1. Trang chủ /
  2. Thành phố Hồ Chí Minh đạt nhiều thành tựu trong công tác giáo dục và đào tạo

Thành phố Hồ Chí Minh đạt nhiều thành tựu trong công tác giáo dục và đào tạo

thứ tư, 10/1/2024 22:27 GMT+07
Chiều 9/1, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dự và phát biểu chỉ đạo.
Quang cảnh hội nghị. Quang cảnh hội nghị.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, công tác giáo dục và đào tạo của thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhân viên được đẩy mạnh; chỉ tiêu phát triển đảng trở thành yêu cầu nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng tại các đơn vị trường học.

Hiện nay, tỷ lệ đảng viên là giáo viên đạt 25,3% (24.019/95.090 cán bộ, giáo viên) trong toàn ngành.

Công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên trẻ từ học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố luôn được cấp ủy chi bộ các trường chú trọng thực hiện.

Hằng năm, chi bộ các trường trung học phổ thông phối hợp chặt chẽ với Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho học sinh là đoàn viên ưu tú.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thành phố duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

Từ năm 2021, 312/312 phường, xã, thị trấn của thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Giai đoạn 2013-2023, tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên tổng chi ngân sách thành phố hằng năm đạt tỷ lệ từ 20-31%, bình quân đạt khoảng 24%.

Cùng với đó, thành phố ban hành nhiều chính sách thu hút các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư cho giáo dục như miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vay thương mại, ưu đãi trong huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất…

Giai đoạn 2013-2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 10.000 phòng học, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh; thực hiện chính sách tín dụng, ưu tiên, học bổng, hỗ trợ tài chính cho các đối tượng bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng; công tác xã hội hóa giáo dục đạt nhiều kết quả tích cực.

Hiện Thành phố đã đạt tỷ lệ 294 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, phấn đấu đến cuối 2025 đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân…

Đồng chí Nguyễn Thành Nam, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 3 phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Thành Nam, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 3 phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, một trong những thành tựu quan trọng nhất trong thực hiện Nghị quyết số 29 đó là sự chuyển biến về chất của giáo dục và đào tạo thành phố.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành thành phố cần tiếp tục tăng cường truyền thông, quán triệt sâu rộng để các tầng lớp nhân dân, các tổ chức ngoài hệ thống, các tổ chức có liên quan tiếp tục quan tâm cùng với hệ thống chính trị thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xứng tầm với thành phố văn minh, hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Thành Nam, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 3 phát biểu tại hội nghị.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị.

Nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền phải cụ thể hơn nữa bằng các cơ chế, chính sách cho giáo dục; cùng với đầu tư của nhà nước, các cấp, các ngành phải huy động sức mạnh toàn xã hội để chăm lo, phát triển giáo dục thông qua việc vận dụng tối đa chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu ngành giáo dục thành phố cần tiếp tục nghiên cứu và đề xuất lãnh đạo thành phố các cơ chế chính sách để bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, nhằm thu hút được người giỏi, người tài, có tâm huyết với nghề sư phạm; bồi dưỡng nâng cao trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức của nhà giáo; tiếp tục xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong ngành giáo dục, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để đầu tư và chuẩn hóa việc giáo dục đạo đức, văn hóa trong trường học.

Nguồn: https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-dat-nhieu-thanh-tuu-trong-cong-tac-giao-duc-va-dao-tao-post791348.html

Có thể bạn quan tâm