Thái Nguyên: Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Theo đó, tỉnh Thái Nguyên xác định rõ vai trò và trách nhiệm của người dân, các tổ chức chính trị xã hội, chủ thể sản xuất, kinh doanh, cộng đồng dân cư cấp thôn, bản và chính quyền địa phương các cấp thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế chính sách, các biện pháp giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; phát huy vai trò kiểm tra giám sát của HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Các nội dung thuộc Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn được tỉnh Thái Nguyên triển khai cụ thể từ tháng 3/2023 gồm:
Về cấp nước sạch nông thôn: Đánh giá hiện trạng các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bản tỉnh; xây dựng kế hoạch chi tiết vả lộ trình cụ thể để nâng cấp, cải tạo, mở rộng đối với các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn. Xây dựng và ban hành quy định quy trình quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước sau đầu tư, trong đó phân cấp quản lý và nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, đảm bảo khai thác tối đa hiệu quả hoạt động của các công trình.
Đặc biệt, tập trung nguồn lực thực hiện các dự án cấp nước nước sinh hoạt tập trung nông thôn giai đoạn 2022- 2025 theo Nghị quyết 21/NQ-HĐND ngày 16/6/2022 của HĐND tỉnh.
Về chất thải rắn sinh hoạt: Thái Nguyên sẽ xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện đề án kế hoạch cấp huyện về tổ chức thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phù hợp với đặc thù của địa phương, đảm bảo thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Đầu tư phương tiện, trang thiết bị phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển, thiết kế cung tuyến vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo thu gom triệt để chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn các huyện, thành phố.
Đánh giá hiện trạng xử lý chất thải rắn thải sinh hoạt tại các khu vực xử lý chất thải tập trung trên địa bàn các huyện, thành phố; xem xét, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và hạn chế dần việc chôn lập trực tiếp.
Nghiên cứu, quy hoạch khu xử lý chất thải sinh hoạt tập trung liên vùng cấp tỉnh để để ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, thu hồi năng lượng, tài nguyên từ chất thải; thiết kế mạng lưới vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt liên huyện để đảm bảo đáp ứng nguyên liệu cho khu xử lý.
Xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh; rà soát, thống kê, đánh giá tình trạng hoạt động, hiệu quả hoạt động và hiệu quả xử lý nước thải, khí thải của các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt đã được đầu tư; xây dựng kế hoạch, sớm dỡ bỏ, thay thế, di dời hoặc cải tạo nâng cấp các lò đốt không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Thí điểm xây dựng, triển khai và hoàn thiện 1đến 2 mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ chất thải quy mô cấp xã….
Về nước thải sinh hoạt: Rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện và xử lý nước thải sinh hoạt của các xã trên địa bàn tỉnh. Triển khai số mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn áp dụng công nghệ sinh thái, chi phí thấp; mô hình thu phí xử lý nước thải sinh hoạt ở khu dân cư nông thôn.
Về bao gói thuốc bảo vệ thực vật: Đầu tư trang thiết bị, dụng cụ phương tiện chuyên dụng để thu gom, lưu trữ trước khi vận chuyển di xử lý để không gây ảnh hưởng đến môi trường. Xây dựng các mô hình quản lý, thu gom, xử lý vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng ở địa phương theo quy định.
Về bảo vệ môi trường làng nghề: Hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn phù hợp đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường với từng làng nghề, tập trung vào các làng nghề thuộc nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và sản xuất đồ gỗ, mỹ nghệ. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng mô hình khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm.
Về cảnh quan môi trường nông thôn: Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện đề án cấp huyện về cải tạo chất lượng và cảnh quan môi trường nước mặt khu vực công cộng; tổ chức theo dõi diễn biến chất lượng nước ao, hồ công cộng nằm trong khu dân cư nông thôn; cải tạo cảnh quan và khôi phục chất lượng môi trường nước khi bị ô nhiễm.
Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình cải tạo cảnh quan theo hướng đa chức năng; tăng cường trồng cây xanh tại các khu vực công cộng, tuyến đường giao thông; gắn xây dựng cảnh quan với phát triển du lịch nông thôn và xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở.
Về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản: Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp cơ được phê duyệt tại các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát của cộng đồng về an toàn thực phẩm; xây dựng một số mô hình mẫu tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực về tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm cho chủ thể sản xuất; xây dựng các mô hình chợ đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công tác vệ sinh: Từng bước xóa bỏ nhà tiêu không hợp vệ sinh, chấm dứt đi vệ sinh ngoài trời, chú trọng vệ sinh an toàn cho phụ nữ và các đối tượng dễ bị tổn thương, tiếp cận vệ sinh cho người khuyết tật; huy động, vận động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ngoài ra Thái Nguyên cũng sẽ hoàn thiện, phổ biến và nhân rộng các mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh đơn giản, phù hợp tập quán địa phương và khả năng chi trả của người dân; áp dụng thí điểm mô hình nhà vệ sinh đa năng tại một số trường học, nhà văn hóa, công sở…