Thanh Trì (Hà Nội): Vì sao các hộ dân khu Hậu Trại liên tục gửi đơn kêu cứu?
Làm trường quy mô 4.000m2 nhưng lấy đất lên 8.000m2?
Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn kêu cứu lần 3 của các hộ dân tại khu Hậu Trại, xã Vạn Phúc (Thanh Trì - Hà Nội) phản ánh về những vướng mắc liên quan đến dự án xây dựng trường THCS Vạn Phúc. Theo nội dung đơn kêu cứu, từ năm 2013, theo chính sách và chủ trương của Nhà nước về việc dồn điền đổi thửa, UBND xã Vạn Phúc và thôn 1 đã cho nhân dân trong xã thực hiện, tuy nhiên, trong lúc dồn điền đổi thửa, vì biết phần đất thuộc khu Hậu Trại có dự án làm trường học nên xã và thôn đã giữ lại phần đất này. Đến tháng 6 năm 2022, UBND xã thông báo làm trường học tại khu đất Hậu Trại nhưng không làm vào thửa đất đã bớt để làm trường học, mà là lấy hết khu đất của 21 hộ gia đình ở cạnh đó.
“Đất bớt lại làm trường thì không làm, đến khi họp, chúng tôi hỏi tại sao thì ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc và Ban Quản lý dự án nói, do không đủ theo số liệu đất bớt để làm trường (là 4.000m2) nên phải lấy thêm”, nội dung đơn nêu rõ.
Cũng theo các hộ dân, dự án xây dựng trường THCS Vạn Phúc chỉ có quy mô khoảng 4.000m2 nhưng thực tế các hộ dân đo đạc lại thì diện tích các ngành chức năng đã lấy (cộng dồn) của dân vào đã là 8.000m2.
“Làm trường có 4.000m2 mà lấy đất của dân vào tới 8.000m2, như vậy phần đất thừa ông Chủ tịch xã sẽ dùng vào việc gì? Trong khi, quỹ đất của xã hiện còn rất nhiều, từ sân bóng bỏ hoang tới các nhà xưởng rộng và đắc địa đang được cho thuê”, một người dân bức xúc cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Phạm Thị Thư chia sẻ: “Chúng tôi đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước, ủng hộ dự án xây dựng phúc lợi cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, chỉ mong các cấp chính quyền xem xét phương án bồi thường bằng quỹ đất cùng loại theo quy định của Luật Đất đai, nếu quỹ đất của thôn xã còn nhiều, thì chia cho chúng tôi tiếp tục làm nông nghiệp để sinh sống, trồng xen canh, mùa nào cũng có cây, quả, hàng tháng còn có thêm thu nhập. Chúng tôi không cần tiền đền bù, bây giờ mà lấy hết đất nông nghiệp thì chúng tôi biết sống thế nào”.
Chính quyền “lúng túng”
Theo nội dung báo cáo của UBND xã Vạn Phúc, trên địa bàn xã Vạn Phúc có 102 thửa đất công ích, đất do UBND xã quản lý với tổng diện tích là 31.347,9ha, nằm tại nhiều vị trí, xứ đồng khác nhau (Bẹo Cao, Bẹo Chuôm, Quai Vạc – thôn 1; Hương Án, Hậu Trại thôn 2; Đầm Hồng – thôn 3…)
Thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ đất do UBND các xã, thị trấn quản lý trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2018 – 2021; công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025; đề án huyện Thanh Trì thành quận, xã thành phường; các vị trí công ích, đất do UBND xã Vạn Phúc, UBND xã đã quy hoạch vào các mục đích khác nhau: sân vui chơi cộng đồng, kè ao kết hợp trồng cây xanh, trụ sở Công an – Quân sự xã, cụm công nghiệp nàng nghề…
Đối với vị trí đất công ích của xã (6,211,3ha) chiếm 2,97% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã Vạn Phúc). Căn cứ theo quy định tại điều 132 Luật đất đai năm 2013: “Đối với những nơi đã để lại quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích vượt quá 5% thì diện tích ngoài mức 5% được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương Quỹ đất công ích không dùng để bồi thường đất cho các hộ dân được.
Quỹ đất nông nghiệp do UBND xã quản lý có 58 vị trí, tổng diện tích 20.770,5ha nằm tại nhiều xứ đồng khác nhau. Tổng diện tích đất nông nghiệp dồn điền đổi thửa thu hồi của 21 hộ dân tại dự án là 14.090,4m2, hiện trên địa bàn xã Vạn Phúc không còn đủ quỹ đất để giao tập trung cho các hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án, nếu giao thì rất khó khăn do nằm rải rác tại các xứ đồng khác nhau.
Hiện nay, trên địa bàn xã Vạn Phúc đang triển khai thực hiện một số dự án cũng lấy đất nông nghiệp giao dồn điền đổi thửa của các hộ dân, các vị trí do UBND xã quản lý được quy hoạch vào mục đích khác nhau, nếu giao đền bù đất cho các hộ dân bị thu hồi đất tại dự án này thì đến dự án sau không còn quỹ đất để giao tiếp, như vậy sẽ gây bức xúc trong nhân dân.
Trong tổng số 21 hộ dân có đất bị thu hồi thực hiện dự án xây mới trường THCS Vạn Phúc, có 05 hộ thu hồi hết đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có 16 hộ thu hồi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vẫn còn thửa đất để sản xuất nông nghiệp (chủ yếu còn lại thửa đất ở xứ đồng Tân Xa thủy lợi).
Cũng theo UBND xã Vạn Phúc, trước đây, xã đã thống nhất vị trí quy hoạch trường THCS Vạn Phúc tại xứ đồng Hậu Trại, thôn 1 thuộc ô đất có ký hiệu: THCS/1.5340 theo bản đồ Quy hoạch sử dụng đất - Quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì đến năm 2020 đã được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt tại Quyết định số 7198/QĐ-UBND ngày 16/11/2012 (trong đó có đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP đã thực hiện dồn điền, đổi thửa của các hộ gia đình, cá nhân và đất nông nghiệp UBND xã quản lý).
Năm 2020, UBND xã đề xuất mở rộng trường THCS Vạn Phúc thêm 4.000m2 thuộc thửa đất số 30 và một phần thửa số 16, tờ bản đồ số 15 (theo bản đồ đo đạc năm 1994).
Khi được các phòng ban chuyên môn của UBND huyện Thanh Trì thẩm định phê duyệt dự án, căn cứ vào quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã trình UBND huyện phê duyệt dự án mới trường THCS Vạn Phúc, huyện Thanh Trì là 18.260,2m2; bao gồm diện tích đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP cho các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện dồn điền đổi thửa là 14.090,4m2 và diện tích 4.169,8m2 là đất nông nghiệp, phi nông nghiệp do UBND xã quản lý (vị trí đất UBND xã đã quy hoạch trường học từ trước). Còn diện tích 4.000m2, UBND xã đề xuất mở rộng trường THCS nhưng không được phê duyệt”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về vụ việc, ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc cho biết: “Để thực hiện dự án xây mới trường THCS Vạn Phúc, trong tổng số 21 hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi, hiện nay còn 02 hộ chưa đồng ý lấy tiền và 01 hộ vướng thủ tục kê khai thừa kế. Về phía chính quyền chúng tôi đã thành lập tổ vận động và đã chốt biên bản, tới đây sẽ căn cứ vào kết quả theo quy trình, trước khi cưỡng chế xã sẽ phối hợp với huyện tổ chức đối thoại, vận động người dân đồng ý bàn giao mặt bằng”.