Thái Nguyên: Sẽ có Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên hơn 1.100ha
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch thuộc xã Minh Đức, xã Thành Công, xã Phúc Thuận và phường Bắc Sơn, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với các ranh giới: Phía Bắc giáp sông Con (phụ lưu sông Công); phía Nam giáp tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; phía Đông giáp khu đất nông nghiệp và dân cư xã Minh Đức, xã Thành Công; phía Tây giáp Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội.
Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên đến năm 2045 được tổ chức lập với quy mô diện tích khoảng 1.128ha (trong đó 868ha đất khu công nghiệp và 260ha đất đô thị - dịch vụ).
Dự báo quy mô lao động khoảng 45.000 - 55.000 công nhân và người làm dịch vụ. Trong đó, khoảng 50% có nhu cầu lưu trú lâu dài khoảng 27.000 người và khoảng 4.000 - 6.000 người tham gia làm việc trong các hoạt động dịch vụ, tổng số nhu cầu lao động có nhu cầu ở khoảng 33.000 người. Quy mô dân số cụ thể sẽ được xác định trong giai đoạn lập đồ án quy hoạch.
Đây là khu công nghiệp đa ngành chủ yếu là các ngành công nghiệp tự động hóa, lắp ráp, điện tử, viễn thông; đồng thời cũng là Khu đô thị - Dịch vụ bao gồm: Nhà ở, công trình giáo dục, đào tạo, nghiên cứu; công trình y tế; công trình thể thao, văn hóa, công viên; công trình thương mại; công trình dịch vụ và các công trình kết cấu khác, có hệ thống hạ tầng xã hội – hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, hình thành khu vực đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu công nghiệp, hỗ trợ, gắn kết giữa phát triển khu công nghiệp với quá trình đô thị hóa của địa phương; góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu lao động và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh.
Theo đó, một số chỉ tiêu cơ bản cần phải đạt được là: Tỷ lệ đất giao thông tối thiểu 10% diện tích khu công nghiệp; tỷ lệ đất cây xanh tối thiểu 10% diện tích khu công nghiệp; tỷ lệ đất các khu kỹ thuật tối thiểu 1% diện tích khu công nghiệp. Chỉ tiêu cấp điện cho sản xuất công nghiệp tối thiểu 160kW/ha.
Chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiêu chí của đô thị loại II, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng mã số QCVN 01:2021/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật mã số QCVN 07:2017/BXD và các quy định pháp luật có liên quan. Tỷ lệ đất giao thông (không bao gồm giao thông tĩnh) so với đất xây dựng đô thị tối thiểu tính đến đường khu vực 13%.
Các yêu cầu và nguyên tắc cơ bản của nhiệm vụ quy hoạch là: Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế - xã hội, dân số, lao động, văn hóa, sử dụng đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường và những yếu tố đặc thù của khu vực.
Đánh giá tình hình triển khai thực hiện các quy hoạch, các dự án đã có, đang còn hiệu lực; xác định, làm rõ các định hướng trong quy hoạch ngành có liên quan; xác định mục tiêu, động lực phát triển của khu quy hoạch gắn với phát triển của đô thị Phổ Yên và phát triển hạ tầng khu vực phía Nam của tỉnh Thái Nguyên; dự báo về dân số, lao động, quy mô đất xây dựng, các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo từng giai đoạn quy hoạch.
Định hướng quy hoạch sử dụng đất, xác định phạm vi, quy mô, các chỉ tiêu sử dụng đất trong khu công nghiệp - khu đô thị - dịch vụ theo yêu cầu phát triển từng giai đoạn quy hoạch.
Về định hướng phát triển không gian: Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên phải xác định mô hình phát triển, hướng phát triển của các khu chức năng; định hướng và nguyên tắc phát triển đối với các khu vực chức năng; tổ chức hệ thống trung tâm phù hợp với phát triển của khu công nghiêp và khu đô thị - dịch vụ; xác định các khu vực kiến trúc, cảnh quan, các trục không gian chính, khu vực cần bảo tồn có giá trị về cảnh quan, công trình điểm nhấn.
Đề xuất, minh họa hình ảnh không gian chính cho khu chức năng, giải pháp tổ chức không gian các khu vực trọng điểm và quy định kiểm soát về kiến trúc, cảnh quan các khu vực.
Về định hướng hạ tầng kỹ thuật: Phải phân lưu vực tiêu thoát nước chính; hướng thoát nước; vị trí, quy mô các công trình tiêu thoát nước; xác định cốt xây dựng cho toàn khu và từng phân khu chức năng phải tuân thủ mục 2.8 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD và các quy định pháp luật có liên quan.
Xác định mạng lưới giao thông đối ngoại, giao thông đối nội; vị trí và quy mô các công trình đầu mối giao thông; tổ chức hệ thống giao thông công cộng và hệ thống bến, bãi đỗ xe; xác định chỉ giới đường đỏ các trục chính và hệ thống hào, tuynel kỹ thuật.
Tính toán nhu cầu và xác định nguồn cung cấp nước, năng lượng (điện, khí đốt); dự báo tổng lượng nước thải, chất thải rắn; xác định vị trí, quy mô công trình đầu mối và mạng lưới truyền tải, phân phối chính của hệ thống cấp nước, năng lượng và chiếu sáng, hạ tầng viễn thông thụ động, thoát nước và công trình xử lý nước thải; xác định vị trí, quy mô cơ sở xử lý chất thải rắn và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Khi quy hoạch phải tính toán hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, triển khai đồng bộ và kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển khu công nghiệp với quy hoạch phát triển đô thị - dịch vụ, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao phục vụ công nhân làm việc trong khu công nghiệp. Quy hoạch phải đảm bảo phạm vi, khu vực bảo vệ đối với các công trình di tích, lịch sử văn hóa (nếu có) theo quy định.