1. Trang chủ /
  2. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào thi đua

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào thi đua

thứ sáu, 5/8/2022 13:30 GMT+07
(PLM) - Hôm nay - 5/8, Khối thi đua các bộ, ngành Nội chính Trung ương tổ chức sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 06 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, các bộ, ngành trong Khối đã hưởng ứng, phát động và tổ chức triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhiều đổi mới trong công tác thi đua, khen thưởng

Báo cáo của Khối thi đua các bộ, ngành Nội chính Trung ương cho biết, thông qua việc hưởng ứng và tổ chức phát động các phong trào thi đua theo chỉ đạo của Khối, nhiều lĩnh vực công tác của các bộ, ban, ngành trong Khối đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả, khẳng định vai trò tích cực của việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Công tác thi đua khen, thưởng ở từng bộ, ngành trong Khối Nội chính Trung ương đã có nhiều đổi mới. Việc chỉ đạo triển khai công tác thi đua, khen thưởng đã được lãnh đạo ở từng bộ, ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

Nội dung hoạt động công tác thi đua của các đơn vị thành viên Khối diễn ra phong phú, đa dạng, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng bộ, ngành. Nội dung, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua được đổi mới với hình thức phong phú, đa dạng, nội dung cụ thể, thiết thực, hướng công tác thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các khâu đột phá, tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm... để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Các phong trào thi đua trong Khối đã lôi cuốn được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, chiến sĩ và người lao động hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phấn đấu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công tác của từng bộ, ngành và của toàn Khối. Các thành viên trong khối không chỉ triển khai và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, mà còn tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và quốc phòng, an ninh. Công tác khen thưởng tại các bộ, ngành được duy trì thường xuyên, công khai, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị, kịp thời ghi nhận, biểu dương, khích lệ các tập thể, cá nhân trong có thành tích tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ; Cơ quan Thường trực Thi đua – Khen thưởng các bộ, ngành đã làm tốt vai trò tham mưu, giúp Lãnh đạo các bộ, ngành tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua, chính sách khen thưởng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động thi đua, khen thưởng 06 tháng đầu năm 2022 của các đơn vị trong Khối thi đua vẫn còn một số tồn tại như: Dù có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thật sự đồng đều ở các cơ quan, đơn vị; chưa có nhiều đột phá mới trong tổ chức các phong trào; có lúc, có nơi phong trào thi đua vẫn còn biểu hiện tính hình thức; công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến mặc dù đã được các bộ, ngành quan tâm song chưa có sự chuyển biến rõ nét, chưa xây dựng được các nhân tố mới tiêu biểu, điển hình để tạo sự lan tỏa, nêu gương; Ở một số bộ, ngành, công tác khen thưởng, đề nghị khen thưởng cho cá nhân chưa dành sự quan tâm tới đối tượng làm việc trực tiếp...

Lan tỏa những cách làm hay, sáng kiến mới

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác trong năm 2022, 6 tháng cuối năm phong trào thi đua của các bộ, ngành sẽ tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng bộ, ban, ngành được giao. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua - khen thưởng...

Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở từng bộ, ngành trong Khối để tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành trong năm 2022, đặc biệt cần đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương phát động, trọng tâm là các phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

Các cơ quan, đơn vị trong Khối Nội chính cần tập trung góp ý, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của Trung ương về công tác thi đua, khen thưởng cũng như hệ thống các văn bản hướng dẫn; đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua, với hình thức phong phú, đa dạng, thực chất.

Bên cạnh đó, chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, gắn với công tác truyền thông nhằm lan tỏa, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng bộ, ngành. Thực hiện công

tác khen thưởng chính xác, công khai, minh bạch và đúng quy định. Phát hiện, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân lập được thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua; chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất, khen thưởng tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức thực hiện tốt đợt kiểm tra của Khối ở các đơn vị thuộc bộ, ban, ngành theo đúng kế hoạch đã đề ra. Gắn đợt kiểm tra của khối với các hoạt động xã hội, từ thiện và hoạt động nghĩa tình thông qua việc tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình chính sách, cũng như phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành động thiết thực hướng về biên giới và hải đảo, vũng sâu, vùng xa...

Do đó, Khối thi đua xác định cần tăng cường vai trò chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sức mạnh tổng hợp của từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào thi đua; đảm bảo thường xuyên, liên tục, thực chất, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức.

Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Việc tổ chức các phong trào thi đua phải có chiều sâu, gắn với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng bộ, ngành.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc tặng quà gia đình chính sách
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc tặng quà gia đình chính sách


Đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá phong trào thi đua, công tác khen thưởng gắn với kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ công tác các cơ quan, đơn vị; hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng; tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm công tác chuyên môn của từng bộ, ban, ngành.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng, tập trung kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp thuộc các bộ, ban, ngành nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu trong việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; quan tâm đảm bảo nguồn lực phù hợp cho tổ chức thực hiện hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng tại các bộ, ngành. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của Cơ quan.

Tại Bộ Tư pháp, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát đối với phong trào thi đua của Bộ, ngành. Các phong trào thi đua của Bộ, ngành đã thúc đẩy kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chính trị của Bộ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Tư pháp đã bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiều nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Các nhiệm vụ thuộc chuyên môn của Bộ, ngành được chú trọng triển khai và đạt được kết quả cao, trong đó phải kể đến một số lĩnh vực như: Công tác xây dựng pháp luật: số lượng VBQPPL được ban hành tiếp tục giảm ở hầu hết các cấp, đặc biệt giảm mạnh ở cấp huyện và cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPP; Công tác đăng ký và thống kê hộ tịch đi vào nền nếp, kịp thời giải quyết yêu cầu của người dân và ngày càng được hiện đại hoá; Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật mới được tổ chức thực hiện hiệu quả; Công tác cấp Phiếu LLTP, chứng thực bản sao, đăng ký giao dịch bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; Kết quả THADS đạt kết quả đáng khích lệ, đặc biệt trong thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các các vụ án tham nhũng, kinh tế... Kết quả hoạt động luật sư, đấu giá tài sản tăng cao so với cùng kỳ 2021. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được cải thiện và được đánh giá là đơn vị dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) trong số các bộ, ngành được đánh giá.

 (Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 217 ra ngày 5/8/2022)