Thanh Hóa: Lợi dụng dự án để khai thác đất trái phép, ai đang tiếp tay cho “đất tặc” lộng hành?
Như đã phản ánh tại bài viết trước, thời điểm báo nêu, tại Bình Sơn có hai điểm khai thác đất trái phép được phát hiện tại thôn Bồn Dồn và thôn Thoi, số lượng đất khai thác trái phép khoảng trên 1.000m3. Vụ việc sau đó đã được UBND xã kiểm tra, lập biên bản. Tiếp đó, sau khi báo chí phản ánh, UBND huyện Triệu Sơn cũng đã có động thái kiểm tra, yêu cầu chính quyền xã xử lý dứt điểm, không để tình trạng này tái diễn.
Tuy nhiên, bất chấp chỉ đạo của cấp trên cũng như phản ánh của báo chí, chính quyền xã Bình Sơn không những không kiên quyết dẹp bỏ tình trạng “đất tặc”, mà còn có biểu hiện “tiếp tay” cho vấn nạn này. Mới đây, nhận được thông tin của người dân, PV Báo điện tử Xây dựng đã trở lại Bình Sơn, qua ghi nhận thực tế cho thấy, việc khai thác đất tại đây vẫn tiếp diễn với quy mô lớn hơn. Tại điểm khai thác đất thôn Bồn Dồn, có một chiếc máy xúc đang “nằm nghỉ” bên vạt đồi vừa bị đào khoét nham nhở với những dấu răng máy xúc in hằn trên sườn đồi còn mới, chứng tỏ việc khai thác đất vừa diễn ra và chỉ mới tạm dừng. Ước tính khối lượng mới bị khai thác thêm khoảng vài trăm m3.
Đi thêm khoảng 100m, PV phát hiện có hai điểm khai thác mới tại hai quả đồi ngay bên vệ đường. Theo ghi nhận, việc khai thác tại đây cũng vừa mới diễn ra, được tiến hành bằng máy móc với khối lượng chưa nhiều. Có một điểm chung là cả 3 điểm khai thác này đều thuộc thôn Bồn Dồn và đều đang tạm dừng, nguyên nhân có thể do trước khi về đây, PV đã liên hệ với UBND xã để đặt lịch làm việc, dẫn đến “lộ” thông tin nên việc khai thác mới tạm dừng?
Tiếp tục đi sâu vào bên trong theo Tỉnh lộ 519B, qua UBND xã khoảng 5km tới địa phận thôn Đông Tranh, ngay vị trí ngã ba, nơi có những quả đồi từng bị khai thác trước đó và phải tạm dừng theo yêu cầu của huyện, cảnh khai thác đất tại đây diễn ra công khai với một chiếc máy xúc ngoạm sâu vào sườn đồi, đổ đất lên chiếc xe “ba chân”, cạnh đó còn có 3 xe khác đang chờ “ăn hàng”. Dưới trời mưa phùn, đoạn đường ngã ba này trở nên trơn trượt do đất đỏ vương vãi khắp nơi như bùn nhão, khiến nhiều người dân đi xe máy qua đây phải chống chân, rón rén để khỏi bị trượt ngã. Bám theo chiếc xe chở đất một quãng đường, hết địa phận xã Bình Sơn, PV ghi nhận chiếc xe này tiếp tục chạy theo Tỉnh lộ 519b... qua địa bàn một số xã khác của Triệu Sơn trước khi đấu nối với tuyến đường Nghi Sơn – Sao Vàng.
Quay trở lại công sở xã, qua trao đổi, PV được ông Lê Xuân Linh - Phó Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính Hà Văn Thao cho biết: “Theo chỉ đạo của huyện, xã đã tổ chức thường xuyên việc kiểm tra, xử lý nên việc khai thác đất trái phép đã hoàn toàn chấm dứt kể từ cuối tháng 2 đến nay”. Để chắc chắn, PV đã gặng hỏi tiếp, nhưng cả hai vị này vẫn khẳng định chắc nịch như ban đầu?
Trước sự thiếu thành thật của cán bộ xã, PV cho họ xem những hình ảnh vừa ghi nhận tại hiện trường. Lúc này, cả hai người đều tỏ ra bất ngờ rồi bắt buộc thừa nhận sự thật. Nhưng lại viện dẫn lý do “khu vực này thuộc dự án mở rộng đường giao thông theo Nghị quyết 12 của Huyện ủy, đang thi công dở thì phải tạm dừng theo chỉ đạo của huyện, nhưng do lượng đất đã đào múc chưa được xúc hết, sẽ sạt lở ảnh hưởng tới việc đi lại của dân nên xã phải cho nhà thầu xúc đi”. Điều cần phải nhấn mạnh về câu trả lời của hai vị cán bộ này là, cách đây khoảng 2 tháng, khi phát hiện việc khai thác đất cũng tại vị trí này, sau khi PV nêu câu hỏi cũng đã nhận được câu trả lời giống hệt như trên? Không lẽ việc “vét” vài chục m3 đất lại kéo dài tới 60 ngày?
Một điều đáng lưu ý nữa là, mặc dù đã biết trước có báo chí đến làm việc, nhưng việc khai thác đất trái phép tại khu vực ngã ba thuộc thôn Đông Tranh vẫn diễn ra, trong khi tại thôn Bồn Dồn, việc khai thác lại tạm ngừng. “Sự lạ” này có thể do điểm thôn Bồn Dồn nằm trên đường vào trụ sở xã, mà muốn đến làm việc, PV sẽ phải đi qua. Còn điểm khai thác thôn Đông Tranh lại nằm sâu bên trong, cách công sở xã vài km, lại trời mưa, đường trơn nên “những người có trách nhiệm” đã chủ quan, không cho dừng việc khai thác vì nghĩ nhà báo “ngại” không đến?
Trở lại với thời điểm làm việc tại công sở xã. Sau khi nghe nghe PV thông tin, Phó Chủ tịch xã Lê Xuân Linh liền bấm điện thoại, gọi cho một người nào đó và quát lớn: “Các anh làm ăn thế à, đất xúc lên đem đổ đi đâu, các anh đã cam kết với xã chỉ được san lấp trong địa bàn xã, tại sao lại chở đi đâu? bây giờ tôi sẽ vào kiểm tra hiện trường”. Sau một hồi thị uy, theo yêu cầu từ trước của PV, ông Phó Chủ tịch cùng cán bộ địa chính đã lên xe cùng đi vào khu vực thôn Đông Tranh. Nhưng tại đây, tất cả máy móc, xe cộ đã biến mất, chỉ còn lại hiện trường đầy bùn nhão trơn trượt gây nguy hiểm cho người qua lại. Trong khi, rất nhiều người dân đang chờ đón con trước cổng trường học cách đó không xa và sẽ có không ít người đi qua đoạn đường trong ít phút nữa. Thấy thế, Phó Chủ tịch xã lại tiếp tục “diễn sâu” bằng cách gọi điện cho người nào đó: “Anh cho người và máy xúc đến gạt hết đất bùn trên đường ngay lập tức, hàng trăm người đang đứng chờ không đi được đây này, trời mưa gió mà anh làm ăn thế à. Đến ngay đi”.
Từ hiện trường, PV chở hai cán bộ xã tiếp tục chạy theo lộ trình chiếc xe tải chở đất vừa đi trên Tỉnh lộ 519b, mục đích để “thực mục sở thị” bãi thải đất thừa trong quá trình thi công mở đường. Tuy nhiên, mặc dù đã chạy hết địa bàn xã và hai vị cán bộ đã cố công tìm kiếm, nhưng vẫn không thể thấy bãi thải ở đâu. Cuối cùng, hai vị đành miễn cưỡng công nhận là những chuyến xe chở đất vừa rồi đã ra khỏi địa phận xã (đồng nghĩa với việc đất khai thác tại xã đã được đưa đi bán nơi khác – PV). Đồng thời, thừa nhận là trên địa bàn xã, chưa bố trí được bãi thải nào.
Lại thêm một điều “lạ” nữa là, khi về đến UBND xã, do đã lường trước nên PV không vào “uống nước và trao đổi” như đề nghị của hai cán bộ, mà chỉ dừng xe cho họ xuống rồi định đi luôn. Ngay lập tức, người được giới thiệu là chủ phương tiện thi công (vừa bị Phó Chủ tịch quát) lại đang ngồi chờ PV trong trụ sở UBND xã, lên xe của PV, xin được thông cảm kèm hành động “tế nhị”, nhưng bị PV thẳng thừng cự tuyệt.
Cũng về vấn đề bãi thải đất thừa trong quá trình mở rộng đường giao thông, trong buổi làm việc trước đó, ông Hoàng Văn Giáp - Chủ tịch UBND xã Bình Sơn từng hơn một lần khẳng định: “Toàn bộ lượng đất thải chủ yếu được san lấp cho các gia đình trong thôn có nhu cầu cải tạo vườn, làm nền nhà, nền sân, cùng lắm thì san lấp cho các hộ thôn khác trong xã, không có việc mang ra khỏi địa bàn”. Cùng với việc bao biện trên, ông Chủ tịch xã cũng thừa nhận, dù có san lấp đất thải trong địa bàn xã thì vẫn sai, nhưng việc này cũng là do lợi ích chung, vì sự phát triển của địa phương?
Theo ước tính sơ bộ của PV, khối lượng đất đã khai thác trái phép tại Bình Sơn vào khoảng từ 5.000-6.000 nghìn m3. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, số đất được coi là đất thải này đã được đổ đi đâu, trong khi trên địa bàn xã không có bãi thải. Có hay không việc UBND xã Bình Sơn, lợi dụng danh nghĩa mở đường giao thông để “tạo điều kiện” cho việc khai thác đất trái phép. Có hay không vấn đề “lợi ích nhóm”, bắt tay trục lợi trong vụ việc này giữa “các bên”? Dư luận đang chờ sự kiểm tra, trả lời từ UBND huyện Triệu Sơn.