Sử dụng tem đăng kiểm giả có thể bị phạt tù
Thời gian vừa qua, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông và công an các địa phương đã phát hiện nhiều tài xế xe trọng tải, xe container sử dụng giấy phép lái xe giả, tem kiểm định giả, điều khiển phương tiện vượt tuyến cao tốc.
Gần đây, lực lượng công an đã phát hiện phương tiện sử dụng tem đăng kiểm giả. Lái xe Đ.V.N (SN 1982, ở Nghĩa Hưng, Nam Định) khi đang điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 18A-083… lưu thông trên đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì bị lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe.
Kết quả kiểm tra cho thấy, chiếc xe này đã hết hạn kiểm định và tem kiểm định đang dán trên xe không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp. Làm việc với công an, lái xe khai nhận đã đặt mua "tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường" trên mạng với giá 200.000 đồng rồi dán vào xe khi tham gia giao thông.
Điều đáng chú ý, mặc dù tất cả các tài xế đều biết rằng, việc sử dụng giấy phép lái xe, hay giấy chứng nhận đăng kiểm giả là sai quy định, và việc lưu thông xe không đủ điều kiện an toàn sẽ là nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Thế nhưng vì "dễ mua" quá mà không ít tài xế đã làm liều. Để kiểm chứng, phóng viên lên mạng, gõ từ khoá "mua tem đăng kiểm ô tô" sau vài giây, hàng loạt website làm tem, sổ kiểm định giả hiển thị công khai, kèm theo cả các số điện thoại liên hệ. Chỉ cần nhấc máy alo theo số điện thoại quảng cáo, nói yêu cầu cần đăng kiểm cho xe gì, là sẽ có hướng dẫn kèm theo chi phí…
Theo luật sư Lê Hoàng Phúc An (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X), tem kiểm định cấp cho xe phải cùng một số seri, được in từ Chương trình Quản lý kiểm định trên phôi do Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất phát hành, có nội dung phù hợp với Hồ sơ phương tiện và dữ liệu trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Do đó, các đối tượng đã làm giả tem kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam nhằm thu lợi bất chính từ việc bán tem kiểm định giả. Hành vi này đã xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước.
Về mức phạt, theo khoản 5 Điều 16 Nghị định 100 quy định, phạt 4-6 triệu đồng đối với các hành vi sử dụng giấy chứng nhận, tem đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa, điều khiển xe không có giấy hoặc tem đăng kiểm (trừ trường hợp xe đăng ký tạm thời) hoặc có, nhưng đã hết hạn sử dụng từ một tháng trở lên.
Ngoài ra còn có hình thức phạt bổ sung là tịch thu giấy, tem đăng kiểm, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. So với năm 2019, Nghị định 100 còn bổ sung quy định tịch thu phương tiện nếu người vi phạm không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Không chỉ người điều khiển phương tiện, điểm mới của Nghị định 100 còn quy định phạt 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện đưa ô tô có giấy, tem đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông (khoản 8 Điều 30).
Cơ quan chức năng cũng sẽ tịch thu xe trong trường hợp người điều khiển không có giấy đăng ký xe hoặc có nhưng không chứng minh được nguồn gốc phương tiện.
Về xử lý hình sự, luật sư Phúc An cho biết, theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Nếu như hành vi phạm tội có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, thì mức xử phạt sẽ là cao hơn cả về mức phạt tiền lẫn thời gian phạt tù. Nếu người vi phạm thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên, mức phạt tù có thể lên tới 7 năm tù.
Để ngăn chặn, hạn chế các tình trạng này, luật sư Phúc An cho rằng cần phải có các biện pháp kết hợp giáo dục như tuyên truyền để công dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng kiểm, cũng như cơ quan, tổ chức được thực hiện chức năng kiểm định ý thức được trách nhiệm quản lý, sử dụng các tem, mẫu tem kiểm định…
Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung và những cá nhân, tổ chức trực tiếp quản lý sử dụng các loại tem mác nói chung và tem kiểm định nói riêng thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc in ấn, phát hành các loại tem này. Đồng thời với đó có thể nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật in ấn tem mác nâng cao tính bảo mật và hạn chế khả năng bị làm giả.