Thách thức về dân số: Cần chính sách hợp lý
Nỗi lo “già hóa dân số”
Con trai đã 10 tuổi, nhưng vợ chồng chị Lê Thị V.A., ngụ Thủ Đức, nhân viên một công ty tài chính trên địa bàn TP HCM vẫn không có ý định sinh con thứ hai. Chị V.A. chia sẻ: “Hiện tại thu nhập vợ chồng tôi khoảng hơn 30 triệu/tháng, vẫn đang xoay xở để trả góp căn hộ đang ở, rồi tiền sinh hoạt phí, tiền học thêm cho con, dự định mua thêm ô tô... Cuộc sống hiện nay đang ổn, nhưng sinh đứa nữa thì rất chật vật”.
Không hiếm trường hợp như gia đình chị V.A. ở TP HCM. Có nhiều lý do cho lựa chọn này, từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chưa đủ sống cho đến sợ chật vật, kém thoải mái khi sinh tiếp, hoặc có cả những cặp vợ chồng muốn cuộc sống tự do, hưởng thụ thay vì vất vả sinh, nuôi con. Cạnh đó, một bộ phận người trẻ hiện có cái nhìn khác về hôn nhân, quyết định lập gia đình trễ hoặc đeo đuổi cuộc sống độc thân. Hiện TP HCM là một trong 21 địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước.
Theo thống kê từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, từ năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm, từ 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ xuống chỉ còn 1,39 năm 2022, hiện thành phố đang ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên toàn quốc là 2,09 con. Thành phố cũng đang bước sang giai đoạn già hóa dân số với chỉ số là 49,4%, cao hơn so với cả nước là 48,8%. Trả lời báo chí, ông Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM chia sẻ, tỉ lệ sinh thấp, dân số già hóa sẽ là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai của TP HCM.
Ông Trung cho rằng, mức sinh thấp kéo theo nhiều hệ lụy, tạo ra những bất lợi do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số, tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh. Vấn đề mức sinh thấp và già hóa dân số tác động trực tiếp đến "số lượng dân số", làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thực tế, TP HCM đã bước sang giai đoạn già hóa dân số với số lượng người cao tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số.
Tháng 3/2023, UBND TP HCM đã ban hành “Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030. Thành phố đặt mục tiêu nâng tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025, hướng tới năm 2030 là 1,6 con. Quy mô dân số thành phố khoảng 10,6 triệu người vào năm 2025 và đạt 12 triệu người vào năm 2030. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên phấn đấu trên 1,1% vào năm 2025, trên 1,3% vào năm 2030.
Mục tiêu ổn định dân số
Tại Hà Nội, tính đến hết năm 2022, dự kiến dân số Hà Nội trung bình đạt khoảng 8,4 triệu người (chiếm khoảng 8,4% dân số cả nước). Toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế, số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con; bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 ước đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác dân số đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Hà Nội là thành phố đông dân thứ hai của cả nước và cũng có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mật độ dân số của Hà Nội là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước, mật số dân số phần nào gây áp lực lên mức sống của Thủ đô, đồng thời chất lượng dân số còn chưa tương xứng tiềm năng Thủ đô. Thêm vào đó, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
Trong bài viết trên Tạp chí lý luận vào tháng 4 vừa qua, PGS. TS Lê Thị Thanh Hà, Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia HCM đã đưa ra thông tin về thực trạng dân số nước ta hiện nay như sau: “Cơ cấu dân số đã bước vào giai đoạn già hóa; chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền còn lớn; tầm vóc và thể lực người Việt Nam chậm được cải thiện; mất cân bằng giới tính có xu hướng gia tăng; sắp xếp, bố trí dân cư chưa hợp lý, di dân tự phát diễn biến phức tạp”.
Trong bài phân tích của mình, PGS.TS Lê Thị Thanh Hà đã đề xuất 5 giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách dân số bảo đảm quản lý phát triển xã hội bền vững. Theo đó, cần hoàn thiện chính sách dân số và phát triển theo hướng giữ mức tăng quy mô dân số ổn định trên cơ sở bảo đảm duy trì vững chắc mức sinh thay thế; xây dựng chính sách dân số và phát triển hướng tới bảo đảm cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, với 104 - 107 bé trai/100 bé gái; các chính sách về già hóa dân số cần được quan tâm, ưu tiên thực hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước; điều chỉnh chính sách y tế, giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dân số và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đồng thời, cần có chính sách di cư phù hợp.
Dân số là mục tiêu, động lực của phát triển kinh tế - xã hội, công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược mang tính cấp thiết và lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Để đạt được mục tiêu duy trì dân số phát triển ổn định, bền vững và chất lượng, ngay từ lúc này, rất cần có những chiến lược đồng bộ, thích hợp và có tầm nhìn, từ quốc gia cho đến các địa phương.