thu hút khách du lịch thì điều đầu tiên là không nên để người dân lấn chiếm hết vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép gây mất mỹ quan đô thị, an toàn giao thông.
Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nguyên nhân chưa dẹp loạn được vỉa hè là do lợi ích nhóm và người dân đang thiếu việc làm chưa được bố trí. Hà Nội nhiều lần đặt ra quyết tâm dẹp vỉa hè để dành đường cho người đi bộ, tránh ách tắc giao thông.
Mục tiêu thì tốt nhưng việc thực hiện trì trệ kéo dài gần như chẳng có ai chịu trách nhiệm về vấn đề này thời gian qua. Trong vấn đề dẹp vỉa hè, lãnh đạo chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm, phải thành lập các tổ công tác tuyên truyền, nêu rõ chủ trương của thành phố, các hộ kinh doanh ở mặt phố không lấn chiếm lòng lề đường, không kinh doanh trái phép.
Trước mắt, phải tuyên truyền nhắc nhở đến từng gia đình. Sau đó kiểm tra việc thực hiện tự tháo dỡ của những hộ vi phạm, cuối cùng chúng ta mới cưỡng chế vi phạm. Chính quyền phải làm kiên trì, bài bản…, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên nhấn mạnh.
Chức năng của vỉa hè là dành cho người đi bộ. Tuy nhiên cho đến nay việc quản lý, sử dụng vỉa hè không được chặt chẽ. Vì vậy vỉa hè nhiều tuyến phố bị lấn chiếm làm nơi đỗ xe, kinh doanh buôn bán, mất đi diện tích dành cho người đi bộ.