Tài xế tông tử vong bảo vệ khu đô thị đối diện khung hình phạt nào?
Công an huyện Gia Lâm đang tạm giữ Trịnh Bá Trọng (SN 1984, ở Cổ Bi, Gia Lâm) để làm rõ các tình tiết liên quan vụ việc nam tài xế này tông tử vong nhân viên bảo vệ ở một khu đô thị.
Trước đó, khoảng 17h30 ngày 28/3 tại khu đô thị ở Gia Lâm, anh Nguyễn Trung Dũng (sinh năm 1997 ở Gia Lâm, là bảo vệ) đang trong giờ làm nhiệm vụ nhắc nhở phương tiện dừng đỗ sai quy định đã phát hiện lái xe taxi công nghệ biển kiểm soát 29E-012.42 vi phạm nội quy khu đô thị.
Trong quá trình nhắc nhở, lái xe taxi đã bỏ chạy và va chạm vào nhiều phương tiện của cư dân khu đô thị, cách nơi vi phạm khoảng 200m.
Thấy vậy, anh Trung Dũng có mặt bảo vệ hiện trường và gọi điện cho công an địa bàn tới làm nhiệm vụ. Trong lúc xử lý sự vụ, lái xe taxi trong tình trạng có mùi rượu đã lao vào xe máy anh Dũng khiến nạn nhân ngã đập đầu xuống đường bất tỉnh, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nguy kịch, sau đó đã tử vong.
Cũng theo Công an huyện Gia Lâm, khi bị kiểm tra tài xế Trịnh Bá Trọng có kết quả đo nồng độ cồn là 0,454 mg/l khí thở. Mức vi phạm này vượt mức xử lý kịch khung theo quy định tại Nghị định 100 (trên 0,4 mg/l khí thở).
Theo dõi diễn biến vụ việc, luật sư Lê Hoàng Phúc An - Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X cho biết, đây là một vụ việc tai nạn giao thông nghiêm trọng đã tước đi tính mạng của anh bảo vệ tại khu đô thị, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển chiếc xe ô tô này để xác định hành vi là vô ý hay cố ý.
Nếu cố ý sử dụng phương tiện giao thông để đâm vào người khác mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra thì đây là hành vi giết người, còn nếu hành vi không có mục đích giết người, không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người thì sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ bởi trong tình huống này có căn cứ để xác định phải là xe ô tô và có lỗi và hậu quả của vụ tai nạn giao thông là nghiêm trọng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 260 BLHS 2015 sửa đổi tại khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, người tài xế trong vụ việc này có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép dẫn đến gây tai nạn giao thông làm chết người nên có thể sẽ áp dụng khung hình phạt tù từ 3 - 10 năm.
Cũng theo luật sư, trong vụ tai nạn giao thông nêu trên, hành vi vi phạm giao thông đường bộ là đã rõ, hậu quả là đã rõ, đây là vấn đề thỏa mãn mặt khách quan của tội phạm. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ mặt chủ quan của tội phạm. Trong đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện.
Trong vụ việc này, trạng thái tâm lý, cảm xúc và lời khai của người lái xe ô tô này là rất quan trọng để đánh giá mặt chủ quan của tội phạm, xác định lỗi của người điều khiển phương tiện này đối với hậu quả nạn nhân thương tích và tử vong. Trong trường hợp xác định hai người có mâu thuẫn với nhau, người lái xe ô tô do mâu thuẫn, thù tức mà đã đâm xe ô tô vào bảo vệ thì đây là hành vi giết người, người lái xe ô tô trong trường hợp này sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là có tính chất côn đồ và sử dụng phương tiện có thể gây nguy hại đến nhiều người nên hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, người tài xế trong vụ việc này sẽ phải có trách nhiệm bồi thường gồm thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (tài sản bị hư hỏng, mất mát nếu có) và do tính mạng bị xâm phạm (gây chết người) được quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015.