Thái Nguyên: Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu buông lỏng trong quản lý, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, UBND tỉnh, cho thấy công tác phòng, chống các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại Thái Nguyên tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực thi công vụ; góp phần răn đe, cảnh báo, phòng ngừa, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021, điểm đánh giá và thứ hạng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên có nhiều chuyển biến hiệu quả, tích cực (đạt 71,47 điểm, tăng 2,63 điểm so với năm 2020, đứng thứ 6 về điểm số trên toàn quốc).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên còn tồn tại, hạn chế như: Việc tự phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu; việc phát hiện vụ việc tham nhũng tiêu cực qua hoạt động của thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính Nhà nước chưa phát huy được hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng chưa tạo được sự chuyển rõ nét về nhận thức và hành động của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân về phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ năm 2021 được đánh giá về điểm số và thứ hạng có nhiều chuyển biến tích cực song song vẫn còn tiêu chí đạt hiệu quả chưa cao.
Để phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tiếp tục giữ vững và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh…: Tăng cường công tác tuyên truyền có hiệu quả các nội dung liên quan đến chỉ đạo về thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời tham mưu cấp thẩm quyền ban hành các văn bản, chính sách phù hợp, phát hiện những sơ hở bất cập về cơ chế, chính sách để kịp thời hoàn thiện… Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Thực hiện kiểm tra, rà soát xung đột lợi ích ngay tại các cơ quan, đơn vị và trong quá trình thực hiện công vụ. Chủ động đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết tố cáo, tự kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm đến đâu phải xử lý đến đó, không để quá thời hiệu xử lý hành chính dẫn đến xử lý khó khăn, phức tạp, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu do buông lỏng trong quản lý, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý, phụ trách; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đặc biệt là tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Thủ trưởng các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng, triển khai các nội dung để phòng ngừa tham nhũng: Văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng (quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh); quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ; việc thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch, kiểm soát xung đột lợi ích; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh: Thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh và chịu trách nhiệm về những hạn chế, thiếu sót liên quan đến thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực hoạt động do cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả đánh giá công tác này những năm tiếp theo.
Theo báo cáo của tỉnh Thái Nguyên, đến cuối năm 2022, Thái Nguyên chưa phát hiện các trường hợp có liên quan đến hành vi tham nhũng qua giải quyết đơn thư, phản ánh, tố cáo. Qua công tác điều tra, tỉnh Thái Nguyên thụ lý 17 vụ/21 bị can (gồm số cũ 01 vụ/ 01 bị can, mới khởi tố 16 vụ/ 20 bị can); đề nghị truy tố 10 vụ/10 bị can; chuyển Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng theo thẩm quyền 01 vụ 01 bị can. Viện Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên thực hiện thụ lý 14 vụ/16 bị can. Đã truy tố 11 vụ/13 bị can.
Các vụ việc còn đang tiếp tục điều tra gồm: Vụ Phan Mạnh Cường (nguyên Bí thư Thành ủy Thái Nguyên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên) cùng đồng phạm về tội "lạm quyền trong thi hành công vụ"; vụ Triệu Hữu Thuận (cán bộ UBND xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai) và Hà Tiến Thanh (công chức địa chính xã) về tội “lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ"; vụ Hoàng Văn Dũng (hộ khẩu tại xã Tam Di, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) “tham ô tài sản”; vụ Phạm Thị Huệ (Cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thái Nguyên), Lã Thị Hải Yến (Cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Thái Nguyên) về tội “nhận hối lộ”; vụ Dương Văn Tuấn (nhân viên giao hàng Bưu cục Đồng Tiến, Phổ Yên) về tội “tham ô tài sản"; vụ Dương Văn Lộc (Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước và xây dựng hạ tầng đô thị Thái Nguyên) và Phạm Thủy Biên (kế toán của Công ty) về tội “tham ô tài sản”.