1. Trang chủ /
  2. Thanh Hóa: Nhiều khuyết điểm trong thanh tra tài chính ngân sách tại TP Thanh Hóa

Thanh Hóa: Nhiều khuyết điểm trong thanh tra tài chính ngân sách tại TP Thanh Hóa

thứ năm, 10/11/2022 11:45 GMT+07
Ngày 28/10/2022, Thanh tra Sở Tài chính Thanh Hóa đã ban hành kết luận thanh tra tài chính ngân sách năm 2021 tại TP Thanh Hóa, phát hiện, chỉ ra nhiều khuyết điểm cần khắc phục.
Thành phố Thanh Hóa có nhiều khuyết điểm trong thanh tra tài chính ngân sách. Ảnh: VT Thành phố Thanh Hóa có nhiều khuyết điểm trong thanh tra tài chính ngân sách. Ảnh: VT

Theo kết luận thanh tra, việc chấp hành dự toán thu ở TP Thanh Hóa còn những nhược điểm như, nợ đọng thuế cuối năm còn lớn, tổng số tiền nợ thuế trên sổ theo dõi nợ thuế đến ngày 31/12/2021 là 234.357 triệu đồng, trong đó nợ có khả năng thu 177.688 triệu đồng, tiền thuế nợ khó thu 56.669 triệu đồng.

Một số doanh nghiệp có số tiền nợ thuế lớn, khó thu, đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nộp thuế nhưng chưa thu được.

Công ty CPĐTXD Long Tú 5.549 triệu; Công ty TNHH XD Minh Hoàng 1.859 triệu; Công ty TNHH Hà Thanh 1.006 triệu; Công ty TNHH XD Trí Thành 1.093 triệu; Công ty TNHH Văn Linh 937 triệu; Công ty CPĐTXD&PTHT Thanh Hóa 941 triệu; Công ty CPXD Thủy lợi II Thanh Hóa 926 triệu; Công ty CPXD Ngọc Khánh 840 triệu; Công ty TNHH Vạn Liên Việt 775 triệu; Công ty CPXD Đầu tư Nam Thăng Long 773 triệu đồng; Công ty CPXD&KD Tổng hợp Việt Hà 602 triệu đồng.

Nguyên nhân của việc nợ đọng thuế cuối năm lớn là do một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm pháp luật thuế, nợ thuế kéo dài, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, bỏ địa điểm kinh doanh, Chi cục Thuế đang phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định.

Trong chấp hành dự toán về chi, TP Thanh Hóa còn có những nhược điểm, chi chuyển nguồn ngân sách còn cao. Năm 2021, chi chuyển nguồn ngân sách sang năm 2022 là 613 tỷ đồng (trong đó ngân sách cấp huyện 475 tỷ đồng; ngân sách cấp xã 138 tỷ đồng). Trong chi chuyển nguồn, số chi tạm ứng đầu tư cuối năm chậm hoàn ứng, phải chi chuyển nguồn 48 tỷ đồng.

Một số dự án dư tạm ứng phát sinh từ những năm trước, đơn vị thi công dừng thi công do khó khăn về tài chính, chủ đầu tư đã đôn đốc các đơn vị thực hiện nhưng vẫn chưa triển khai tiếp, khó khăn cho việc thanh toán hoàn ứng để thu hồi vốn như dự án khu tái định cư Phú Sơn MB 73 là 11,1 tỷ đồng; dự án cải tạo đường Lê Thánh Tông tạm ứng từ năm 2016 là 3,1 tỷ đồng, đơn vị thi công đã dừng thi công từ tháng 9/2017 do khó khăn về tài chính, chủ đầu tư đã nhắc nhở nhưng chưa triển khai tiếp; dự án khu dân cư Quảng Hưng MB 912, tạm ứng 1,8 tỷ đồng từ năm 2014, đơn vị đã dừng thi công từ tháng 3/2015 do khó khăn về tài chính.

Ngoài ra, TP Thanh Hóa còn chi sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp bảo vệ môi trường không đạt dự toán tỉnh giao. Việc quản lý sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh, một số nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu còn dư, hết nhiệm vụ chi chưa trả ngân sách tỉnh, chi chuyển nguồn sang năm sau, có trường hợp chi chuyển nguồn từ năm này qua năm khác.

Do đó, Thanh tra yêu cầu phải nộp ngân sách hơn 3,5 tỷ đồng, gồm kinh phí thực hiện cơ chế phát triển giao thông và bảo trì đường huyện không thực hiện 2.343 triệu đồng từ các năm 2019, 2020, 2021; kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) xử lý các điểm đen tai nạn giao thông còn dư, hết nhiệm vụ chi hơn 545 triệu đồng; kinh phí các chính sách thực hiện từ nguồn cải cách tiền lương (kinh phí hỗ trợ tiền điện hộ nghèo, cận nghèo) hơn 561 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho giáo viên mầm non ngoài công lập hơn 83 triệu đồng.

Một số nguồn kinh phí bổ sung chậm được phân bổ, việc triển khai một số chương trình mục tiêu chậm dẫn đến công tác giải ngân, thanh toán còn chậm. Nguyên nhân do sự phối hợp triển khai giữa các phòng, ban và tổ chức thực hiện cấp cơ sở chưa hiệu quả, cuối năm phải chi chuyển nguồn như kinh phí GPMB đường Voi đi Sầm Sơn gần 3,1 tỷ đồng.

Kinh phí hỗ trợ trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích 227 triệu đồng. Kinh phí công trình đại lộ Nam Sông Mã (Ban GPMB hoàn trả ngân sách) hơn 862 triệu đồng, nguyên nhân các hộ được đền bù chưa thống nhất nhận kinh phí.

Kinh phí thực hiện đề án phát triển du lịch TP Thanh Hóa đến năm 2025 tầm nhìn 2030 theo quyết định số 2732 ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh là 2,2 tỷ đồng, nguyên nhân do chưa có khối lượng để cấp kinh phí.

Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán, quản lý tài sản tại các đơn vị dự toán, tại Văn phòng HĐND và UBND TP Thanh Hóa chưa tổng hợp trong báo cáo tài chính chung.

Năm 2021 số thu chi thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng đã thu được nhưng chưa nộp ngân sách theo quy định số tiền hơn 447 triệu đồng. Việc tổ chức thực hiện thanh lý tài sản xe ô tô theo quyết định của UBND tỉnh chưa kịp thời. Tài sản xe ô tô 36B -1072 đã có quyết định thanh lý của Chủ tịch UBND tỉnh. Tại thời điểm kiểm tra tháng 9/2022 đơn vị vẫn chưa thực hiện thanh lý mà vẫn tiếp tục để sử dụng. Việc ban hành quy chế chi tiêu nội bộ còn có nhược điểm, có nội dung vẫn căn cứ vào các văn bản đã hết hiệu lực như chế độ công tác phí, chế độ tổ chức hội nghị…

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.