1. Trang chủ /
  2. Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập: Hy vọng chấm dứt nội chiến và lập lại hòa bình

Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập: Hy vọng chấm dứt nội chiến và lập lại hòa bình

thứ tư, 10/5/2023 14:03 GMT+07
Ngày 7/5 vừa qua, Liên đoàn Ả Rập (AL) đã quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria sau 12 năm đình chỉ. Đây là hy vọng về một giải pháp chính trị để người Ả Rập giải quyết các vấn đề của người Ả Rập và có thể chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.
Một cuộc họp của các ngoại trưởng Liên đoàn Ả Rập (AL) ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Ảnh: New York Times

Một cuộc họp của các ngoại trưởng Liên đoàn Ả Rập (AL) ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Ảnh: New York Times

Nối lại vòng tay với Syria sau 12 năm

Trong một cuộc họp kín bất thường cấp bộ trưởng ngoại giao của Liên đoàn Ả Rập (AL) được tổ chức tại Thủ đô Cairo của Ai Cập vào hôm Chủ nhật (7/5), các ngoại trưởng Ả Rập đã quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria trong liên đoàn sau 12 năm đình chỉ do cuộc nội chiến đầy phức tạp tại quốc gia Tây Á này.

Cuộc họp của hội đồng AL cũng quyết định nối lại "sự tham gia của các phái đoàn của chính phủ Syria trong các cuộc họp của hội đồng AL và tất cả các tổ chức của AL kể từ ngày 7/5/2023”. Các ngoại trưởng Ả Rập cũng nhất trí về sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực “giúp Syria thoát khỏi khủng hoảng”.

Tuyên bố của cuộc họp cũng cho thấy, các quốc gia Ả Rập đã tái cam kết “tôn trọng chủ quyền, thống nhất, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của Syria dựa trên hiến chương AL và các nguyên tắc của tổ chức này”.

Các ngoại trưởng Ả Rập cũng nhất trí thành lập một ủy ban bao gồm Jordan, Ả Rập Xê Út, Iraq, Lebanon, Ai Cập và Tổng thư ký AL để tiếp tục “đối thoại trực tiếp với Chính phủ Syria nhằm đạt được một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria”.

Khôi phục tư cách thành viên của Syria tại AL là trọng tâm cuộc họp tuần trước giữa các ngoại trưởng Jordan, Ả Rập Xê Út, Iraq, Ai Cập và Syria tại Thủ đô Amman của Jordan. Các cuộc đàm phán ở Amman là một phần trong sáng kiến do Jordan dẫn đầu nhằm bình thường hóa quan hệ giữa các nước Ả Rập với Syria.

Một cuộc họp cấp bộ trưởng tương tự vào giữa tháng 4 đã được tổ chức tại Jeddah, Ả Rập Xê Út, bởi các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, ngoài Jordan, Ai Cập và Iraq, để thảo luận về tình hình Syria. Vài ngày sau cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út, Faisal bin Farhan Al Saud đã có chuyến thăm tới Damascus, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một quan chức Ả Rập Xê Út tới Syria sau 12 năm.

Tất cả các động thái kể trên đều cho thấy, các quốc gia Ả Rập đã đồng thuận để thực hiện những tiến bước quan trọng nhằm chấm dứt sự tẩy chay quốc tế đối với Syria. Sau hơn 1 thập kỷ bị các nước Ả Rập anh em gạt khỏi AL, Syria giờ đã có cơ hội trở lại với liên minh mà họ từng là thành viên sáng lập.

Người Ả Rập sẽ tự quyết vấn đề của người Ả Rập

Năm 2011, khi các nước Ả Rập đã loại bỏ Syria khỏi liên đoàn gồm 22 thành viên, động thái này được coi là sự lên án chính đối với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và đồng thuận với những gì Mỹ và phương Tây cáo buộc nhà lãnh đạo Syria trong cuộc xung đột ở đất nước này.

Nhưng tính toán của người Ả Rập gần đây đã thay đổi. Với việc chính quyền Syria đã chiếm lại phần lớn lãnh thổ từ các lực lượng đối lập, rõ ràng là ông Bashar al-Assad sẽ nắm quyền tại Damascus trong nhiều năm nữa.

syria tro lai lien doan a rap hy vong cham dut noi chien va lap lai hoa binh hinh 2
Tổng thống UAE, Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan đón tiếp Tổng thống Syria, Bashar al-Assad tới thăm UAE hồi tháng 3 năm nay. Ảnh: New York Times

Các nước Ả Rập, vì thế, ngày càng nhận ra rằng họ sẽ thu được rất ít từ việc cô lập Syria. Và từ chối giải quyết vấn đề với Syria có nghĩa là nhắm mắt bỏ qua thực tế rằng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad gần như đã chiến thắng trong cuộc xung đột.

Các quyền lực hàng đầu ở Trung Đông - Ả Rập Xê Út và UAE - cũng đang tìm kiếm một cách tiếp cận mới với Iran, quốc gia có ảnh hưởng sâu rộng ở Syria sau khi gửi các máy bay chiến đấu và viện trợ khác để giúp ông Bashar al-Assad giữ vững quyền lực.

Khi nhận thấy rằng sự cô lập trong khu vực chỉ đẩy Syria vào vòng tay của Iran, các chế độ quân chủ vùng Vịnh quyết định bẻ lái. Họ hy vọng sẽ lôi kéo được Tổng thống Bashar al-Assad ra khỏi tầm ảnh hưởng của Tehran bằng cách bắt tay với chính quyền Damascus.

Một trong những dấu hiệu ban đầu là khi UAE bình thường hóa quan hệ với Syria vào năm 2018. Và xu hướng khôi phục quan hệ ngoại giao và kinh tế với Damascus của các nước Ả Rập có thêm động lực trong sau khi trận động đất lớn xảy ra vào tháng 2 năm nay, giết chết hơn 8.000 người ở miền Bắc Syria.

Thảm họa thiên nhiên và nhu cầu cứu trợ nhân đạo thúc đẩy các bên xích lại gần nhau. Ngay sau đó, những chuyến máy bay chở hàng viện trợ từ các nước Ả Rập đã hạ cánh xuống các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Trong khi đó, Ai Cập - một trong những quốc gia có quan điểm cứng rắn nhất tại AL, đã cử ngoại trưởng của mình đến gặp Tổng thống Al-Assad ở Damascus.

Đến giữa tháng 4, Tunisia đã thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Syria. Và Ả Rập Xê Út đã đón Ngoại trưởng Syria tới Jeddah để thảo luận về việc khôi phục quan hệ. Sau nhiều năm đóng băng, mối quan hệ Ả Rập Xê Út - Syria đã tiến triển nhanh chóng trong những tháng gần đây khi Ả Rập Xê Út, sử dụng ảnh hưởng khu vực của mình, cũng thúc đẩy các nước Ả Rập khác tiến tới bình thường hóa.

Các nhà phân tích về Trung Đông cho rằng, dường như đây là nhân tố chính thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh chóng của Syria trước hội nghị thượng đỉnh của AL tại Jeddah vào ngày 19/5, mặc dù Oman và UAE đã ủng hộ điều tương tự trong nhiều năm.

Hy vọng lập lại hòa bình

Việc các quốc gia Ả Rập đang từng bước chào đón Damascus trở lại bất chấp sự phản đối của Mỹ, quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sau khi cuộc xung đột ở Syria bắt đầu và không có ý định dỡ bỏ chúng, nói lên nhiều điều.

syria tro lai lien doan a rap hy vong cham dut noi chien va lap lai hoa binh hinh 3
Bản đồ Syria bị "xé" thành nhiều mảnh bởi nội chiến. Bản đồ cho thấy cuộc nội chiến đã chia cắt Syria thành nhiều khu vực (tính đến cuối năm 2022), với mỗi màu lại thuộc về một lực lượng khác nhau. Ảnh: Vividmaps

Trước tiên, nó cho thấy rằng nỗ lực của Mỹ trong việc loại bỏ ông Al-Assad đã không đi đến đâu. Nhưng quan trọng hơn, quyết định khôi phục tư cách thành viên cho Syria đã gửi đi thông điệp rằng các nước Ả Rập muốn tự quyết các vấn đề của người Ả Rập. “Đây là cách hướng tới một con đường chính trị do người Ả Rập dẫn dắt nhằm việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria”, một nhà ngoại giao hàng đầu của Jordan phát biểu với hãng tin AP.

Bassam Abu Abdallah - một nhà phân tích chính trị tại Damascus, cũng đưa ra quan điểm tương tự. “Việc loại Syria ra khỏi liên minh là không hữu ích, đối với Syria cũng như đối với người Ả Rập”, ông Abdallah phát biểu với báo New York Times. Nhà phân tích này khẳng định, những nỗ lực của Mỹ nhằm lật đổ Tổng thống al-Assad đã thất bại và nói thêm: “Giới tinh hoa chính trị Mỹ nên từ bỏ tâm lý muốn thay đổi chế độ ở nước khác”.

Nhận thấy rằng họ không thể ngăn các đồng minh Ả Rập khôi phục quan hệ, với Syria, các quan chức Mỹ đã thúc giục họ cố gắng đưa ra một cái giá chính xác từ ông Al-Assad để đổi lấy tư cách thành viên AL, chẳng hạn như đảm bảo sự trở lại an toàn của người tị nạn Syria, trấn áp hoạt động buôn bán Captagon (một loại ma túy tổng hợp) hay giảm bớt sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria….

Trợ lý tổng thư ký AL, ông Hossam Zaki, cho biết tổ chức này đã thành lập một ủy ban để thảo luận về các điều kiện như vậy. Nhưng khôi phục tư cách thành viên của Syria là một thỏa thuận đã được thông qua. Dù nhiều quốc gia AL, chẳng hạn như Ai Cập, chưa chính thức thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Syria và vẫn có thể đưa ra các điều kiện khác để làm như vậy, nhưng việc tái kết nạp Syria vào AL là một tuyên bố mạnh mẽ, tạo tiền đề cho từng thành viên khôi phục quan hệ.

Điều quan trọng nữa là nó có thể thiết lập lại nền hòa bình lâu dài tại quốc gia đã bị giày xéo, khiến hàng triệu người dân phải ly tán, tha hương cầu thực sau hơn một thập kỷ xung đột và nội chiến triền miên này.