Tăng cường sự lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật
Hệ thống pháp luật có nhiều tiến bộ về chất
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và hoàn thiện pháp luật, với sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, cả hệ thống chính trị đến nay, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Theo đó, hệ thống pháp luật đã cơ bản thể chế hóa kịp thời, toàn diện, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, tập trung vào các mục tiêu, 05 quan điểm chỉ đạo, 06 nhóm nội dung định hướng và 02 nhóm giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được đề ra trong Nghị quyết số 48-NQ/TW và có bổ sung, phát triển theo các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí.
Hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng hoàn thiện và phát triển, cơ bản đầy đủ, cân đối trên mọi lĩnh vực. Theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương từ 01/7/2016 đến 31/7/2023, các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề nghị xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 78 Luật, 59 Nghị quyết của Quốc hội, 30 Pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, 900 Nghị định, 267 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hệ thống pháp luật Việt Nam đã có tiến bộ nhiều về chất, cơ bản đồng bộ, thống nhất, bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch. Quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL có nhiều đổi mới, được quy định chung cho cả Trung ương và địa phương. Nhận thức của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, nhân dân về pháp luật và công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được nâng lên. Chủ trương, đường lối về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật được Đảng chú trọng và ngày càng hoàn thiện.
Tuy vậy, công tác xây dựng pháp luật hiện nay vẫn còn một số bất cập như: còn một số quy định được hiểu, áp dụng chưa thống nhất; một số văn bản còn chưa bảo đảm tính dự báo nên tần suất sửa đổi, bổ sung còn nhiều; một số trường hợp đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chưa đảm bảo yêu cầu đề ra về chất lượng và tiến độ...
Một trong các mục tiêu tổng quát được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW là: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân”.
Đối với mục tiêu cụ thể, Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định: Đến năm 2030, hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán.
Đề cao trách nhiệm, kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật
Để có thể thực hiện được các mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. Cụ thể, đối với quy trình lập pháp, cần tăng cường sự lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật. Nâng cao chất lượng lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là chất lượng của các kiến nghị, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Phát huy tính chủ động, tích cực, ý thức trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình lập pháp, đặc biệt là vai trò của Chính phủ với tư cách là cơ quan trình hầu hết các dự án.
Chính phủ dành nhiều thời gian hơn cho việc thảo luận, cho ý kiến về từng dự án luật trình Quốc hội; phát huy việc tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị dự án. Tránh tình trạng ban hành “luật khung, luật ống” đối với những vấn đề mà nội dung đã rõ, đã chín muồi. Tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng phân công, phân nhiệm hợp lý, rõ ràng.
Cùng với đó, tiếp tục quán triệt, tăng cường nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị tham mưu lập đề nghị, soạn thảo, thẩm định VBQPPL về vai trò, tầm quan trọng và phạm vi, nội dung lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc thể chế hóa kịp thời, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng trong xây dựng VBQPPL và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác này. Tăng cường kiểm tra, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và trách nhiệm của đảng viên, cấp ủy đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL. Tránh tình trạng vì một vài trường hợp cá biệt, bất thường mà quyết định làm ảnh hưởng đến những yêu cầu mang tính nguyên lý, giá trị phổ quát trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đặc biệt, cần triển khai các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong xây dựng pháp luật. Theo đó, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chủ trì lập đề nghị, soạn thảo, ban hành VBQPPL cần chỉ đạo các đơn vị, cá nhân thường xuyên rà soát các chủ trương, đường lối của Đảng, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên và thực tiễn thi hành pháp luật để kịp thời đề xuất, soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL. Phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị, cá nhân trong công tác này.
Cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo phải chuẩn bị kỹ lưỡng các hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL. Quá trình soạn thảo văn bản cần bám sát các chính sách đã được thông qua, tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục, đặc biệt là thời hạn soạn thảo. Tổ chức hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập theo đúng quy định; tăng cường các phương pháp lấy ý kiến thực chất, hiệu quả, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý.
Cơ quan chủ trì thẩm định tiếp tục phát huy hình thức hội đồng thẩm định, hội đồng tư vấn thẩm định; tăng cường, huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học; chủ động bám sát quá trình xây dựng, ban hành các văn bản được phân công, thực hiện theo dõi ngay từ giai đoạn soạn thảo đến khi văn bản được thông qua, ký ban hành.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động phát triển đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu. Riêng với đội ngũ người làm công tác pháp chế, Chính phủ đang xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011. Trong đó có sửa đổi, bổ sung quy định về chức danh, tiêu chuẩn ngạch pháp chế viên, chế độ phụ cấp theo nghề.
Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư, đổi mới cơ chế phân bổ và sử dụng hiệu quả kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện trong các khâu của toàn bộ quy trình lập pháp; xác định rõ kinh phí bảo đảm xây dựng và hoàn thiện pháp luật là đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng pháp lý.