Tập trung hoàn thiện mô hình của các tổ chức pháp chế
Để nâng cao hiệu quả thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ thời gian qua, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ quản lý công tác pháp chế đã thực hiện rất nhiều giải pháp đưa Nghị định đi vào cuộc sống, nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác pháp chế.
Theo đó, ngay sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành, Bộ Tư pháp đã khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định. Ban Cán sự Đảng BộTư pháp đã có văn bản đề nghị cấp ủy, tổ chức Đảng các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước chỉ đạo tiến hành kiện toàn tổ chức và triển khai có hiệu quả công tác pháp chế; đồng thời chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP như: Dự thảo Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế; dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về tổ chức, biên chế của tổ chức pháp chế và tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế; ban hành Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ của các tổ chức pháp chế...
Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành các thông tư liên tịch về cơ chế, chính sách bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động như: xây dựng, góp ý, thẩm định VBQPPL, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, rà soát VBQPPL, bồi thường nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, công tác điều ước, thỏa thuận quốc tế, pháp điển QPPL, hợp nhất VBQPPL. Việc đảm bảo kinh phí đầy đủ, kịp thời cho công tác pháp chế trong thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác pháp chế, đạt được nhiều kết quả cụ thể, chất lượng văn bản từng bước được nâng cao, hệ thống VBQPPL ngày càng được hoàn thiện. Hàng năm, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hội nghị sinh hoạt pháp chế bộ, ngành, hội nghị chuyên đề cho doanh nghiệp và nhiều diễn đàn để các tổ chức pháp chế và người làm công tác pháp chế có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc trong nghiệp vụ; tổ chức hàng trăm hội nghị tập huấn, lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, hội thảo, tọa đàm nhằm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế; xuất bản các cuốn Sổ tay, Cẩm nang về nghiệp vụ pháp chế cho cán bộ pháp chế các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; trả lời các kiến nghị yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức pháp chế... Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc củng cố và kiện toàn tổ chức pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND được lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm...
Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành trong công tác pháp chế cũng được chú trọng và mang lại hiệu quả cao. Bộ Tư pháp đã tổ chức các cuộc làm việc, ban hành các quy chế, chương trình phối hợp với nhiều bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc... Qua đó tạo sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn trong triển khai công tác pháp chế.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chếvtheo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP với những cách tiếp cận mới, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn, đồng bộ với các VBQPPLcó liên quan; trong đó tập trung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình của các tổ chức pháp chế; xây dựng, xác định rõ vị trí việc làm cho cán bộ pháp chế; nghiên cứu bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với cán bộ pháp chế nhằm thu hút, những người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao công tác trong lĩnh vực này.
Đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ người làm công tác pháp chế; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của khoa học công nghệ trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động pháp chế.
BộTư pháp cũng đề nghị các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tạo điều kiện, bảo đảm nguồn lực cho công tác pháp chế theo hướng: đối với những bộ, ngành địa phương hiện đang có tổ chức chế độc lập hoặc có điều kiện thành lập tổ chức pháp chế thì bảo đảm giữ cơ cấu của tổ chức pháp chế, vị trí việc làm cho người làm công tác pháp chế; đối với những nơi khác, bảo đảm bố trí hợp lý nguồn lực pháp chế; hình thành tổ chức pháp chế theo hướng ghép với phòng chuyên môn khác ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đảm bảo không tăng biên chế, không phát sinh bộ máy mới.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 214, ra ngày 02/8/2022)