Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế pháp luật
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược mà chúng ta tích cực thúc đẩy trong nhiệm kỳ này: thường xuyên có báo cáo đánh giá, bám sát tình hình thực tiễn; tổ chức các hội nghị, cuộc họp chuyên đề để thúc đẩy 3 đột phá chiến lược này. Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 này nhằm đề xuất các cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các chính sách mới liên quan một số luật.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chúng ta rất quyết liệt trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Năm 2022, chúng ta tổ chức 10 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Phiên họp này là phiên thứ 3 từ đầu năm. Đây là việc lớn, quan trọng, có nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết, những vấn đề khó, nhạy cảm, do đó đòi hỏi chúng ta phải dành thời gian; các bộ trưởng, trưởng ngành phải dành thời gian tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, góp ý vào văn bản quy phạm pháp luật.
Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt công việc này thì tới đây phải tiếp tục làm tốt hơn nữa. Thực tế, các bộ, ngành nào, bộ trưởng, trưởng ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát tình hình, quan tâm công tác này thì công việc trôi chảy, tiến độ và chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được bảo đảm, do đó càng phải phát huy.
Thời gian tới, công việc ngày càng nhiều, thực tiễn diễn biến nhanh, khó lường, trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật xây dựng từ lâu, có những cái mới xây dựng nhưng thực tiễn đã vượt qua. Do đó, chúng ta phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, bám sát thực tiễn để có điều chỉnh kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt trong quá trình lãnh đạo, điều hành.
Trên cơ sở đó có hành lang pháp lý phù hợp từng giai đoạn, hoàn cảnh Việt Nam, nhất là trong điều kiện thế giới, khu vực hiện nay rất khó khăn, do đó cần tháo gỡ về pháp lý để tạo ra xung lực, nguồn lực để các cấp, các ngành thực hiện tốt, hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mà chúng ta đã đi hết nửa chặng đường.
Thời gian có hạn, công việc nhiều và đòi hỏi cao, kịp thời, do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đóng góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng, kịp thời để chúng ta trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trong tháng này, chúng ta cần thảo luận 5 nội dung, do đó cần tập trung trí tuệ, sức lực.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chưa kiện toàn bộ phận xây dựng văn bản pháp luật thì quan tâm, kiện toàn, nhất là Bộ Tư pháp, cũng như các bộ, ngành phải nâng cao năng lực thực thi, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, phải bố trí kinh phí để làm có chất lượng, hiệu quả. Các bộ, ngành khi được hỏi ý kiến thì phải dành thời gian chỉ đạo cấp dưới góp ý một cách chất lượng; không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu. Điều đó cho thấy việc đầu tư cho công việc này chưa tương xứng, ngang tầm.
Hằng tháng, Chính phủ có cuộc họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, do đó các thành viên Chính phủ phải tích cực, ưu tiên tham gia đầy đủ. Kỳ họp Quốc hội tới có rất nhiều vấn đề phải trình, do đó chúng ta phải hết sức quyết liệt; ngoài ra, chúng ta có chương trình bổ sung cho năm 2023 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho năm 2024, cho nên phải dành thời gian công sức, bố trí nhân lực, nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả.