Tác giả cuốn sách "Kẻ thù vô hình Covid-19": Dự đoán chính xác thời điểm suy yếu dịch bệnh
Chiều 3/6, tại phiên họp thứ 20 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, đồng thời, ban hành hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với dịch bệnh nhóm B và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới để xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025 phù hợp với tình hình mới.
Ngày 20/5, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 3575 gửi Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ theo quy định để chuyển dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch đối với Covid-19.
Trước đó, ngày 5/5, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đây là động thái quan trọng trong phản ứng với đại dịch đã giết chết gần 7 triệu người, làm điêu đứng các nền kinh tế gần ba năm qua.
Trước khi WHO tuyên bố thế giới ra khỏi giai đoạn khẩn cấp của đại dịch, ông Nguyễn Xuân Tuấn cùng với các nhà khoa học đã nghiên cứu dự án "Lấy nghiên cứu khoa học làm hạt nhân, người dân làm trung tâm" nghiên cứu khoa học về kinh tế, kiến nghị và đề xuất về chiến lược lâu dài, kế sách bền vững sống chung với Covid-19, dự án được Thủ tướng Chính phủ gửi thư cảm ơn, khen ngợi. Sau đó, dự án được Nguyễn Xuân Tuấn - người như bị "thôi miên" tay ngang văn - thơ cùng các cộng sự biên soạn thành cuốn sách "Kẻ thù vô hình Covid-19".
Đặc biệt, cuốn sách "Kẻ thù vô hình Covid-19" đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương sáng ngày 5/01/2022.
Trước đó, năm 2021, thời điểm được xem là giai đoạn cực kỳ khó khăn trong cuộc chiến chống Covid-19, thế nhưng bằng giác quan kỳ diệu của mình, trong lần trả lời phỏng vấn Báo Nhân dân và Truyền hình Nhân dân, "nhà văn - thơ" Nguyễn Xuân Tuấn đã dự đoán tương lai tốt đẹp "Đại dịch Covid-19 sẽ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế vào năm 2023" trên phạm vi toàn cầu.
Nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn nói: "Tại thời điểm tôi phát biểu đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào năm 2023, mọi người đều nghi ngờ sự tiên đoán này, vì đầu năm 2022, mọi thứ vẫn chưa được bình thường mới. Nhưng tôi vẫn khẳng định với tất cả mọi người rằng đại dịch Covid-19 sẽ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu năm 2023".
Ngày 12/12/2021, trong buổi ra mắt sách "Kẻ thù vô hình Covid-19", nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn nói chính xác đến từng ngày đại dịch Covid-19 sẽ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào ngày 4/5/2023. Thật kỳ diệu và bất ngờ, đúng chiều ngày 4/5/2023, cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 do Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Trong cuốn "Hậu Covid tự truyện" xuất bản năm 2022 về cuộc sống của nhân dân sau giai đoạn dịch bệnh trong năm 2021-2022, có một số dự đoán về các kẻ thù vô hình về văn hóa, kinh tế - xã hội và những vấn đề đó cũng xảy ra đúng như cuốn sách đã viết.
Khi hỏi về điều này, ông Tuấn chia sẻ: "Tôi vốn không phải là nhà nghiên cứu về y học mà đơn thuần chỉ là nhà khoa học nghiên cứu về kinh tế, giáo dục, môi trường nên cũng chỉ tính toán theo nguyên lý khoa học kinh tế, môi trường và xác định đại dịch kết thúc theo tháng hoặc năm. Tuy nhiên, đến nay bản thân ông cũng không thể tin được dự đoán trùng hợp "bí ẩn" này".
Chia sẻ thêm về cuốn sách "Kẻ thù vô hình Covid-19", ông Tuấn cho biết: "Sau khi cuốn sách ra mắt phát hành, các nhà báo đã hỏi tôi tại sao số trang sách lại lùi dần (543 trang). Tôi khẳng định, không có cái gì là tuyệt đối, trong cuộc sống ai cũng mong mình gắn với một con số đẹp tiến lên, tiến về phía trước. Nhưng, đây là cuốn sách "đặc biệt" về dịch bệnh, thế giới ghi nhận hơn 765 triệu trường hợp dương tính với gần 7 triệu người tử vong. Trong đó, Việt Nam chúng ta cũng bị tổn thất, mất mát quá lớn, đó là điều mà ai cũng mong muốn dịch bệnh sẽ lùi dần và đó cũng là sự sắp xếp số trang sách "Kẻ thù vô hình Covid-19".
"Tôi muốn gửi gắm tình cảm, niềm tin đến mọi người về những khó khăn trong cuộc sống là điều không tránh khỏi, nhất là "Kẻ thù vô hình Covid-19", do đó điều cần làm là lựa chọn cách thức để vượt qua và lan tỏa niềm tin chiến thắng đại dịch. Trong cuốn sách cũng đề cập đến những quyết sách kịp thời của Đảng, Nhà nước ta, những bài học, những tấm gương người tốt việc tốt, những giải pháp kiến nghị theo các nguyên lý khoa học "lấy khoa học làm hạt nhân, lấy người dân làm trung tâm" - những "Kẻ thù vô hình" khác cũng bị đẩy lùi như chúng ta đang chứng kiến", nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn nói.
Bằng nhiệt huyết, đam mê, dũng cảm, dấn thân như tiêu chí trong bài thơ "Con đường tương lai", nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn nói về tinh thần đoàn kết dân tộc và tinh thần yêu nước của nhân dân tham gia xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Nhà văn lại tiếp tục cùng với nhiều nhà nghiên cứu biên soạn cuốn sách "Con đường tương lai" cùng tên, cùng ý nghĩa với bài thơ, nhằm đóng góp một phần nhỏ bé sức mạnh tinh thần cho xã hội.
Từ cuốn sách "Kẻ thù vô hình Covid-19" đến cuốn sách "Con đường tương lai" - những cuốn sách cho thấy tâm huyết và trí tuệ của nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn cùng các nhà khoa học đối với sự phát triển bền vững của đất nước.