Thăm đôi vợ chồng làm ra những chiếc lồng bàn thủ công có giá 30 triệu đồng/chiếc
Nghề "cha truyền con nối"
Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 25km, làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nổi tiếng với nghề truyền thống mây tre đan có lịch sử hơn 400 năm. Các bậc cao niên trong làng cho biết, sản phẩm mây tre đan thời xưa nổi tiếng có tác phẩm thư pháp bằng chữ Hán hiện đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.
Đến thời nay, nhiều hộ gia đình tại làng Phú Vinh vẫn còn giữ nghề mây tre đan, làm ra các sản phẩm như rổ, rá, đó... và có thể đan theo yêu cầu của khách hàng. Trong đó, gia đình nhà ông Trần Văn Khá và bà Nguyễn Thị Tiến nổi tiếng với sản phẩm lồng bàn "màn tuyn" do họ tự sáng tạo ra từ năm 2003.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Trần Văn Khá (76 tuổi) cho biết: "Nghề mây tre đan ở làng Phú Vinh vốn là nghề thủ công truyền thống. Từ thời các cụ đã làm nghề này, đến đời tôi là đời thứ tư, thứ năm. Sau khi đi bộ đội về vào năm 1969, tôi lập gia đình và bắt đầu chuyển sang làm mây tre đan cùng vợ là bà Phạm Thị Tiến (73 tuổi). Vợ tôi làm nghề này từ năm 6 tuổi, sản phẩm bà làm ra được công nhận là đẹp nhất vùng nên thường được đặt làm hàng mẫu. Thậm chí, vì đan quá nhanh nên vợ tôi còn được công nhận là người đan nhanh nhất vùng, đan nhanh gấp 2, gấp 3 so với người bình thường".
"Cũng nhờ có nghề mây tre đan mà cuộc sống gia đình tôi không thiếu thốn, đủ kinh tế để nuôi 5 người con ăn học, lo nghề nghiệp cho các con... Đặc biệt, khi con cháu đã có cuộc sống ổn định thì vợ chồng tôi nghĩ phải làm sao cho ra một sản phẩm để rạng danh nghề truyền thống của cha ông để lại. Sau thời gian dài suy nghĩ, vợ chồng tôi quyết chọn chiếc lồng bàn - sản phẩm quá đỗi quen thuộc và gắn bó với cuộc sống hàng ngày của người dân Bắc Bộ. Vào một tối năm 2003, vợ chồng tôi có nói chuyện về ý định đi học kinh nghiệm đan lồng bàn. Tuy nhiên, bà bảo không phải học ở đâu, cứ nói ý tưởng là bà ấy sẽ thực hiện được", ông Khá tâm sự.
Từ đó, ông Khá và vợ bắt đầu làm ra những chiếc lồng bàn thủ công vô cùng độc đáo để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng.
Nói về nguyên vật liệu để đan lồng bàn, ông Khá cho biết: "Tôi phải lên chợ Lụa ở Thạch Thất (Hà Tây) để mua những thanh Mây, mỗi lần đi mua thường mua khoảng 40kg rồi sau đó lọc ra chỉ chọn khoảng 8kg Mây đạt tiêu chuẩn, số còn lại thừa thì đem đi bán".
Để tạo ra một chiếc lồng bàn bằng Mây đẹp, đạt tiêu chuẩn thì cần trải qua nhiều quy trình khác nhau. Đầu tiên là khâu chọn Mây đẹp thì phải óng giai, đều mà phải trên bánh trẻ. Khi ổn định thì bắt đầu ngồi lóc Mây, lóc những cái mấu cho nhẵn, sau đó người thợ bắt đầu chẻ. Khi chẻ Mây xong thì đem đi sấy cho khô, kiểm tra thấy trắng rồi phơi (không được phơi lâu sẽ bị biến màu sang ố đỏ) - kiểm tra thấy được là để xuống đất thì Mây tự nhiên hồi lại, khi nào làm bắt đầu đưa ra xử lý rồi đan dần. "Thời gian đầu thử nghiệm cứ chốc chốc bà Tiến lại bảo sợi nan Mây chưa được rồi yêu cầu tôi chuốt lại sợi cho nhỏ hơn, mỏng và mịn hơn", ông Khá kể lại.
Trong khi đó, những chiếc lồng bàn truyền thống được đan từ những chiếc nan to, trông rất chắc chắn và tương đối đẹp. Tuy nhiên, bà Tiến làm cuộc cách mạng thay đổi hoàn toàn khi tạo ra những chiếc lồng bàn đẹp mà sợi nan Mây nhỏ như sợi tơ nhện được kết vào nhau. Những chiếc đầu tiên họ đan 300 sợi nan dọc (công), về sau cải tiến cho sợi nhỏ như tơ, lên đến con số 1.200 công. Thời gian làm chiếc núm mất 3 ngày, làm mâm mất 7 ngày và thêm 7 ngày đan khung. Nếu tập trung, trong một tháng cặp vợ chồng làm được hai chiếc.
Ông Khá tiết lộ, từ năm 2003 thì lúc nào cũng rất thịnh, thậm chí khách đến đặt hàng còn không có thời gian để đan, phải 5-6 tháng mới đến lượt, vì rất nhiều đơn đặt hàng và phải đan theo đơn để trả hàng cho khách.
"Sản phẩm lồng bàn đầu tiên vào năm đó thu hút rất nhiều người, thậm chí nhiều khách hàng và người dân khi thấy đều tỏ ra thích thú. Và giá 1 chiếc lồng bàn thời điểm đó chỉ khoảng 6 triệu đồng. Dần dần, nhiều người biết đến và truyền tai nhau, thậm chí có nhiều doanh nghiệp cũng tìm đến để đặt hàng", ông Khá nói.
'Giá trị sản phẩm tạo nên thương hiệu'
Tận tâm với nghề và luôn cho ra những sản phẩm tốt đạt chất lượng cao. Nhiều du khách trong nước và quốc tế, doanh nghiệp đã tìm đến tận nơi để đặt hàng. Bà Tiến chia sẻ, từ 2012 đến 2014, ông bà được mời ra nước ngoài giao lưu, biểu diễn tay nghề mây tre đan. Tại một hội chợ ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), mỗi khi cặp vợ chồng Việt "chuốt sợi như kéo đàn, đan nan mà như múa", người xung quanh bỏ hết công việc, túm lại xem.
"Thời điểm đó, một vị lãnh đạo trong chính quyền Chiết Giang, Trung Quốc đã mua lồng bàn của vợ chồng tôi. Vị này đã bày tỏ sự trân trọng bằng việc tặng cho vợ chồng tôi cặp dây chuyền bằng Ngọc Trai", bà Tiến nhớ lại.
Còn ở Việt Nam, gần đây nhất thì vào năm 2020 tại một cuộc thi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Sản phẩm lồng bàn được đan bằng Mây do ông Khá, bà Tiến làm đã giành giải Nhất Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Lần đó ban tổ chức cân chiếc lồng bàn đoạt giải có trọng lượng 290 gram.
Vinh dự khi được giải cao nhất tại Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 như một bước đệm khích lệ tinh thần với hai ông bà Khá Tiến. Đơn đặt hàng hàng thời điểm đó cũng nhiều hơn và được nhiều người trong nước, quốc tế biết đến. Vì vậy, giá trị mỗi chiếc lồng bàn do vợ chồng ông Khá bà Tiến làm ra ở hiện tại có mới giá thành 30 triệu đồng/chiếc. Những chiếc lồng bàn được tạo ra bởi đôi tay tài hoa của những người dân làng nghề truyền thống Phú Vinh không chỉ mang giá trị cao về kinh tế mà còn thể hiện tình yêu quê hương, tình yêu đất nước, hướng về cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Hiện tại, dù nghề mây tre đan này vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển nhưng trong gia đình ông Khá, các con ông lại không có ai theo nghề. Có lẽ, do xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa buộc thế hệ tương lai phải thích nghi với nhiều ngành nghề mới, để tạo ra nhiều của cải vật chất lo cho cuộc sống gia đình.
Tuy vậy, đây cũng không phải nỗi buồn của hai ông bà, ông Khá nhớ lại: "Từ năm 2013 thì các con tôi đều có ý tưởng chuyển đổi sang làm các nghề khác để làm kinh tế. Bởi học nghề này không phải là học 1, 2 năm đã thành thạo nghề, cứng nghề và có thể kiếm ăn. Thậm chí còn phải học cả đời và yêu nghề thì mới có thể sống được với nghề".
Hiện tại dù thị trường vẫn có nhu cầu, nhưng các con cháu ông Khá, bà Tiến muốn bố mẹ nghỉ ngơi nên thi thoảng ông bà mới nhận làm. Ông Khá cho biết: "Từ đầu năm tới nay tôi và bà Tiến đã đan được hai chiếc, trong đó một chiếc cho vị khách người Thái Lan và một chiếc cho người hàng xóm đi làm quà biếu. Thi thoảng vợ chồng tôi lại nghiên cứu mẫu mã mới để sản phẩm làm ra được sinh động, hấp dẫn hơn".