Thái Nguyên: Cảnh giác trước nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ
Trong bản tin cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trong ngày hôm nay 14/9 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – Tổng cục khí tượng thủy văn, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có tên trong danh sách các tỉnh có nguy cơ cao xảy ra thiên tai do mưa lũ những ngày qua.
Theo đó, trong 6 giờ qua (từ 20h ngày 13/9 đến 2h ngày 14/9) tại khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn và Thái Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Cửa Ông 153mm, Bản Sen 110mm (Quảng Ninh), Thanh Mai 88mm (Bắc Kạn), Trung Hội 110mm, Bộc Nhiêu 97mm (Thái Nguyên)… Cảnh báo trong 6 giờ tới, tại khu vực nói trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 60mm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại khu vực tỉnh các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn và Thái Nguyên đặc biệt tại tỉnh Quảng Ninh gồm các địa phương: Thành phố Cẩm Phả, Vân Đồn, Ba Chẽ, thành phố Hạ Long, thị xã Quảng Yên, Hải Hà, thành phố Móng Cái, Đầm Hà; tỉnh Thái Nguyên gồm: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai; tỉnh Bắc Kạn gồm: Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Na Rì. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1 có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Tại tỉnh Thái Nguyên, liên quan đến thiên tai chỉ tính riêng trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 đợt thiên tai, làm 3 người chết, 1 người bị thương gây thiệt hại về tài sản khoảng 66,6 tỷ đồng. Lượng mưa lớn nhất đo được ngày 23/5/2022 trên địa bàn xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ là 379mm. Từ đầu năm 2023 đến ngày 5/7/2013, xảy ra 6 đợt thiên tai làm thiệt hại về tài sản khoảng 18 tỷ đồng. Lượng mưa lớn nhất đo được ngày 4/7 trên địa bàn xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa là 198,4mm. Các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh chủ yếu là giông lốc, ngập úng và sạt lở đất.
Để ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay và nguy cơ sạt lở ở một số nơi, UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu, trước mắt cần khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp... Kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Đặc biệt người dân ở các khu vực đã được cảnh báo phải chủ động nhận biết các dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để chủ động phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.