1. Trang chủ /
  2. Tăng học phí, chất lượng dạy học có tương xứng?

Tăng học phí, chất lượng dạy học có tương xứng?

thứ sáu, 19/8/2022 14:15 GMT+07
(PLM) - Bắt đầu từ tháng 9/2022, học phí các trường mầm non công lập, đại học sẽ tăng theo lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Mong mỏi của dư luận xã hội, cũng là yêu cầu bức thiết đặt ra đó là, việc tăng học phí phải đi cùng với việc tăng chất lượng đào tạo.
Thông tin tăng học phí khiến nhiều thí sinh đứng trước ngưỡng cửa vào đại học đắn đo, không biết nên chọn ngành nào, trường nào phù hợp với năng lực, và quan trọng hơn là kinh tế gia đình. Ảnh: Quang Vinh

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân.Sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân.Nỗi lo học phí

Nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước đã thông báo mức học phí mới. Trong đó, một số trường tính toán mức tăng vừa phải để chia sẻ với người học, nhưng có những lĩnh vực, học phí sẽ tăng gấp hơn 1,5-2 lần so với năm học trước. Thông tin này khiến nhiều thí sinh đứng trước ngưỡng cửa vào ĐH phải đắn đo, không biết nên chọn ngành nào, trường nào phù hợp với năng lực, sở thích và cả kinh tế gia đình.

Em Nguyễn Mạnh Hùng (cựu học sinh lớp 12A5, Trường THPT Phủ Lý A, Hà Nam) cho biết, ban đầu em dự định sẽ đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Luật Hà Nội. Tuy nhiên, khi đọc thông báo về mức học phí của trường từ năm học 2022-2023 sẽ tăng lên tới 572.000 đồng/tín chỉ cho hệ đại trà, gấp đôi so với năm học trước thì lại băn khoăn. Chị Trần Mỹ Hạnh (phụ huynh của em Hùng) cho biết, kinh tế gia đình ở mức bình thường, không phải hộ nghèo, cận nghèo nhưng đồng lương về hưu của hai vợ chồng không thể đủ đóng học phí cho con. “Cháu muốn chuyển hướng sang học sư phạm để đỡ kinh tế cho bố mẹ, nhưng chúng tôi khuyên con hãy suy nghĩ kỹ về mong muốn việc làm sau này, phân tích về sự phù hợp của con với ngành nghề. Chúng tôi chấp nhận vay tiền để đóng học cho con nhưng cũng mong muốn nhà trường minh bạch về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm sau khi ra trường là thế nào? Học phí tăng gấp đôi như vậy thì chất lượng có tăng tương ứng?” - chị Hạnh nói.

Tương tự, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay một số trường cao đẳng cam kết hoàn trả học phí nếu sau khi tốt nghiệp sinh viên không có việc làm hoặc có mức lương dưới 6-8 triệu đồng. Trong khi đó, mức học phí của các trường cao đẳng thường thấp hơn trường ĐH, thời gian học tập ngắn hơn, nhanh ra trường để có thu nhập hơn. Vậy các trường ĐH có cam kết như trường cao đẳng?

Theo lộ trình, giáo dục mầm non công lập sẽ tăng khoảng 75%, ĐH tăng khoảng 12,5%. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, với mức tăng học phí năm học 2022-2023 dự kiến tác động tới CPI tăng 1,5 - 2,8%. Trong đó, y dược là khối ngành có mức học phí tăng mạnh nhất trong các khối ngành đào tạo năm học 2022-2023. Các khối ngành còn lại (trừ nghệ thuật) hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Minh bạch chi phí, cam kết chất lượng

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm học 2022-2023, trường sẽ điều chỉnh học phí từ 22-28 triệu đồng/năm học, tùy ngành của năm học trước lên mức từ 24-30 triệu đồng. Mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo để phù hợp lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí đến năm 2025.

“Điều quan trọng là cần nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp với trách nhiệm của nhà trường và người học để đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân tương lai có năng lực, có khả năng kiếm tiền để bù đắp vào mức học phí đã đóng” - PGS. TS Thắng nói và cho biết từ năm 2016, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã bắt đầu một chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin Việt - Nhật có mức học phí gấp 2,5 lần bình thường. Ban đầu nhiều người e dè và không muốn học. Nhưng lứa sinh viên đầu tiên ra trường có 30% đi làm tại Nhật Bản và chỉ sau 1 năm, mức lương của các em có thể bù lại học phí đã đóng trong 5 năm.

Từ câu chuyện thực tế của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho thấy, nếu như mức học phí cao đi kèm với chất lượng đào tạo tương xứng thì người học hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn. Bởi sau khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm rộng mở với mức lương đủ trang trải, bù đắp khoản học phí đã đóng trong 4-5 năm học ĐH là điều mà mọi sinh viên, phụ huynh và xã hội mong muốn.

TS Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, Thư ký Đề án tự chủ ĐH, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, khi tăng học phí, các trường gia tăng đầu tư cho nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ cho người học. Như Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã chuyển biến mạnh mẽ về kiểm định chương trình đào tạo; đầu tư nâng cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học, cũng như trang bị nhiều hơn các kỹ năng mềm cho người học. Trường đã đưa vào sử dụng các tòa nhà mới với trang thiết bị hiện đại, tiệm cận với chuẩn quốc tế; từ đó tạo môi trường học tập tốt hơn so với trước khi tự chủ.

Về cơ hội việc làm sau khi ra trường, TS Thủy thông tin qua các khảo sát sinh viên tốt nghiệp của trường có mức lương dao động từ 6-8 triệu đồng. Theo một nghiên cứu quốc tế, mức học phí được người học chấp nhận tối đa sẽ bằng 50% thu nhập hàng tháng của sinh viên sau khi ra trường. Nhà trường cũng tiến hành khảo sát sinh viên năm nhất vào trường và ghi nhận về cơ bản, mức học phí của nhà trường được sinh viên đánh giá là chấp nhận được. 

Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, dư luận cần có cái nhìn khách quan về vấn đề tăng học phí ĐH. Hiện tại tổng số kinh phí đầu tư tính cho một sinh viên còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Vì thế, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cần nâng cao mức đầu tư cho sinh viên, thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi.

“Một số trường ĐH trong khu vực đang có mức chi phí cao gấp hàng chục lần so với chi phí tại các trường ĐH công lập tại Việt Nam, nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay sẽ rất khó để cạnh tranh. Theo tính toán của các chuyên gia, đầu tư cho giáo dục ĐH ở Việt Nam thu về lợi ích cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới. Người học cũng cần đặt ra bài toán đầu tư cho tương lai, bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ người học thông qua cơ chế tín dụng. Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý tăng mức tín dụng cho sinh viên, song đối tượng thụ hưởng vẫn chưa được mở rộng đáng kể” - ông Sơn nói.