1. Trang chủ /
  2. Tăng cường nguồn lực tài chính cho công tác xây dựng pháp luật

Tăng cường nguồn lực tài chính cho công tác xây dựng pháp luật

thứ hai, 29/8/2022 08:01 GMT+07
(PLM) - Với số lượng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng giảm như hiện nay thì việc tập trung nguồn lực, đầu tư cho việc xây dựng để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật là hết sức cần thiết.

Công tác xây dựng thể chế ngày càng được chú trọng

Trong 5 năm qua, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã có chuyển biến tích cực. Số lượng VBQPPL được ban hành hàng năm có xu hướng giảm rõ rệt. Nếu như trong năm 2016, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương ban hành trên 50.000 văn bản thì đến năm 2020 chỉ còn trên 8.000 văn bản.

Điều này thể hiện công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta đang chuyển dần theo hướng tinh gọn, tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng VBQPPL nhằm đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội. Đồng thời kéo theo việc ngân sách nhà nước chi cho công tác này cũng giảm dần qua các năm.

Trong khi đó, công tác xây dựng thể chế ngày càng được Chính phủ chú trọng, quan tâm. Điều này thể hiện rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá liên quan đến hoàn thiện thể chế. Trong đó phải kể đến Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật đã nêu thực trạng “nguồn lực dành cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn” và yêu cầu “ưu tiên, tăng cường nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật”.

Việc nâng kinh phí cho các dự án, dự thảo VBQPPL thể hiện chính sách ưu tiên, tăng cường nguồn lực tài chính cho công tác xây dựng pháp luật, đồng thời đảm bảo chính sách đãi ngộ hợp lý đối với những người tham gia vào quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL.

Việc nâng định mức chi và định mức phân bổ kinh phí là dựa trên cơ sở tính chất đặc thù của hoạt động xây dựng chính sách, soạn thảo VBQPPL. Theo yêu cầu của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020, quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL rất chặt chẽ, gồm nhiều công đoạn, đòi hỏi sự đầu tư ngày càng cao về nguồn lực, thời gian, công sức để đảm bảo chất lượng của dự án, dự thảo VBQPPL, đặc biệt là việc nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học. Bên cạnh đó, Luật cũng đặt ra yêu cầu rất cao đối với nội dung từng thành phần, tài liệu trong hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL như dự thảo tờ trình, báo cáo đánh giá tác động chính sách, báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính, báo cáo rà soát quy định của VBQPPL…

Cần bảo đảm nguồn kinh phí thỏa đáng hơn

Sau 5 năm triển khai thực hiện Thông tư số 338/2016/TT-BTC đã tạo sự chủ động trong các hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL như thực hiện việc điều tra, khảo sát, lập đề nghị xây dựng văn bản, soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra văn bản của các cơ quan, đơn vị; phần nào đã thu hút được sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học vào công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra VBQPPL; động viên, khuyến khích, tạo động lực cho người làm công tác xây dựng pháp luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự phối hợp đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành VBQPPL của Bộ, ngành, địa phương, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta.

Tuy nhiên, một số quy định của Thông tư số 338/2016/TT-BTC không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình áp dụng. Theo đó, một số nội dung chi còn thiếu so với quy định của Luật Ban hành VBQPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL; chưa có nội dung chi trong giai đoạn lập đề nghị; mức chi cho các nội dung trong các hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật còn quá thấp...

Khắc phục những bất cập trên, Thông tư số 42/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC đã bổ sung một số nội dung chi; tăng định mức chi, bổ sung định mức chi đối với một số tài liệu trong hồ sơ dự án, dự thảo VBQPPL; tăng định mức phân bổ kinh phí; sửa đổi quy định về việc thanh toán, quyết toán kinh phí…

Việc ban hành Thông tư số 42/2022/TT-BTC được đánh giá là giúp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức có liên quan trong việc lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Góp phần bảo đảm nguồn kinh phí thỏa đáng hơn cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng công tác này ở nước ta.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 241 ra ngày 29/8/2022)