Tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam
Báo cáo tại cuộc họp, Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 16/6/2014, có hiệu lực từ 1/1/2015. Sau 4 năm thực hiện Luật số 47, ngày 25/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 47 (Luật số 51), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Luật số 51 có những quy định nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài tại Việt Nam du lịch, đầu tư… đặc biệt là việc luật hóa chính sách thị thực điện tử sau thời gian thí điểm. Tuy nhiên, Luật số 51 có hiệu lực vào thời điểm cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, Việt Nam đang áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm tăng cường phòng chống dịch, do đó hiệu quả trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của các chính sách còn hạn chế.
Từ ngày 15/3/2022, sau khi Chính phủ khôi phục các chính sách xuất nhập cảnh, cho phép mở cửa du lịch, các hoạt động xuất nhập cảnh đã dần trở lại trạng thái bình thường. Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ đã nêu nhiệm vụ, giải pháp “tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế”.
Mặt khác, với việc tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, dự báo số lượng người nước ngoài nhập cảnh sẽ tăng, đặc biệt, số người nhập cảnh bằng thị thực điện tử sẽ ngày càng nhiều, đòi hỏi công tác quản lý cư trú của người nước ngoài phải được tăng cường nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng chính sách thông thoáng về xuất nhập cảnh của Việt Nam.
Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là rất cần thiết.
Theo đó, để tiếp tục tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong tình hình hiện nay, Luật dự kiến sửa đổi bổ sung một số quy định theo hướng thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần, có thời hạn không quá 90 ngày; Chính phủ quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử trên cơ sở không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn của xã hội Việt Nam; đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 30 ngày và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định của Luật này.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều chỉnh quy định về khai báo tạm trú và bổ sung trách nhiệm của người nước ngoài nhằm gắn trách nhiệm của người nước ngoài và cơ sở lưu trú trong việc chấp hành quy định về khai báo tạm trú; bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Nội vụ đề nghị rà soát bổ sung đánh giá về thủ tục hành chính, tránh việc thông thoáng trong nhập cảnh, khó khăn trong quản lý cư trú, đồng thời quy định cụ thể về giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Còn đại diện Bộ Ngoại giao cũng đề nghị đánh giá kỹ việc cấp thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần, có thời hạn không quá 90 ngày để làm tốt công tác quản lý nhà nước.
Nhất trí với nội dung các chính sách, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng cần đánh giá mối quan hệ của Luật này với Luật Căn cước công dân về vấn đề người không quốc tịch tại Việt Nam để làm rõ mức độ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; làm rõ mối quan hệ với các quy định pháp luật khác, nhất là Luật Căn cước công dân; rà soát các chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, chiến lược về an ninh quốc phòng, phát triển du lịch.
Đồng thời cần đánh giá tác động khi mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng các chính sách trong luật; xác định rõ cơ chế để “sàng lọc” đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để thật sự góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong tình hình hiện nay.
“Việc mở rộng đối tượng phải đi đôi với tăng cường công tác quản lý, 2 vấn đề này phải song hành với nhau”, Thứ trưởng nhấn mạnh thêm.