1. Trang chủ /
  2. Sức mạnh đưa “con thuyền” Việt Nam vượt qua bão giông

Sức mạnh đưa “con thuyền” Việt Nam vượt qua bão giông

thứ hai, 28/2/2022 10:01 GMT+07
(PLM) - Trải qua hai năm đại dịch và những ngày tháng vô cùng khó khăn của đợt dịch thứ tư, không còn nghi ngờ gì nữa khi nói rằng chính cội nguồn văn hóa dân tộc, hệ giá trị cốt lõi của con người Việt Nam, đã giúp đất nước vượt lên những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ do tác động của đại dịch, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ về khát vọng xây dựng Tổ quốc phồn vinh, hạnh phúc.

Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ.

Những con người quên mình vì cộng đồng

Mẹ Ngô Thị Quýt sinh năm 1925. Mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 2015. Mẹ có chồng và một người con hy sinh trong kháng chiến. Bản thân mẹ cũng tham gia cách mạng từ rất sớm, trở thành cán bộ biệt động thành hoạt động tại Huế. Ba lần mẹ bị giặc bắt và tra tấn dã man, đến lần thứ tư, mẹ bị bắt đày ra nhà tù Côn Đảo. Những vết thương trong kháng chiến cùng những lần chịu đòn roi tra tấn của địch, mắt phải của mẹ đã bị mù và tai phải cũng kém thính giác.

Những ngày tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhận thấy việc khan hiếm khẩu trang y tế cũng như khẩu trang vải kháng khuẩn, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn quận Gò Vấp, TP.HCM đã vận động các hộ may mặc, hội viên phụ nữ may khẩu trang phát miễn phí cho người dân. Mẹ Quýt cũng xung phong tham gia khi biết được lời kêu gọi. Mẹ lặn lội đến các tiệm may xin vải thừa để tiến hành may khẩu trang. Những chiếc khẩu trang hoàn thành sẽ được gửi đến người dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Ở cái tuổi vốn “xưa nay hiếm” nhưng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt vẫn thầm lặng ngày ngày ngồi bên chiếc máy may thực hiện công đoạn ráp thành phẩm chiếc khẩu trang vải. “Gia đình mẹ đã không tiếc máu xương cống hiến cho Tổ quốc trong kháng chiến giành độc lập, tự do. Hôm nay Đảng, Nhà nước kêu gọi toàn dân cùng chung tay chống dịch bệnh bằng khả năng của mình. Mẹ biết may nên mẹ góp sức bằng cách tham gia làm khẩu trang. Mẹ rất vui vì bản thân mình còn có thể giúp ích được cho mọi người” - mẹ Quýt tâm sự.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt cao tuổi vẫn miệt mài đóng góp sức mình vào công cuộc phòng chống dịch.

Tháng 8/2021, TP.HCM chìm trong những ngày căng thẳng của đợt dịch thứ tư. Chung cư Khai Minh, quận 3 là một trong những nơi dịch diễn biến phức tạp. Khu vực 18 có khoảng 450 hộ với gần 1.700 nhân khẩu, trong đó có bà Phạm Thị Thoa (SN 1939, chung cư Khai Minh số 72/8 Trần Quốc Toản). Tuổi cao sức yếu nhưng không có con cái, chồng đã mất từ lâu nên khi trở thành F0, bà Thoa chỉ có một mình.

Hàng xóm tuy rất thương bà, nhưng thấy bà mắc bệnh họ cũng e ngại vì căn bệnh nguy hiểm. Những ngày cuối tháng 8, sức khoẻ bà Thoa dần đuối, mọi sinh hoạt cá nhân đều không thể tự chủ. Trong khi đó, việc liên hệ các cơ sở y tế để đưa bà vào điều trị cũng gặp khó khăn do hầu hết các nơi đều đã quá tải. Trước tình cảnh bà Thoa như vậy, Trung úy Trần Văn Dũng, Cảnh sát khu vực 18, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh xung phong trực tiếp chăm sóc bà.

Sau 4 ngày điều trị tại nhà, bà Thoa được anh Dũng hỗ trợ đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn để được sự chăm sóc đầy đủ của nhân viên y tế. Đến ngày 11/9, bà chiến thắng COVID-19 và được xuất viện về nhà. Thời gian này, anh vẫn thường xuyên đến nhà thăm hỏi, giúp đỡ cũng như hỗ trợ bà nhiều phần quà thiết yếu. Bản thân Trung úy Trần Văn Dũng trong suốt 4 tháng, anh không dám về nhà thăm vợ con, chỉ tranh thủ gọi về nhà qua điện thoại. “Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, công an nhân dân phải là đầy tớ của nhân dân. Chính vì lẽ đó, bản thân tôi cùng các đồng đội sẽ hết lòng, hết sức vì cuộc sống bình yên của nhân dân”, Trung úy Trần Văn Dũng khẳng định.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt và Trung úy Trần Văn Dũng là một trong rất nhiều tấm gương cá nhân điển hình trong chương trình Giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2021 với tên gọi “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” tổ chức tại Hà Nội tối 5/12/2021.

Chương trình Giao lưu đem lại ấn tượng sâu sắc, cảm động bằng những câu chuyện, phóng sự về các điển hình, với cách làm sáng tạo, hiệu quả, luôn nêu cao bản lĩnh, ý chí, nghị lực, khát vọng cống hiến, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên trong cuộc sống, mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng, xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ về khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; định hướng hệ giá trị cốt lõi của con người Việt Nam trong thời đại mới.

Chia sẻ cảm xúc tại chương trình, nhấn mạnh tới bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dựa vào sức dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam xúc động bày tỏ ấn tượng trước hình ảnh người dân không quản ngại khó khăn, tuổi tác, chung tay đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước phòng, chống dịch trong những giai đoạn rất khó khăn.

“Văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình”

Tròn 75 năm trước, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu bật vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ: “Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Số phận của dân tộc là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Hội nghị Trung ương 9, Khóa XI năm 2014 của Đảng đề ra nhiệm vụ: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII tháng 2/2021, Đảng yêu cầu cần nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với việc giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, cần khai thác và phát huy cao nhất các giá trị tốt đẹp, bền vững của văn hóa, con người và gia đình Việt Nam. Nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa,...)”…

Từ đây có thể thấy, văn hóa của một đất nước, của một dân tộc là kết quả hoạt động của con người và chỉ có thông qua hoạt động của con người mới tạo ra văn hóa, đem lại cho văn hóa những giá trị đích thực. Văn hóa thể hiện sức mạnh thích ứng của con người.

Trải qua hai năm đại dịch và những ngày tháng vô cùng khó khăn của đợt dịch thứ tư, không còn nghi ngờ gì nữa khi nói rằng chính cội nguồn văn hóa dân tộc, hệ giá trị cốt lõi của con người Việt Nam, đã giúp đất nước vượt lên những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ do tác động của đại dịch, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ về khát vọng xây dựng Tổ quốc phồn vinh, hạnh phúc.

Vượt lên những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ do tác động của đại dịch COVID-19, mỗi tập thể, mỗi cá nhân con người Việt Nam mà chúng ta gặp hàng ngày đều là một câu chuyện tiêu biểu về nỗ lực vượt khó, tinh thần cống hiến.

Do đó, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam cũng chính là tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.