1. Trang chủ /
  2. Thảm họa tai nạn giao thông là một thứ “nhân tai”

Thảm họa tai nạn giao thông là một thứ “nhân tai”

chủ nhật, 27/8/2023 18:38 GMT+07
Đã đến lúc, mỗi người chúng ta cần nhận thức sâu sắc về thảm họa tai nạn giao thông, không còn dừng lại ở những rủi ro thông thường mà phải xem nó là một thứ “nhân tai” – đây là lời kêu gọi của ông Hồ Hoàn Tất – Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau tại buổi Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2023.

Xây dựng văn hóa ứng xử vì cuộc sống an toàn

Phát biểu buổi Đại lễ các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2023, ông Hồ Hoàn Tất - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, nhận định: “Thiệt hại nhân mạng là không có gì bù đắp được, những di chứng thương đau của tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của mỗi người trong gia đình, bạn bè và người bị tai nạn. Phía sau tai nạn giao thông là hàng nghìn tổ ấm gia đình bị tổn thương, với hàng chục ngàn em nhỏ mất đi cha mẹ, hàng nghìn bậc phụ lão mất đi nơi nương tựa cho những năm tháng cuối đời”.

Các đại biểu mặc niệm cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2023 được diễn ra tại chùa Kim Sơn (khóm 8, phường 6, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau).

“Hãy hiểu rõ tôn trọng pháp luật về trật tự ATGT là giữ gìn sinh mạng của mình và của mọi người. Hãy bỏ qua những lỗi lầm không đáng khi va chạm giao thông. Hãy hít thở thật sâu và tiếp tục tĩnh tâm, kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình khi tham gia giao thông vào những thời điểm quá đông người. Chúng ta phải thật sự tĩnh tâm, không nôn nóng, vội vã, phải thấy rõ mạng sống có giá trị tuyệt đối không có gì so sánh nổi. Phải nhường đường cho nhau một cách vui vẻ và thân thiện, nên chậm rãi và thong thả trên con đường về nhà với gia đình” - ông Hồ Hoàn Tất chia sẻ.

Lễ tưởng niệm cầu siêu các nạn nhân là kêu gọi, cảnh tỉnh mỗi người phải cùng nhau ra sức xây dựng văn hóa ứng xử vì môi trường sống an toàn, không có tai nạn giao thông. Nếu tiếp tục sa đà theo bản năng tốc độ mù quáng, coi thường mạng sống của chính mình và người khác thì con người đã tự đánh mất nhân tính. Đồng thời, qua những nẻo đường, qua những dòng sông, mỗi chúng ta hãy mang hạnh phúc, niềm vui sống đến với nhau.

Chấp hành pháp luật giao thông để không còn cảnh con mất cha, mẹ mất con...

Tại buổi lễ, Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau kêu gọi các cơ quan, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân hãy cùng nhận thức rõ và tự giác hành động, tự giác chấp hành pháp luật giao thông để xã hội chúng ta không còn cảnh con mất cha, mất mẹ; cha mẹ mất đi những người con yêu quý; gia đình mất đi những người thân yêu nhất của mình. Đồng thời, tất cả chúng ta, với tấm lòng của mình hãy cùng chia sẻ sự mất mát của các nạn nhân và gia đình các nạn nhân bị tai nạn giao thông.

Người thân của nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông thả đèn cầu nguyện cho hương linh của những người tử nạn.

Một phút cúi mình tưởng nhớ, một nén hương thành khẩn cầu siêu, một ngọn nến thắp lên ánh sáng đối với với những người đã mất, mỗi chúng ta hứa tuyệt đối chấp hành đúng luật định, luôn nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông. Hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống.

Chị Huỳnh Như Thúy (ngụ ở ấp Biện Trượng, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) là người có thân nhân bị tai nạn giao thông xúc động chia sẻ: “Chồng và con trai mất vì tai nạn giao thông, trước mất mát đó nỗi đau nhân lên gấp bội, đau xót dữ lắm. Tai nạn không ai muốn, nhưng rủi ro thì bất ngờ, riêng tôi cũng mong sau này nhắc nhở bà con là có thể tham gia giao thông an toàn hơn. Buỗi lễ tri ân tưởng nhớ đến những người bị tai nạn, tôi rất là đồng tình ủng hộ, có thể duy trì hàng năm cũng rất tốt”.

Ni sư Thích nữ Diệu Chánh - Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Với ý nghĩa thiết thực là gia đình nạn nhân mất người thân, rất là đau buồn nên mình tổ chức lễ cầu siêu. Thứ nhất, là để cầu nguyện cho vong linh được siêu thoát. Thứ hai, là an ủi cho gia đình có người thân mất vì tai nạn giao thông được nhà nước, tôn giáo nhất là phật giáo tổ chức lễ cầu siêu cho hương linh. Đây là niềm an ủi lớn lao cho những gia đình nạn nhân, chắc chắn là những hương linh cảm thấy được an ủi khi được mọi người quan tâm làm cho nhẹ nhàng siêu thoát”.

Đại đức Thích Trí Huệ - Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Câu lạc bộ Nữ Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau tặng tượng trưng 03 căn nhà tình thương cho gia đình nạn nhân tai nạn giao thông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Nhân dịp này, Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau vận động Đại đức Thích Trí Huệ - Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau và Câu lạc bộ Nữ Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau tặng tượng trưng 03 căn nhà tình thương để đơn vị trao cho gia đình nạn nhân tai nạn giao thông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá 150 triệu đồng.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, cả nước có 3.428 người chết và 4.117 người bị thương do tai nạn giao thông. Riêng tỉnh Cà Mau có 06 người chết và 12 người bị thương do tai nạn giao thông. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do hành vi tham gia giao thông không an toàn như: điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia, đi sai làn đường, chạy quá tốc độ, vượt không quan sát, mua bán lấn chiếm lòng đường…