Tết Độc lập trên quê hương Bác
Trời thu nắng trải vàng ươm cánh đồng bao quanh con đường dẫn về làng Sen quêBác (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Trong khuôn viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên những bông sen cuối mùa vẫn kiên nhẫn tỏa hương trong nắng vàng rực rỡ. Từng dòng người nối bước nhau trên tay nâng niu những bó hoa tươi dâng Bác với lòng biết ơn vô hạn.
Quê Bác bình dị như bao miền quê khác trên đất nước Việt. Nơi đó có mái nhà tranh dưới lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè cùng tiếng ru ầu ơ của mẹ. Có giếng Cốc, cây đa và đặc biệt ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nơi gắn bó với tuổi thơ của Bác vẫn còn nguyên vẹn sau bao thăng trầm lịch sử. Trong đoàn người về với làng Sen, có người mới đến lần đầu, có người đến nhiều lần nhưng chung hết vẫn là khoảnh khắc thiêng liêng, phấn khởi như ngày Bác Hồ đọc lời Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào mùa Thu năm 1945.
Nâng niu bó hoa trên tay chờ đến lượt dâng lên bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Vinh (tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: “Nhằm giáo dục con cháu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, dịp Quốc khánh năm nay tôi đã dẫn các cháu về đây. Nhìn sự hồ hởi, thích thú của con cháu, lòng tôi cũng thấy vui. Mong rằng, đây là kỷ niệm đẹp trong ký ức tuổi thơ của các cháu khi về thăm quê Bác”.
Mặc trên mình bộ váy thổ cẩm đẹp nhất của dân tộc Thái, cụ Lô Thị Sang, cùng đoàn phụ nữ của xóm đến thăm Khu di tích Kim Liên vào đúng dịp Quốc khánh. Người phụ nữ lần đầu được đến thăm căn nhà mái tranh vách nứa nơi Bác Hồ trải qua những năm tháng ấu thơ không giấu nổi xúc động, thốt lên: “Quê Bác đẹp, bình dị và bình yên quá!”. Người phụ nữ dân tộc Thái này cho hay sẽ về kể cho các con, các cháu ở nhà về Bác Hồ, bảo ban các con học tập theo Bác để không thất học, không bị đói nghèo.
Còn với chị Nguyễn Thị Phương Huyền, trước ngày lên máy bay về lại TP Hồ Chí Minh, chị đã dẫn con và người thân đến thăm làng Sen. Chị chia sẻ, bản thân sinh ra và lớn lên trên quê Bác nhưng lại lập nghiệp trong miền Nam. Vì thế, các con ít có dịp đến thăm quê Bác. Do đó, tranh thủ dịp này, chị đã dẫn các con và người thân đến đây để thắp hương tưởng niệm Bác Hồ - người đã cống hiến trọn cuộc đời cho Đảng, cho dân, cho nước. “Bên cạnh việc giáo dục thế hệ trẻ, những chuyến về thăm quê Bác như thế này còn là dịp để chúng tôi tự soi lại bản thân mình, để sống sao cho tốt, cho xứng đáng vớiBác Hồ và các bậc tiền nhân, để thấy rõ hơn trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng đất nước phồn thịnh như mong muốn của Người”, chị Huyền chia sẻ.
Quốc khánh 2/9 cũng là dịp để người dân Kim Liên thể hiện tình cảm đối với vị cha già của dân tộc, đó là chọn thứ quả tươi nhất trong vườn nhà để dâng lên Người. Không quá cầu kỳ nhưng họ luôn tâm niệm, mâm cỗ dâng Người trong những ngày này phải thật đầy đủ. Bên cạnh bàn thờ gia tiên, các gia đình ở đây luôn dành một vị trí trang trọng để lập bàn thờ riêng thờ Bác.
Mỗi người dân về quê Bác trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 là để tưởng nhớ vị Cha già dân tộc, để tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, để nhìn rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền độc lập, tự do, xây dựng đất nước.
“Khu di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956, với diện tích 205ha. Đây là một trong những khu di tích Quốc gia đặc biệt tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần làm phong phú kho tàng di sản Việt Nam.Khu di tích Kim Liên là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, không gian văn hóa -lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Bác về thăm quê. Các di tích được bảo tồn và tôn tạo tại Khu di tích Kim Liên gồm Cụm di tích làng Sen - quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh - gồm nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ cử nhân VươngThúc Quý, lò rèn cố Điền, giếng Cốc, núi Chung, sân vận động làng Sen. Cụm di tích Hoàng Trù- quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh - gồm nhà của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại Bác Hồ)...”
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 244 -248 ra ngày 1-5/9/2022)