1. Trang chủ /
  2. Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân

Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân

thứ sáu, 29/7/2022 13:06 GMT+07
(PLM) - Sáng 28/7, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm về việc hoàn thiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” và Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.
Toàn cảnh tọa đàm Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Lê Vệ Quốc, Phó Vụ trưởng Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Ngô Quỳnh Hoa và lãnh đạo, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” nhằm xây dựng, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tiếp cận thông tin pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân; Nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật...

Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” có mục tiêu tổng quát là đổi mới toàn diện, tạo sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động, khả thi, phù hợp với thực tiễn, tính chất, mục tiêu, yêu cầu của công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong từng giai đoạn của đời sống xã hội; giúp công tác này đi vào thực tiễn, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành, sử dụng pháp luật của cơ quan, tổ chức, người dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án này là nghiên cứu, khảo sát hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; Ban hành khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL; Tổng kết, rút kinh nghiệm, nghiên cứu đề xuất định hướng hoàn thiện thể chế về đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL...

Báo cáo về việc hoàn thiện 2 Đề án trên tại Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa cho biết, thực hiện Công văn số 4375/VPCP-PL ngày 13/7/2022 của Văn phòng Chính phủ, Vụ PBGDPL đã xây dựng Dự thảo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh về việc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và hoàn thiện 2 Đề án nêu trên.

Trong đó, Vụ đã giải trình rõ hơn việc tham mưu thời gian thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” từ năm 2023 đến năm 2030. Vụ PBGDPL cũng đã chỉnh lý, hoàn thiện một số nội dung cụ thể của 2 Đề án trên. Cụ thể, tại Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”, Vụ PBGDPL đã chỉnh lý, bổ sung, làm rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức, địa phương tại Dự thảo Đề án, bảo đảm cụ thể, khả thi, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan. Đồng thời Vụ đã rà soát để tránh trùng lặp với các đề án khác đang triển khai và các quy định hiện hành. Chỉnh lý thời gian thực hiện của các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật để bảo đảm khả thi.

Tại nhiệm vụ và giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tiếp cận thông tin pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân, Vụ đã bổ sung nhiệm vụ xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình về PBGDPL; chuyển các nhiệm vụ và giải pháp về nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của các đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo về mục này.

Đối với Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL”, Vụ đã rà soát, xác định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong từng nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, bảo đảm các nhiệm vụ của Đề án không trùng lặp với các đề án khác đang triển khai và các quy định hiện hành. Ngoài

ra, Vụ PBGDPL cũng chỉnh lý một số nội dung; sắp xếp lại một số nhiệm vụ để đảm bảo sự thống nhất, logic và khả thi hơn.

 (Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 210, ra ngày 29/7/2022)