Thái Nguyên: Ngang nhiên san lấp hàng nghìn m2 đất lúa ngay gần UBND xã
Phản ánh nhiều lần với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, người dân xóm Sơn Cẩm, xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên vô cùng bức xúc khi một số hộ dân trong xóm Sơn Cẩm đã ngang nhiên tổ chức khai thác, vận chuyển đất trái phép để san lấp hàng nghìn m2 đất trồng lúa nước, biến cánh đồng thâm canh lúa bao đời nay tại xóm Sơn Cẩm thành một bãi đất trống bằng phẳng, rộng lớn, làm thay đổi toàn bộ hiện trạng cũng như mục đích sử dụng đất.
Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân địa phương, phóng viên đã chuyển thông tin tới ông Nguyễn Sỹ Bình - Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm. Tuy nhiên, thay vì cho cán bộ kiểm tra, ông Chủ tịch xã khẳng định đó là đất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, họ đã bồi thường giải phóng mặt bằng và được phép vận chuyển đất san lấp mặt bằng các khu vực đó, phục vụ dự án.
Chia sẻ với phóng viên, chị D, một hộ dân sinh sống gần khu vực bị san lấp cho biết: Khu vực san lấp này là cánh đồng trồng lúa liên quan đến các thửa ruộng của khoảng 4 – 5 hộ gia đình với tổng diện tích khoảng 8 sào đất, chỉ còn duy nhất có 1 hộ gia đình có ruộng tại đây không tham gia san lấp, các gia đình san lấp đã mua đất đồi rừng của một hộ dân cùng xóm cách đó chỉ khoảng 200m với giá 50 nghìn đồng/ xe 6 khối, rồi thuê máy múc, xe tải, vận chuyển san lấp cánh đồng này trong nhiều ngày. Cũng theo chị D, hình như các gia đình này san lấp để làm hạ tầng, phân lô, bán nền vì đất khu vực này đang rất có giá do tiện đường giao thông, gần khu dân cư và giáp danh với khu đất đã được quy hoạch dự án, đang được triển khai.
Vị trí mà hàng vạn khối đất đồi rừng bị khai thác trái phép, làm vật liệu san lấp toàn bộ cánh đồng lúa hàng nghìn m2 của các hộ dân xóm Sơn Cẩm.
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Hoàng Văn Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm cho biết: Việc các hộ dân san lấp đất ruộng này là hành vi vi phạm pháp luật. Trước đó, địa phương có nhận được đề nghị của các hộ dân xin san lấp cải tạo và địa phương không đồng ý việc này vì liên quan đến đất trồng lúa nước và không thuộc thẩm quyền của địa phương. Tuy nhiên, các hộ dân này vẫn cố tình san lấp, địa phương sẽ cho kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, 3 hộ gia đình tự ý san lấp hàng nghìn m2 đất trồng lúa đều thuộc xóm Sơn Cẩm, xã Sơn Cẩm gồm: Gia đình ông Ngô Văn Nguyên san lấp 2 thửa với tổng diện tích trên 900m2 (thửa đất số 159 có diện tích 529m2 và thửa đất số 160 có diện tích 405m2); gia đình bà Lưu Thị Ngọc Anh cũng san lấp 2 thửa tổng diện tích trên 1200m2 (thửa đất số 134 có diện tích 902m2 và thửa đất số 130 có diện tích 305m2) và gia đình ông Ngô Xuân Hoàng san lấp 826m2 thuộc thửa đất số 136.
Các thửa đất của 3 hộ gia đình này đều thuộc tờ bản đồ số 17, theo quan sát thực tế của phóng viên tại hiện trường, các thửa ruộng này có đặc điểm giáp ranh nhau, sau khi san lấp đã tạo ra một khu đất tập trung, bằng phẳng, rộng lớn, có vị trí xung quanh tiếp giáp với khu dân cư và đường giao thông của xóm, đặc biệt khu vực này gần với Dự án xây dựng hạ tầng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng và san lấp mặt bằng.
Sau khi san lấp trái phép, khu vực cánh đồng lúa rộng lớn như thế này rất có thể sẽ trở thành đất phi nông nghiệp như: Nhà xưởng, mặt bằng kinh doanh, nhà ở… hoặc tự ý thực hiện dự án, đổi sang mô hình trang trại mà không được sự đồng ý của Nhà nước. Điều đó sẽ gây ra nhiều bất cập, hệ lụy trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai của địa phương, nhất là khi Nhà nước triển khai các dự án. Khu vực này lại nằm ngay sát trung tâm hành chính của xã.
Các đối tượng ngang nhiên vận chuyển hàng vạn khối đất, san lấp trái phép cánh đồng lúa trước sự bức xúc của người dân địa phương.
Theo Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 77 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã là: Cảnh cáo, phạt tiền đến 10.000.000 đồng hay áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b và điểm đ Khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
Ngoài ra, nếu hành vi tự ý san lấp đất nông nghiệp để sử dụng đất không đúng mục đích đã bị xử phạt hành chính mà những người này tiếp tục thực hiện thì đây là một trong các trường hợp có thể bị thu hồi đất theo Khoản 1 Điều 64, Luật đất đai 2013. Khi đó, Chủ tịch UBND cấp xã có thể kiến nghị với Chủ tịch UBND cấp huyện để xử lý thu hồi đất.
Cả cánh đồng rộng lớn còn duy nhất 1 hộ không san lấp, vẫn để trồng lúa. Việc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề là hành vi hủy hoại đất.
Hành vi san lấp đất trồng lúa của các hộ gia đình nêu trên còn là hành vi làm thay đổi cấu tạo của đất, thay đổi giá trị, công dụng của đất nên có thể bị coi là hành vi hủy hoại đất, sử dụng đất không đúng mục đích. Đây cũng là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Đất đai 2013. Do vậy, tùy thuộc vào diện tích đất bị hủy hoại, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Thậm chí, người có hành vi hủy hoại đất còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 228 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Các hộ dân tự ý san lấp đất trồng lúa tại Sơn Cẩm liệu có được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật? Tại sao các hộ dân lại có thể san lấp trái phép được cả cánh đồng lúa rộng lớn như vậy? Câu trả lời xin gửi tới các cơ quan chức năng của xã Sơn Cẩm và thành phố Thái Nguyên.