Tập trung hoàn thiện dịch vụ công thiết yếu của ngành tư pháp trong bối cảnh chuyển đổi số
10/12 thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý được ghi nhận trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Cù Thu Anh, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý (TGPL) cho biết, theo Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu của ngành Tư pháp bao gồm dịch vụ hỗ trợ thông tin, thực hiện trợ giúp pháp lý theo Luật TGPL và dịch vụ hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Từ năm 2019, Cục TGPL đã xây dựng Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động TGPL nhằm giúp các Trung tâm TGPL nhà nước, các tổ chức tham gia TGPL cập nhật, số hóa hồ sơ vụ việc cũng như thực hiện việc thống kê, báo cáo về TGPL theo quy định. Hệ thống quản lý TGPL đang lưu trữ thông tin 2.353 nhân sự, 248 tổ chức với 18.169 việc TGPL, 85.280 hồ sơ vụ việc TGPL, 1.976 tài khoản. Đến nay, việc cập nhật về tổ chức, vụ việc TGPL đã dần đi vào nề nếp. Hiện nay, trên Cổng dịch vụ công quốc gia hiện đang ghi nhận 10/12 thủ tục hành chính trong lĩnh vực TGPL. Ngoài Trang thông tin điện tử TGPL ở Trung ương và địa phương, trên các trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân các cấp đều có chỉ dẫn TGPL để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng khi vào các trang thông tin điện tử này. Ở địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có đường dây TGPL để tiếp nhận và hỗ trợ thông tin TGPL từ người dân, cơ quan, tổ chức khác.
Tuy nhiên, theo ông Cù Thu Anh việc thực hiện hỗ trợ thông tin, thực hiện TGPL cho các đối tượng yếu thế hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành Tư pháp như: nguồn lực thực hiện còn hạn chế, một số Trung tâm TGPL nhà nước trên toàn quốc phải thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc, đồng thời Trung tâm lại chưa bố trí vị trí việc làm về công nghệ thông tin (tính đến tháng 12/2022, 63 Trung tâm TGPL nhà nước có 1233 người làm việc trong tổng số 1380 người được giao, trong đó có 688 trợ giúp viên pháp lý, không có người làm việc vị trí công nghệ thông tin); trang thiết bị làm việc (máy tính, máy in, máy scan...) chưa được trang bị đầy đủ hoặc đã cũ; khi cần yêu cầu TGPL thì người dân vẫn phải cung cấp các giấy tờ để chứng minh là đối tượng được trợ giúp pháp lý...
Ông Cù Thu Anh mong muốn các đại biểu, người làm công tác quản lý TGPL, người thực hiện TGPL, người làm công tác quản lý về bồi thường nhà nước, đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong việc cung cấp dịch vụ TGPL, dịch vụ hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, qua đó đề xuất được các giải pháp giải quyết khó khăn. Bên cạnh đó, các ý kiến, đề xuất từ Hội thảo cũng sẽ là tiền đề để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách, văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản, tăng cường tiếp cận công lý cho người dân.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Chia sẻ tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước TP Hà Nội Nguyễn Tú Anh nêu rõ, theo Công văn số 1814/SLĐTBXH- VP ngày 09/05/2022 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên địa bàn TP là 2.923.684 người, trong đó chủ yếu là trẻ em (1.938.324 người), người có công với cách mạng (764.579 người), người thuộc hộ nghèo (10.349 người), người cao tuổi có khó khăn về tài chính (92.961 người), người khuyết tật có khó khăn về tài chính (89.492 người). Tuy nhiên, công tác TGPL cho các đối tượng trên vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi cung cấp dịch vụ TGPL, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, theo bà Nguyễn Tú Anh, cần tăng cường công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động TGPL; xây dựng hệ thống phần mềm để có thể thông qua phần mềm đó người dân gửi yêu cầu TGPL, giấy tờ chứng minh đối tượng được TGPL và người thực hiện TGPL có thể tiếp nhận, thực hiện giải đáp, tư vấn pháp luật qua phần mềm; nâng cấp và khắc phục những hạn chế của Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, đồng thời tổ chức tập huấn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng vận hành Hệ thống quản lý TGPL.
Đồng thời, tiếp tục bổ sung, mở rộng triển khai các thủ tục hành chính trong lĩnh vực TGPL trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến đối với theo 3 nhóm: Nhóm thủ tục liên quan đến người được TGPL; nhóm thủ tục liên quan đến người thực hiện TGPL; nhóm thủ tục liên quan đến tổ chức tham gia TGPL.
Tại hội thảo các đại biểu đề xuất các giải pháp cụ thể như: Xem xét bổ sung kinh phí nâng cấp phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động TGPL, đảm bảo hệ thống luôn thông suốt; tiếp tục tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm cho viên chức tại các Trung tâm TGPL nhà nước...
Theo tham luận của Cục TGPL, thời gian qua, các địa phương đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của công tác TGPL là thực hiện vụ việc TGPL, nhất là vụ việc tham gia tố tụng, đáp ứng nhu cầu TGPL ngày càng nhiều hơn, chất lượng hơn. Từ khi triển khai Luật TGPL năm 2017 đến nay (từ năm 2018 đến tháng 6/2023), các tổ chức thực hiện TGPL trên cả nước đã thực hiện được trên 176 nghìn vụ việc, trong đó có hơn 90 nghìn vụ tham gia tố tụng (chiếm 51,3%).
Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL ngày càng được nâng cao. Về cơ bản, các vụ việc được thẩm định, đánh giá chất lượng đều đạt chất lượng trở lên, người dân cơ bản hài lòng với chất lượng dịch vụ TGPL được cung cấp. Theo tổng hợp từ địa phương từ năm 2018 – 6/2023 có khoảng 27 nghìn vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả (được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân; mức bồi thường thiệt hại được tăng lên cho bị hại...).