1. Trang chủ /
  2. Tạo điều kiện để đội ngũ trí thức phát huy vai trò, sức cống hiến

Tạo điều kiện để đội ngũ trí thức phát huy vai trò, sức cống hiến

thứ hai, 23/10/2023 13:56 GMT+07
Để tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, các chuyên gia kiến nghị cần có những chương trình cụ thể trong từng giai đoạn, từng năm, phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng địa phương; phải có đãi ngộ, tôn vinh xứng đáng để đội ngũ trí thức yên tâm cống hiến.
Hình ảnh tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. (Ảnh VGP) Hình ảnh tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. (Ảnh VGP)

Đội ngũ trí thức tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia

Ngày 6/8/2008, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết số 27-NQ/TW). Đây là lần đầu tiên Đảng ta có Nghị quyết chuyên đề riêng để bàn tổng thể về xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, công tác xây dựng đội ngũ trí thức đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. “Tôi cho rằng, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới, đội ngũ trí thức nước ta đã trực tiếp tham mưu, góp ý, phản biện vào những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới. Đội ngũ trí thức đã sáng tạo những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.

Cuối tháng 9 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Đồng thời, Việt Nam được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng còn bộc lộ một số hạn chế như chưa phát huy triệt để sức mạnh đội ngũ trí thức vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chất lượng đội ngũ trí thức chưa đồng đều, thiếu trí thức mang tính chuyên gia đầu ngành...

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức luôn luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc.

Tại Hội nghị, Trung ương đã thống nhất cho rằng, bối cảnh tình hình mới và yêu cầu, nhiệm vụ mới đòi hỏi phải ban hành nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Trên cơ sở thống nhất cao về nhận thức, Trung ương cho rằng cần tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển đồng bộ, toàn diện khoa học - công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật gắn với phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt các chính sách, biện pháp phù hợp nhằm đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lãnh đạo, phát triển đội ngũ trí thức; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; phát triển, thu hút, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức...

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

PGS.TS Bùi Hoài Sơn. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)
PGS.TS Bùi Hoài Sơn. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Đánh giá cao chủ trương rất đúng đắn nêu trên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, bất kỳ quốc gia nào không quan tâm đầy đủ đến tri thức, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cũng sẽ dễ rơi vào tình trạng tụt hậu. “Tập trung cho khoa học công nghệ chính là cách tạo ra đột phá cho sự phát triển của đất nước hiện tại, cũng như những giai đoạn sắp tới. Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức giúp chúng ta khẳng định rõ ràng hơn rằng khoa học và công nghệ là động lực chính cho sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”, ông Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Nghị quyết mới cũng giúp giải quyết các thách thức toàn cầu, trong đó những thách thức về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, năng lượng và tài nguyên bị cạn kiệt đang đòi hỏi sự đóng góp của các nhà khoa học và chuyên gia có kiến thức sâu rộng, do đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng trong việc tìm ra các giải pháp hiệu quả cho những vấn đề này.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, Nghị quyết mới cũng sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho đất nước. “Trong thế giới hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng thể hiện ở tính kỹ thuật và phức tạp hơn. Các quốc gia và doanh nghiệp phụ thuộc vào tri thức để duy trì và tăng trưởng kinh tế. Kinh tế sáng tạo đang là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, đóng góp nhiều nhất cho nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng này và đội ngũ các trí thức chính là nguồn lực quan trọng của đất nước”, ông Bùi Hoài Sơn phân tích.

Đặc biệt, Nghị quyết mới về đội ngũ trí thức giúp nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ trong xã hội bởi đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức và giúp mọi người hiểu rõ về thế giới xung quanh. Lấy ví dụ trong lĩnh vực văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ ra rằng, đội ngũ trí thức trở thành một “bộ lọc” cho sự du nhập văn hóa từ bên ngoài, hạn chế tối đa những trào lưu văn hóa hời hợt, không phù hợp với những giá trị văn hóa dân tộc.

Trong bối cảnh xây dựng và phát triển văn hóa, con người hiện nay, nhiệm vụ của trí thức là “gạn đục khơi trong”, là hiểu biết đầy đủ để diễn đạt lại các giá trị chân chính qua các tập quán, nghi lễ, văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó, bồi đắp, sáng tạo để hình thành nên văn hóa mới, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới vừa đậm đà bản sắc dân tộc, lan tỏa tác động tích cực sang các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.

Nêu giải pháp để thu hút, giữ chân nhân tài và phát triển đội ngũ trí thức, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề nghị tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Trước hết, cần tăng thu nhập và phúc lợi cho trí thức, qua việc bảo đảm mức lương và phúc lợi hấp dẫn cho trí thức, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu, và y tế; cải thiện các chính sách thuế và bảo hiểm xã hội để giảm áp lực tài chính đối với trí thức. Cùng với đó, hỗ trợ nghiên cứu và sáng tạo qua việc cung cấp tài trợ và nguồn lực cho dự án nghiên cứu và sáng tạo, tạo điều kiện để trí thức có thể tham gia vào dự án và công việc nghiên cứu thông qua việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho nghiên cứu.

Đồng thời, tạo cơ hội cho trí thức làm việc và học hỏi tại các trường đại học và tổ chức nghiên cứu quốc tế, tăng cường hợp tác với các tổ chức và cộng đồng khoa học quốc tế để thúc đẩy trao đổi kiến thức, kỹ thuật. “Cần xây dựng môi trường làm việc thân thiện và chất lượng để Việt Nam trở thành nơi hấp dẫn cho nhân tài quốc tế và thu hút trí thức quốc tế trở về. Khuyến khích hơn nữa và bảo đảm rằng trí thức có tiếng nói trong quyết định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Bùi Hoài Sơn nói.

Cần có những chương trình cụ thể

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, hiện là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội) cho rằng, Nghị quyết mới của Trung ương cần khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua; xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới với những chương trình cụ thể trong từng giai đoạn, từng năm, phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng địa phương. “Một sinh viên học ngành Y mất 6 năm, sau đó tiếp tục thực hành 18 tháng nhưng ra trường lương được 5,5 triệu đồng/tháng. Như thế làm sao trí thức trẻ có thể yên tâm trong khi khu vực tư nhân trả lương cao gấp nhiều lần? Còn về tinh thần, vẫn có một số nơi chưa coi trọng đội ngũ trí thức, tạo môi trường làm việc bình đẳng. Chưa kể, nhiều trí thức nghỉ hưu, có chất xám cũng chưa được tận dụng”, PGS.TS Bùi Thị An nêu ra một số vấn đề.

Cũng nhấn mạnh về vấn đề trọng dụng nhân tài, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần đề cao, động viên về chính trị, tinh thần cho đội ngũ trí thức, đồng thời phải có sự đầu tư xứng đáng về vật chất, về ngân sách cho nghiên cứu khoa học. “Chữ “trọng dụng” có ý nghĩa rất sâu xa, trước hết phải coi trọng đội ngũ trí thức, phải đánh giá đầy đủ vai trò và đóng góp của lực lượng đó cho đất nước và phải có sự động viên cao độ. Nhà nước cũng phải có đãi ngộ vật chất xứng đáng cho đội ngũ trí thức”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng Phúc cũng đề nghị chú ý đến vấn đề quan hệ quốc tế trong nghiên cứu khoa học, nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức Việt Nam tiếp xúc với bên ngoài, học hỏi, trao đổi và phát triển những thành tựu khoa học của thế giới. Đồng thời, cần động viên trí thức từ nước ngoài tham gia hơn nữa vào sự nghiệp phát triển đất nước.