Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật
Nhiều kết quả nổi bật
Trình bày tham luận tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 vừa diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Hoàng Thanh Tùng khẳng định, trong những năm qua, các chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của Việt Nam có những bước tiến rất tích cực. Những bước tiến đó có sự đóng góp rất tích cực của công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn, trở ngại do tác động của điều kiện khách quan, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19, nhưng không những không bị tác động tiêu cực mà còn được đẩy mạnh hơn trước và đã đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể, đã thể chế hóa một cách kịp thời, quyết đoán,sáng tạo, phù hợp thực tiễn các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Cùng với đó, quyết liệt rà soát, khắc phục những vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật để tháo gỡ, khơi thông các “điểm nghẽn”, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển, biến thách thức thành cơ hội cho phát triển. Công tác lập pháp được đổi mới theo hướng chủ động, linh hoạt với phương châm QH hành động, xây dựng thể chế, pháp luật để phục vụ phát triển. Việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thi hành pháp luật cũng đã được tăng cường.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2030, nước ta sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, đất nước ta sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Bối cảnh hiện nay cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với quá trình cải cách và hoàn thiện thể chế của Việt Nam. Trong đó, có ba xu hướng lớn toàn cầu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thể chế của Việt Nam. Đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, sự tăng tốc của nền kinh tế số, sự gia tăng mạnh mẽ của các sáng kiến xanh. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 tiếp tục có những tác động mạnh mẽ đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.
Thận trọng, chắc chắn trong xây dựng, ban hành luật
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề xuất một số giải pháp cơ bản. Thứ nhất, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật. “Việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tiến độ nhưng cũng cần đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng. Trong nội dung các văn bản, cần đặc biệt lưu ý tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, rà soát, loại bỏ các quy định không cần thiết, không hợp lý, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Thứ hai là tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Cần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của QH, nhất là đổi mới phương thức thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật. Đổi mới mạnh mẽ về cách thức, phương thức thẩm tra; nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số trong các hoạt động này; tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình lập pháp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật. Để làm được như vậy, cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình xây dựng pháp luật theo hướng phân công, phân nhiệm hợp lý, rõ ràng và phát huy tối đa khả năng, nâng cao trách nhiệm của từng chủ thể trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là của cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật.
Thứ tư, tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản, sơ kết, tổng kết việc thi hành.Theo đó, cần đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, tăng cường hướng dẫn thi hành pháp luật, giải thích pháp luật theo hướng tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật theo lĩnh vực, theo chuyên đề, theo định kỳ để từ đó đưa ra cơ sở thực tiễn cho hoàn thiện pháp luật tương ứng; kịp thời hướng dẫn thi hành, áp dụng pháp luật, đặc biệt đối với việc thi hành các quy định pháp luật mới, bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong cả nước.