Thanh Hóa: Ai cho phép xây dựng xưởng may tạm ở xã Quảng Giao trên đất cây xăng?
Theo phản ánh của người dân xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua tại thôn 4, xã Quảng Giao tồn tại một xưởng sản xuất giày da, trong đó có một phần đất lấn chiếm diện tích đất nông nghiệp nhưng không bị chính quyền từ huyện đến tỉnh kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, tại khu đất này xưởng sản xuất đang hoạt động là nhà máy giày da, có trưng biển quảng cáo là Công ty TNHH Giày Hông Hi Việt Nam. Công ty luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài, trừ buổi sáng công nhân đến đi làm và chiều về thì mở cửa. Chính quyền địa phương khi tiến hành kiểm tra thì đơn vị này không xuất trình được giấy phép xây dựng các hạng mục công trình, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy… theo quy định của pháp luật.
“Nhà máy này đã đi vào hoạt động một thời gian dài, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất nông nghiệp nhưng không hiểu sao vẫn ngang nhiên hoạt động mà không hề bị phát hiện, xử lý”, một người dân xã Quảng Giao cho biết.
Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Duy Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Giao xác nhận: Mới đây, thực hiện Kế hoạch kiểm tra số 72/UBND-CA ngày 4/8/2022 của Chủ tịch UBND xã về việc kiểm tra các thủ tục, giấy tờ kinh doanh của 2 doanh nghiệp trên địa bàn thôn 4, xã Quảng Giao.
Thứ nhất, đối với Công ty TNHH Thương mại may mặc SunShine, do ông Lê Bá Minh, thôn Phú Quý, xã Quảng Tâm, TP Thanh Hóa làm Giám đốc. Qua kiểm tra, ông Minh xuất trình được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xưởng sản xuất may mặc SunShine tại xã Quảng Giao do Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 8/11/2019; hợp đồng thuê đất ngày 9/3/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) với diện tích hơn 9.000m2 do ông Phùng Đình Ảnh, Phó Giám đốc Sở ký; biên bản bàn giao đất trên thực địa ngày 15/4/2022 giữa các bên là Sở TNMT và Phòng TNMT huyện Quảng Xương, UBND xã Quảng Giao và Công ty TNHH Thương mại may mặc SunShine; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Kiểm tra thực tế cho thấy, Công ty TNHH Thương mại may mặc SunShine không làm xưởng may tại vị trí đất đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, mà xưởng may được xây dựng tại vị trí khác. Cụ thể, xưởng may được xây dựng tại vị trí đất thuê lại của gia đình ông Trần Hữu Giao thuộc thôn 4, xã Quảng Giao.
Hiện tại, khu đất gia đình ông Giao đang sử dụng làm cây xăng, phần thừa còn lại ông Giao cho Công ty TNHH Thương mại may mặc SunShine thuê làm xưởng may. Tuy nhiên, khi ông Minh xây dựng nhà xưởng đã lấn chiếm trái phép qua đất nông nghiệp thuộc thôn 4, xã Quảng Giao.
Thứ hai, Công ty TNHH Giày Hông Hi Việt Nam, có địa chỉ ở thôn 4, xã Quảng Giao, do bà Đỗ Thị Ngà, trú tại xã Lương Điền, huyện Bá Thước làm Giám đốc. Qua kiểm tra, đơn vị xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH một thành viên trở lên; hợp đồng thuê nhà xưởng.
Ngoài các loại giấy tờ trên, công ty này không xuất trình được loại giấy tờ nào khác như giấy phép xây dựng, quyết định chủ trương đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ phòng cháy chữa cháy đối với nhà máy sản xuất giày da.
Văn bản kiểm tra của UBND xã Quảng Giao khẳng định: “Năm 2019, UBND xã Quảng Giao đồng ý cho Công ty TNHH Thương mại may mặc SunShine đầu tư Nhà máy May mặc xuất khẩu tại thôn 4, xã Quảng Giao. Quá trình chờ phê duyệt, đơn vị này đã thuê lại đất của gia đình ông Trần Hữu Giao để làm cơ sở sản xuất tạm. Đến năm 2022, đơn vị này tiến hành làm nhà xưởng trên diện tích đất đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư. Khi xây dựng xong, đơn vị này không sử dụng mà cho Công ty TNHH Giày Hông Hi Việt Nam thuê lại với thời hạn 20 năm để hoạt động lĩnh vực giày da. Hiện đơn vị này đã tuyển lao động và đưa vào hoạt động. Quá trình xây dựng, Công ty TNHH Thương mại may mặc SunShine lấn một phần diện tích nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp”.
Như vậy, trên địa bàn xã Quảng Giao hiện đang tồn tại một xưởng may tạm xây dựng trái phép trên đất cây xăng của gia đình ông Trần Hữu Giao. Ai cho phép làm xưởng may tạm này? Một xưởng sản xuất giày da nằm trên đất được tỉnh chấp thuận chủ trương, cho thuê làm may mặc, nhưng khi xây dựng xong lại cho đơn vị khác thuê lại sản xuất giày da. Việc chấp thuận cho thuê đất làm may mặc nhưng lại làm giày da có đúng quy định của pháp luật? Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần sớm kiểm tra quy trình, thủ tục của 2 xưởng sản xuất may mặc và giày da này để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra qua điện thoại, ông Chu Đức Khương, Trưởng phòng TNMT huyện Quảng Xương cho hay: “Chúng tôi sẽ yêu cầu xã Quảng Giao báo cáo cụ thể lại sự việc, đồng thời sẽ cho kiểm tra thực tế để có hướng giải quyết”.
Trong khi đó, theo thông tin phóng viên nắm được, UBND huyện Quảng Xương đã làm việc và yêu cầu xã Quảng Giao báo cáo cụ thể từ trước đó.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.