1. Trang chủ /
  2. SỬA ĐỔI LUẬT LUẬT SƯ: Nhiều đề xuất mới trong thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư

SỬA ĐỔI LUẬT LUẬT SƯ: Nhiều đề xuất mới trong thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư

thứ bảy, 17/9/2022 08:30 GMT+07
Sửa đổi Luật Luật sư, Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) đang đề xuất nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc siết chặt quy định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Còn tình trạng số lượng luật sư “ảo”

Theo Cục Bổ trợ Tư pháp, quy định về thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư trong trường hợp người được cấp Chứng chỉ không gia nhập một Đoàn Luật sư nào trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ; không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn Luật sư chưa hợp lý. Thực tế, một số luật sư gia nhập Đoàn Luật sư sau khi được cấp Chứng chỉ/người tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư sau khi gia nhập Đoàn Luật sư một thời gian ngắn nhưng sau đó không hành nghề nhưng cơ quan quản lý nhà nước không có căn cứ thu hồi Chứng chỉ (phải chờ 05 năm) dẫn đến tình trạng số lượng luật sư “ảo” tăng.

Do đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật Luật sư theo hướng thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư trong trường hợp người được cấp Chứng chỉ không gia nhập một Đoàn Luật sư nào trong thời hạn 01 năm hoặc 02 năm liên tục hoặc không thành lập/tham gia thành lập hoặc không đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn 02 năm hoặc 03 năm liên tục.

Việc đăng ký kinh doanh hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật, một trong những nội dung thuộc phạm vi hành nghề luật sư hiện đang có cách hiểu chưa thống nhất về khái niệm “dịch vụ pháp lý” và “hành nghề luật sư” dẫn đến tình trạng lộn xộn, cho phép những người không đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp luật sư nhưng lại được cung cấp dịch vụ như luật sư. Điều này dẫn đến sự mất ổn định về an ninh, chính trị, dễ bị thế lực bên ngoài lợi dụng, gây khó khăn nghiêm trọng cho công tác quản lý luật sư và việc thực hiện các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ pháp lý mà Việt Nam tham gia ký kết.

Do đó, cần làm rõ hơn khái niệm, nội hàm “dịch vụ pháp lý” và “hành nghề luật sư”, xác định rõ chủ thể thực hiện là luật sư và người có đủ điều thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật, để tránh hiểu nhầm là bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào cũng có thể thực hiện “dịch vụ pháp lý”, “hành nghề luật sư” mà không cần đáp ứng về tiêu chuẩn, điều kiện gì.

Bên cạnh đó, đề xuất sửa đổi nội dung quy định về ngành, nghề đăng ký kinh doanh “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật, hoạt động hướng dẫn chung và tư vấn, chuẩn bị tài liệu pháp lý” của doanh nghiệp thuộc mã ngành “Hoạt động pháp luật” ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, xác định rõ yêu cầu đối với hoạt động tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành; người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư mới được cung cấp dịch vụ pháp lý. 

Chỉ được lựa chọn một trong các hình thức hành nghề

Cùng đó, quy định về hình thức hành nghề luật sư hiện nay còn gây nên cách hiểu không thống nhất, cụ thể, đối với hình thức hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư, một số ý kiến cho rằng luật sư có thể thành lập/tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư, đồng thời làm việc theo hợp đồng lao động cho một hoặc vài tổ chức hành nghề luật sư khác.

Bởi vậy, cần sửa đổi Luật Luật sư theo hướng, luật sư chỉ được lựa chọn một trong các hình thức hành nghề đó là thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân. 

ghề với tư cách cá nhân. Bên cạnh đó, Luật Luật sư hiện hành quy định về căn cứ chấm dứt hoạt động, chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư nhưng không có quy định về thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư đó. Điều này tạo sự không thống nhất, đồng bộ trong văn bản pháp luật, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.

Mặt khác, quy định “tổ chức hành nghề luật sư có quyền tạm ngừng hoạt động..., thời hạn tạm ngừng hoạt động không quá 02 năm”. Quy định này dẫn đến tình trạng một số tổ chức hành nghề luật sư hoạt động không hiệu quả, thực hiện việc tạm ngừng nhiều lần nhưng cũng không thực hiện chấm dứt hoạt động. 

Do đó, đề xuất sửa đổi Luật Luật sư theo hướng bổ sung quy định về thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư trong trường hợp chấm dứt hoạt động. Nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng một tổ chức hành nghề luật sư được tạm ngừng hoạt động không quá 02 lần, mỗi lần không quá 02 năm liên tục.