Thanh Hóa: Cần làm rõ việc sử dụng nguồn vốn xã hội hóa 30 tỷ đồng tại Dự án tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh
Ngoài ra, 2 Gói thầu thuộc dự án bị tố dù đã được Chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu bằng nguồn vốn Ngân sách, tuy nhiên nhà thầu vẫn được trao thêm nguồn vốn xã hội hóa 30 tỷ để mua vật tư vật liệu cho các gói thầu, có dấu hiệu mập mờ thanh toán 2 lần cho một hạng mục công việc?
Tiền tài trợ chuyển trực tiếp cho đơn vị thi công?
Báo Nhà báo & Công luận số 29 đăng bài viết “Dự án tôn tạo khu Di tích Phủ Trịnh 8 năm chưa thực hiện xong bước chủ trương đầu tư?”. Trong đó có đề cập đến nghi vấn không minh bạch việc quản lý, sử dụng nguồn tiền xã hội hóa 30 tỷ của của một cá nhân cung tiến.
Theo phản ánh và tài liệu phóng viên có được, ngày 25/11/2022 Công ty TNHH Tu bổ di tích & xây dựng công trình văn hóa Thanh Hóa do ông Hoàng Tuấn Liêm là Giám đốc (Công ty Thanh Hóa) có Văn bản số 44 gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa (Sở VHTT&DL) về việc báo cáo tình hình tạm ứng vốn đầu tư dự án.
Trong đó nêu rõ, tháng 8/2017, sau cuộc gặp làm việc trực tiếp giữa nhà tài trợ, chủ đầu tư, đơn vị thi công và đi thực tế kiểm tra công việc thi công các hạng mục đã và đang triển khai tại công trường, nhà xưởng, nhà tài trợ đã đề nghị được chuyển trực tiếp số tiền tài trợ vào tài khoản của nhà thầu Công ty Thanh Hóa để thanh toán tiền mua vật tư, vật liệu, khối lượng thi công xây dựng công trình.
Để có cơ sở chuyển tiền thì Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hoá cùng nhà thầu thi công là Công ty Thanh Hoá đã đề nghị ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC tài trợ 70 tỷ để thực hiện dự án này.
Tiếp đến, ngày 1/9/2017 Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản số 2374 gửi đến nhà tài trợ là ông Trịnh Văn Quyết, đề nghị chuyển trực tiếp cho đơn vị thi công: “Số tiền tài trợ đề nghị chuyển trực tiếp cho đơn vị thi công như sau: Công ty TNHH TBDT và XDCT Văn hóa Thanh Hóa. Tài khoản số: 00068136789 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam - chi nhánh Thanh Hóa”.
Cũng tại văn bản Công ty Thanh Hóa gửi Sở VHTT&DL cho thấy, sau đó nhà tài trợ đã 2 lần chuyển số tiền tài trợ, cung tiến là 30 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Thanh Hóa.
Sau khi nhận được số tiền xã hội hóa từ nhà tài trợ, đơn vị thi công đã khẩn trương thanh toán kinh phí mua sắm vật tư, vật liệu đặc thù và khối lượng thi công một số hạng mục công trình gỗ như: Nhà Hậu Phủ Từ, nhà Bia và san lấp mặt bằng, nhà bao che, nhà bảo quản hiện vật,... với giá trị khối lượng đã thi công ước tính vượt trên số tiền tài trợ 30 tỷ đồng.
Đến đây dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về việc số tiền xã hội hóa của nhà tài trợ tại sao không chuyển khoản cho Chủ Đầu tư là Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa mà lại qua Công ty Thanh Hóa? Việc chuyển khoản này có đúng về mặt pháp lý và thủ tục xã hội hóa do tỉnh Thanh Hóa huy động hay không?
Hơn nữa, việc Công ty Thanh Hóa giải trình đã mua hết vật tư, vật liệu…vượt quá 30 tỷ đồng được tài trợ có đủ giấy tờ để hợp thức hóa và đã báo cáo chi tiết các khoản chi cho Chủ Đầu tư là Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa chưa?
“Công ty Thanh Hóa đã trả lời là mua vật tư, vật liệu, nhưng không rõ ở hạng mục nào, điều này khiến cho dòng họ Trịnh Cổ Bi, Tây Nam Hà Nội và người dân nhầm tưởng là Công ty và Sở VHTT&DL đã dùng số tiền công đức của nhà tài trợ để mua vật tư, vật liệu cho các hạng mục đang xây dựng bỏ dở là Hậu điện, một phần nhà Tả mạc, Hữu mạc, một phần Nghi môn và móng nhà Tiền điện” - người phản ánh cho biết.
Cần làm rõ các khoản thanh toán, tạm ứng tại 2 gói thầu
Cũng theo phản ánh, ngày 31/3/2023 Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 1482/SVHTTDL-KHTC về lập hồ sơ điều chỉnh Dự án tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh.
Trong đó nêu rõ, trước thời điểm điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Sở VHTT&DL đã ký Hợp đồng với Công ty TNHH Tu bổ di tích và xây dựng công trình văn hóa Thanh Hóa để triển khai thực hiện 02 gói thầu, gồm: Hợp đồng số 05/2016/HĐXD ngày 8/9/2016 thực hiện gói thầu số 05 “Thi công xây dựng hạng mục công trình Phủ Từ (bao gồm cả chế tác, lắp đặt nội thất); Cổng Phủ Từ, Tả mạc, Hữu mạc; nhà bao che và cung cấp, lắp đặt thiết bị”; Hợp đồng số 104/2017/HĐXD ngày 25/11/2017 thực hiện gói thầu số 06 “Thi công xây dựng hạng mục công trình nhà đón tiếp, quảng bá lễ hội (bao gồm cả chế tác, lắp đặt nội thất), nhà bia, cổng sang khu trưng bày; nhà dịch vụ, nhà hóa vàng, nhà trông xe và nhà vệ sinh, hồ nước và bể non bộ; tường thành, tường rào khu đón tiếp, cây xanh, sân đường khu tổ chức lễ hội và khu vực đón tiếp, quảng bá lễ hội; sân trong khu di tích; hạ tầng kỹ thuật”.
Trong đó, từ nguồn vốn Ngân sách tỉnh đã thanh toán khối lượng hoàn thành theo Hợp đồng thi công gói thầu số 05 là 19.885.198 triệu đồng. Tạm ứng cho nhà thầu thực hiện Hợp đồng thi công gói thầu số 06 là 6.363.566 triệu đồng (đã được nhà thầu sử dụng kinh phí tạm ứng để mua sắm vật tư, vật liệu đặc thù phục vụ thi công theo nội dung nhà thầu thi công báo cáo).
Đặc biệt, Công ty Thanh Hóa cũng đã sử dụng nguồn vốn xã hội hóa 30 tỷ đồng được ông Trịnh Văn Quyết tài trợ chuyển tiền 2 lần vào số tài khoản của Công ty để thi công công trình từ năm 2017.
Từ đây, dư luận đặt câu hỏi, gói thầu thuộc dự án vì sao đã được Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hoá thanh toán cho nhà thầu bằng nguồn vốn Ngân sách. Tuy nhiên nhà thầu vẫn được trao thêm nguồn vốn xã hội hóa 30 tỷ đồng để mua vật tư vật liệu cho các gói thầu, có hay không dấu hiệu mập mờ thanh toán 2 lần cho một hạng mục công trình?
Trong khi đó, theo phản ánh tại dự án mới chỉ có tất cả 5 hạng mục xây dựng và bỏ dở. Như vậy, nhà Hậu điện đã hoàn thành, nhưng nhà thầu thi công bị phản ánh đã tự ý thi công sai thiết kế được duyệt như thay tường xây gạch vồ thời Lê thành vách gỗ; Nền Hậu điện theo thiết kế được phê duyệt từ nhà có 1 bậc so với nền sân ở phía trước thì đơn vị thi công lại thi công thành 8 bậc.
Nhà Tả mạc cũng bị phản ánh thi công có dấu hiệu sai thiết kế được duyệt khi nhà 5 gian, lại thi công thành 7 gian, hiện trạng hiện nay vẫn đang dang dở.
Còn nhà Hữu mạc cũng bị phản ánh đơn vị thi công mới làm xong hạng mục phần móng nhà nhưng lại được Sở VHTT&DL nghiêm thu thanh toán cho toàn bộ hạng mục công trình này.
Nhà Nghi môn cũng bị phản ánh thi công sai thiết kế và bị bỏ dở. Trong khi Nhà Tiền điện, theo hồ sơ thiết kế đã được Bộ VHTT&DL thỏa thuận, Sở XD tỉnh Thanh Hóa thẩm định, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, thì hạng mục nhà Tiền điện của Phủ chúa Trịnh được tôn trọng giữ lại kiến trúc hình chữ Nhất gồm 7 gian nhà bằng gỗ là kiến trúc gốc duy nhất của Phủ chúa Trịnh.
Nhưng hiện tại hạng mục gốc này đã bị tháo dỡ bỏ đi và nhà thầu thi công bị phản ánh “tự tiện” xây cái móng nhà Tiền điện to cao và xây không đúng với vị trí gốc của nhà Tiền điện ban đầu, không theo thiết kế đã được phê duyệt tại quyết định số 2427/QĐ-UBND năm 2016?
Trước đó, liên quan đến số tiền 30 tỷ đồng tiền xã hội hóa, thông tin tới phóng viên, Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa khẳng định số tiền đã được nhà tài trợ công đức, cung tiến để thực hiện dự án Tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh và chuyển trực tiếp cho nhà thầu thi công công trình. Theo nội dung nhà thầu báo cáo, toàn bộ số tiền trên đã được nhà thầu mua vật tư, vật liệu đặc thù để phục vụ công trình.
Trước phản ánh trên kính đề nghị Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan làm rõ việc quản lý, thiết kế và thi công, cũng như việc giải ngân tạm ứng, thanh toán các nguồn vốn đầu tư tại 2 gói thầu, nhằm công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.
Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.