Tận mắt chứng kiến sức mạnh súng áp chế flycam do Việt Nam sản xuất
Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị chế áp phương tiện bay không người lái flycam" của nhóm tác giả đến từ Bộ môn Tác chiến điện tử, khoa Vô tuyến điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự, là một trong 5 giải pháp đạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16, được trao trong tháng 5 vừa qua, tại Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại úy Nguyễn Văn Chất - Khoa Vô tuyến điện tử Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, thiết bị chế áp flycam CA-18GL do nhóm nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu và sản xuất có 4 tính năng, gồm: Ép flycam hạ cánh từ xa với khoảng cách hàng kilomet; Bắt flycam quay về vị trí xuất phát để xử lý người điều khiển; Chế áp bầy đàn flycam trên cùng một hướng; Tạo vùng cấm bay bằng cách giả lập tọa độ GPS.
Theo quy định về quản lý máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, các hành vi bị nghiêm cấm gồm tổ chức hoạt động bay khi chưa có phép, tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, quy định, giới hạn cho phép. Ngoài ra, cá nhân và tổ chức có thể bị xử phạt khi vi phạm các quy định.
Nói về quá trình nghiên cứu, sản xuất thiết bị trên, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng - Giảng viên cao cấp bộ môn Tác chiến điện tử Học viện Kỹ thuật Quân sự - cho biết, ngày nay, sự phát triển của các phương tiện bay không người lái như flycam đã đáp ứng được nhiều ứng dụng phục vụ kinh tế - xã hội, nhưng thiết bị này cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Các chuyên gia về an ninh trên thế giới đã đưa ra nhận định, trong thời gian tới nhiệm vụ chống flycam là xu hướng của nhiều quốc gia.
Trước yêu cầu thực tế như vậy, nhóm nghiên cứu của khoa Vô tuyến điện tử Học viện Kỹ thuật Quân sự đã tập trung nghiên cứu, sản xuất thiết bị chế áp flycam dựa trên các mẫu của nước ngoài.
Ông Hoàng cho biết, trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã gặp nhiều khó khăn như các hãng nước ngoài khi chào hàng bán thiết bị chỉ cung cấp những tính năng, không cung cấp các thông số kỹ thuật, công nghệ. Để khắc phục vấn đề này, nhóm đã phải nghiên cứu rất nhiều công trình khoa học tương tự; trực tiếp thử nghiệm các mẫu khác nhau để tìm hiểu cơ chế hoạt động flycam cũng như nghiên cứu bên trong thiết bị này.
"Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu sản phẩm này từ năm 2013 và đến năm 2018 mới thành công. Hiện nay, chúng tôi đã làm chủ công nghệ và chế tạo thành công thiết bị chế áp flycam CA-18GL. So với các thiết bị có tính năng tương tự của nước ngoài chào hàng tại Việt Nam, thiết bị này có giá thành hạ rất nhiều lần. Đặc biệt, thiết bị của chúng tôi có tính năng mà hiện nay các hãng nước ngoài chưa chào hàng tại Việt Nam, đó là tính năng giả mạo tọa độ GPS, nhằm đánh lừa thiết bị định vị và dẫn đường trên flycam", ông Hoàng nói.
"Với tính năng giả mạo tọa độ GPS, CA-18GL có thể tạo ra vùng cấm bay nhân tạo để bảo vệ các mục tiêu an ninh, quốc phòng. Qua kiểm tra, đánh giá của các cơ quan độc lập, thời gian thử nghiệm dài ở nhiều đơn vị bảo vệ mục tiêu an ninh, quốc phòng, đều đánh giá thiết bị này đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra", ông Hoàng nói thêm.
Phóng viên đặt vấn đề, hiện nay, với trình độ khoa học - kỹ thuật phát triển, các hãng sản xuất liên tục đưa ra thị trường nhiều mẫu flycam hiện đại khác nhau, vậy CA-18GL có "đuổi kịp" công nghệ hiện nay?
Ông Hoàng khẳng định, quá trình nghiên cứu, sản xuất CA-18GL, nhóm đã ứng dụng công nghệ vô tuyến cấu hình mềm, tính năng này có thể cập nhật và thay đổi bằng phần mềm của hệ thống. Việc làm chủ công nghệ và mã nguồn của thiết bị, tính năng của CA-18GL sẽ được cập nhật liên tục để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới khi công nghệ sản xuất flycam luôn thay đổi.
Ngoài ra, ông Hoàng chia sẻ thêm, quá trình nghiên cứu, sản xuất thiết bị này luôn phải đảm bảo các yếu tố, như: Lựa chọn công nghệ tiên tiến, hơn hoặc bằng với công nghệ các hãng nước ngoài chào hàng tại Việt Nam; lựa chọn linh kiện, vật tư mà Việt Nam có thể làm chủ được.
"Chúng tôi không nhập vật tư, linh kiện về thử nghiệm, sau đó sản xuất thì lại gặp khó khăn do yếu tố bên ngoài. Thiết bị này có một số vật tư phải nhập của nước ngoài, nhưng chúng tôi đã tạo ra các nguồn nhập vật tư khác nhau để đề phòng bị nghẽn ở đâu thì mình có nguồn vật tư khác thay thế", ông Hoàng nói thêm.