Thanh tra Chính phủ nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nguyễn Đức Thắng cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội khóa XV về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Kế hoạch số 600/KH-TTCP ngày 21/2/2023 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) thực hiện Nghị quyết, Trung tâm Thông tin được Tổng Thanh tra giao "Chủ trì, phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương và các cục, vụ, đơn vị có liên quan tham mưu việc nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về KNTC, đảm bảo kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và liên thông trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN)".
Về thực trạng kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC, ông Thắng cho biết, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC được triển khai theo Quyết định số 1561/QĐ-TTCP ngày 11/7/2013 của Tổng Thanh tra về việc phê duyệt Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC”.
Hệ thống chính thức sử dụng kể từ ngày 15/3/2018 theo chỉ đạo của Tổng Thanh tra tại Văn bản số 282/TTCP-TTTT ngày 6/3/2018, để đáp ứng các mục tiêu: Mỗi nội dung KNTC, phản ánh, kiến nghị của công dân, cơ quan, tổ chức được cơ quan Nhà nước tiếp nhận sẽ được tạo thành hồ sơ vụ việc điện tử duy nhất trong phạm vi toàn quốc; tránh trùng lặp đơn thư trên toàn quốc; thống nhất được cách xử lý đơn thư; thuận tiện cho lãnh đạo, quản lý và các cán bộ tác nghiệp hệ thống KNTC; đáp ứng khả năng triển khai diện rộng trong toàn quốc.
Xây dựng thành công hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC để góp phần minh bạch quy trình, kết quả giải quyết đơn thư KNTC, cho phép công dân, tổ chức tra cứu, giám sát tình trạng giải quyết đơn thư KNTC của các cơ quan Nhà nước. Hệ thống phần mềm đáp ứng khoảng 5.000 tài khoản truy cập tác nghiệp cho toàn ngành Thanh tra.
Phần cứng của hệ thống đáp ứng triển khai đến các cơ quan hành chính từ cấp quận/huyện/thành phố thuộc tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Do đó, hệ thống đã kết nối đơn thư thuộc thẩm quyền tiếp nhận, xử lý của các cơ quan hành chính từ cấp quận/huyện/thành phố thuộc tỉnh đến các bộ, ngành. Một số địa phương đã tích cực triển khai mở rộng đến cấp xã/phường/thị trấn, như: Cần Thơ, Sơn La, Tây Ninh, Vĩnh Long, Khánh Hoà.
Phần mềm của hệ thống đã đáp ứng quy trình, nghiệp vụ, chế độ báo cáo đơn thư thuộc thẩm quyền tiếp nhận, xử lý từ cấp xã/phường/thị trấn, đồng thời sẵn sàng đáp ứng việc cung cấp tài khoản, mật khẩu cho cán bộ, công chức các cơ quan Đảng, Quốc hội, các cơ quan tư pháp và MTTQVN để tra cứu thông tin các vụ việc KNTC đã được cơ quan hành chính các cấp tiếp nhận, xử lý, lưu trữ trên phần mềm.
"Như vậy, hệ thống có thể đáp ứng được nâng cấp, mở rộng để kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và liên thông trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và MTTQVN", ông Thắng cho hay.
Ông Thắng cho rằng việc nâng cấp, mở rộng kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và liên thông trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và MTTQVN là một nhiệm vụ quan trọng, liên quan nhiều cơ quan, ban, ngành.
Vì vậy, cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo chung để điều phối các hoạt động trong quá trình thực hiện nâng cấp, mở rộng. Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo TTCP làm Trưởng ban, thành viên mời đại diện các cơ quan Đảng, Quốc hội, các cơ quan tư pháp và MTTQVN và thủ trưởng một số cục, vụ, đơn vị có liên quan thuộc TTCP.
Ban Chỉ đạo sẽ thống nhất phạm vi, quy mô, cách thức và thời gian triển khai hoàn thành nâng cấp, mở rộng; chỉ đạo hoàn thiện cơ sở pháp lý quy định chi tiết việc liên thông dữ liệu toàn hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và MTTQVN để làm căn cứ tổ chức thực hiện; chỉ đạo lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Việc nâng cấp, mở rộng cần đáp ứng một số tiêu chí như: TTCP nâng cấp phần cứng các máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị mạng, thiết bị an toàn thông tin… để đáp ứng mở rộng đối tượng sử dụng đến các đơn vị thuộc cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và MTTQVN từ cấp xã/phường/thị trấn. Xét trung bình mỗi đơn vị cấp xã có 3 người sử dụng, cấp huyện có 7 người sử dụng, cấp tỉnh và Trung ương có 12 người sử dụng. Khi đó, hệ thống cần đáp ứng tối thiểu 162.318 người sử dụng .
Các cơ quan Đảng, Quốc hội, các cơ quan tư pháp và MTTQVN xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành quản lý KNTC riêng của đơn vị mình, kết nối với cơ sở dữ liệu về KNTC của TTCP.
TTCP xây dựng modul kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan Đảng, Quốc hội, các cơ quan tư pháp và MTTQVN; xây dựng các kho lưu trữ để tiếp nhận thông tin các vụ việc KNTC do các cơ quan Đảng, Quốc hội, các cơ quan tư pháp và MTTQVN tiếp nhận, xử lý và giải quyết được kết nối với cơ sở dữ liệu về KNTC do TTCP quản lý.
TTCP xây dựng hoặc thuê hệ thống dự phòng thảm hoạ (Disaster Recovery - DR) cho hệ thống chính tại TTCP để đảm bảo sự bền vững, sẵn sàng đối mặt với các rủi ro, sao lưu dữ liệu định kỳ, phục hồi dữ liệu, dự phòng phần cứng.
Bố trí nhân lực chuyên trách hoặc thuê nhân lực vận hành hệ thống đồng thời thực hiện công tác hướng dẫn sử dụng; tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng phần mềm hệ thống của cán bộ, công chức tại các bộ, ngành, địa phương.
"Trước mắt, TTCP đáp ứng việc cung cấp tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, Quốc hội, các cơ quan tư pháp và MTTQVN để tra cứu thông tin các vụ việc KNTC đã được cơ quan hành chính các cấp tiếp nhận, xử lý, lưu trữ trên phần mềm", ông Thắng nói.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Lê Sỹ Bảy đề nghị Ban Tiếp công dân Trung ương chủ trì khảo sát nắm tình hình về thực trạng dữ liệu KNTC để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, Tung tâm Thông tin chịu trách nhiệm về công nghệ thông tin đáp ứng kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và liên thông trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và MTTQVN.