Sudan: Đấu súng và không kích lại bùng lên ở thành phố Khartoum
Theo AFP, ngày 7/5, những cuộc đấu súng và không kích lại bùng lên ở thành phố Khartoum.
Thủ đô của Sudan bị rung chuyển sau 4 tuần giao tranh bất chấp những nỗ lực vận động ngừng bắn mới nhất do Saudi Arabia và Mỹ hậu thuẫn.
Nhiều thỏa thuận ngừng bắn đã được tuyên bố và nhanh chóng bị vi phạm kể từ khi giao tranh nổ ra giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) hôm 15/4 tại đất nước Đông Bắc Phi nghèo đói với lịch sử bất ổn chính trị.
Giao tranh ác liệt kể từ thời điểm đó đã khiến ít nhất 700 người thiệt mạng (hầu hết là dân thường), hàng nghìn người bị thương và gây ra làn sóng di tản của các công dân Sudan và người nước ngoài.
Ở khu vực chiến sự Khartoum, máy bay chiến đấu đã ném bom các vị trí của kẻ thù, giữa lúc những người dân sợ hãi bị mắc kẹt trong nhà vì thiếu nước, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.
Trong khi đó, ở bên kia Biển Đỏ, tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, những cuộc thương lượng ngừng bắn hiện được tiến hành để hỗ trợ những nỗ lực tuyệt vọng nhằm chuyển hàng viện trợ nhân đạo cho những người dân đang bị mắc kẹt.
Giới tướng lĩnh lãnh đạo các bên đối địch thường xuyên đổ lỗi cho nhau về tình trạng bạo lực, song đề cập rất ít đến những cuộc thương lượng được tổ chức tại Jeddah từ hôm 6/5.
Người phát ngôn quân đội Sudan - Chuẩn tướng Nabil Abdalla - cho biết những cuộc thương lượng bàn về cách thức “có thể thực thi (lệnh ngừng bắn) một cách chính xác để phục vụ mục đích nhân đạo" trong khi Tướng Mohamed Hamdan Daglo - người đứng đầu RSF - chỉ viết trên trang Twitter rằng ông hoan nghênh những cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật.
Riyadh và Washington đã ủng hộ “những cuộc thảo luận trước đàm phán” và kêu gọi các bên tham chiến “tham gia tích cực."
Trong khi đó, hãng thông tấn Anadolu ngày 7/5 dẫn cảnh báo của Liên hợp quốc ước tính gần 19 triệu người Sudan sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực do cuộc xung đột giữa quân đội nước này và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc dự báo: “Số nạn nhân bị mất an ninh lương thực tại Sudan sẽ tăng thêm 2-2,5 triệu người. Như vậy, tổng số người phải đối mặt với tình trạng này trong thời gian 3-6 tháng tới sẽ là 19 triệu nếu cuộc xung đột hiện nay vẫn tiếp diễn"./.