Tái dựng điện Kính Thiên phải đảm bảo cơ sở khoa học
Trong đó, nhóm công trình thuộc khu vực Hoàng thành Thăng Long là nhóm công trình trọng điểm và riêng hạng mục tái dựng điện Kính Thiên được đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng.
Việc tái dựng điện Kính Thiên được dư luận hết sức quan tâm, bởi Hoàng thành Thăng Long là trung tâm quyền lực tối cao của đất nước kể từ khi Vua Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long năm 1010 đến khi triều Lê Trung Hưng kết thúc vào cuối thế kỷ 18, còn điện Kính Thiên là nơi các vị hoàng đế thiết triều.
Nền và thềm bậc điện Kính Thiên là di tích ít ỏi trong kiến trúc hoàng cung thời Lê còn sót lại đến ngày nay.
Những vấn đề được bàn luận nhiều nhất là: Việc bỏ ra một số tiền lớn để tái dựng điện Kính Thiên có cần thiết không và đâu là cơ sở khoa học để tái dựng một tòa điện đã bị phá hủy hàng trăm năm trước.
Thực tế, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc tái dựng, phục dựng những phế tích kiến trúc đã bị phá hủy là hết sức phổ biến. Việc làm này giúp cho người dân hình dung rõ hơn về những di sản của quá khứ, đồng thời, cũng tạo dấu ấn du lịch đối với những địa điểm du lịch quan trọng.
Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới, nhưng hầu hết các công trình đều bị phá hủy, những cung điện, lầu gác chỉ còn là phế tích và được mô tả trong sử sách. Điện Kính Thiên không đơn thuần là nơi thiết triều, đó còn là nơi tập hợp những gì tinh hoa nhất về kiến trúc, mỹ thuật của dân tộc. Song, người dân bình thường không thể hình dung ra quy mô, vẻ đẹp kiến trúc, mỹ thuật của cung điện xưa.
Tái dựng điện Kính Thiên là mong mỏi của giới khoa học, của người dân. Việc tái dựng nơi thiết triều sẽ tạo thêm điểm nhấn, thu hút khách du lịch, đem lại giá trị kinh tế từ ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời giúp chúng ta có thể quảng bá vẻ đẹp văn hóa Việt Nam và Hà Nội. Do đó, việc đầu tư là hết sức cần thiết.
Những kết quả nghiên cứu gần đây đang dần làm rõ những cứ liệu khoa học để tái dựng điện Kính Thiên, điển hình như các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều cấu kiện gỗ là hệ đỡ cho bộ mái, làm rõ được kiểu ngói lợp mái (ngói ống), nhiều hiện vật dùng trong trang trí, không gian của điện Kính Thiên và phụ cận…Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố chưa được làm rõ như: Kích thước các gian, chiều cao của tòa điện, vị trí chính xác của điện Kính Thiên xưa cũng như trang trí nội thất trong điện…
Với một hạng mục quan trọng như điện Kính Thiên công trình mà thế hệ hôm nay tái dựng cho đời sau, chúng ta cần có những bước khảo sát nghiên cứu cẩn trọng, kết hợp giữa khảo cổ, sử học, kiến trúc, mỹ thuật… để tìm ra lời giải sát với thực tế nhất làm căn cứ để đầu tư, xây dựng, đánh giá nghiệm thu sau này. Nếu không, việc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào việc tái dựng điện Kính Thiên sẽ khiến dư luận băn khoăn.
Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Năm 1816, vua Gia Long đã cho dỡ điện Kính Thiên với lý do “kiến trúc đã bị mục nát không thể tu bổ được” và cho dựng một tòa điện mới gọi là chính điện Hành cung, năm 1841 vua Tự Đức đổi thành điện Long Thiên.
Trải qua thăng trầm lịch sử kiến trúc đã bị phá hủy toàn bộ. Dấu tích điện Kính Thiên hiện nay chỉ còn là khu nền cũ. Nền điện dài 57m, rộng 41,5m, cao 2,3m và thềm bậc xây bằng đá xanh tạo thành ba lối vào. Phía nam nền điện còn có hàng lan can cao hơn 100cm. Mặt trước, hướng chính nam của điện Kính Thiên là thềm điện xây bằng những phiến đá hộp lớn gồm 10 bậc có 4 rồng đá chia thành 3 lối lên đều nhau tạo thành Thềm Rồng. Thềm bậc có kích thước: Ngang 13,7m, dọc 4,45m, cao 2,1m với đôi rồng đá khắc chạm năm 1467 là những bộ phận điêu khắc bằng đá còn tương đối nguyên vẹn.
Rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Được chạm trổ bằng đá xanh, rồng đá có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa. Nền và thềm bậc điện là di tích ít ỏi trong kiến trúc hoàng cung thời Lê còn sót lại đến ngày nay, phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên xưa.
Trong nhiều năm qua, kế hoạch phục dựng chính điện Kính Thiên vẫn được coi là hạt nhân để phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long. PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: “Không gian điện Kính Thiên thời Lê là không gian linh thiêng quan trọng nhất của Kinh đô Thăng Long trên các phương diện quy hoạch kinh đô, kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, tâm linh, vị trí và chức năng. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quốc gia quan trọng nhất của đất nước, nơi đề ra các quyết sách dựng nước, giữ nước thành công của các cấp lãnh đạo cao nhất trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử. Không gian này được cấu trúc bởi 3 thành phần kiến trúc cơ bản gồm: Chính điện Kính Thiên, sân Đan Trì (sân Đại Triều) và Đoan Môn”.
Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên - Thiên An thời Lý, Trần. Tại đây, Hoàng đế cử hành các đại điển của triều đình như lễ đăng cơ, thiết triều, nghị bàn quốc gia đại sự, điện thí, tuyên cáo thắng trận, tiếp đón sứ thần... Do đó, điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất cho quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV - XVIII).