Tại sao Việt Nam lại chiếu quá nhiều phim nước ngoài?
Nhiều tác phẩm điện ảnh của Việt Nam được khán giả yêu thích trên Netflix (Ảnh minh họa)
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về phổ biến phim trên không gian mạng, đa số ý kiến thành viên Ủy ban cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Cơ quan soạn thảo đề nghị nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại phim; quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường, kiểm duyệt tự động; hiển thị cảnh báo cho người xem, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu, cung cấp công cụ để người xem phản ánh nội dung vi phạm.
Quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý; tăng cường năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra, giám sát; nghiên cứu cơ chế huy động các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, kiểm soát phổ biến phim.
Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An), dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim là chưa thật sự chặt chẽ.
Đại biểu cho rằng, cần kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm đối với hình thức phát hành phim trên không gian mạng bởi thực tế vừa qua đã có những bộ phim phát hành xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Nếu không tiền kiểm và hậu kiểm, tác hại của việc lan truyền những bộ phim vi phạm pháp luật này là khá lớn.
Luật chỉ “lo” quản lý nhà nước thì điện ảnh có phát triển?
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sáng nay (23/10), cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra, vai trò của công nghiệp điện ảnh đối với đất nước là rất lớn, là tiền đề cho sự phát triển.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong một phiên thảo luận tại tổ.
Tuy nhiên, “cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước. Tại sao Việt Nam lại chiếu quá nhiều phim nước ngoài, tất nhiên hội nhập không thể nói không có phim nước ngoài, nhưng không phải quá nhiều như vậy, trong khi chúng ta có thể xây dựng một nền văn hóa dân tộc thông qua điện ảnh, lịch sử kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và đặc biệt là văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của Việt Nam, giới thiệu về người Việt Nam để người Việt Nam yêu nước hơn qua những tác phẩm đó. Chúng ta phải làm được điều đó”, Chủ tịch nước nêu rõ và quán triệt yêu cầu luật Điện ảnh (sửa đổi) khi ra đời sẽ thúc đẩy có nhiều tác phẩm điện ảnh tốt để phục vụ nhân dân, giữ gìn Tổ quốc bền vững.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (đoàn Tây Ninh) cho rằng, Việt Nam phải thay đổi cách làm nếu muốn vươn tầm ra thế giới trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng.
Theo đại biểu, văn hóa nghệ thuật là phải chú trọng con người. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, mỗi năm, họ đều đưa các sinh viên ra nước ngoài (các trung tâm điện ảnh thế giới) học hỏi hầu hết các khâu, quy trình sáng tác phim ảnh.
“So với số tiền đầu tư, họ thu lại rất nhiều, từ đó văn hóa, điện ảnh Hàn Quốc gần như rất phổ biến và thống lĩnh thị trường… Tiếc rằng trong dự án Luật đang thiếu chính sách quan tâm, đầu tư cho con người, mà dường như chỉ nhấn mạnh quản lý nhà nước. Nếu cứ tiếp tục làm theo cách này liệu có thúc đẩy phát triển được thị trường điện ảnh hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi.