1. Trang chủ /
  2. Thanh Xuân (Hà Nội): Cần gỡ rối tại Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình chậm tiến độ hơn 2 thập kỷ

Thanh Xuân (Hà Nội): Cần gỡ rối tại Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình chậm tiến độ hơn 2 thập kỷ

thứ năm, 6/4/2023 00:05 GMT+07
Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình chậm tiến độ 21 năm, khiến cho đời sống của hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đẩy người dân vào cảnh sống nhếch nhác, tạm bợ, dù đã nhiều lần phản ánh với các cơ quan chức năng nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Chính quyền gặp khó trong công tác điều chỉnh quy hoạch.
Những căn nhà xập xệ trên đất "vàng" Thủ đô. Những căn nhà xập xệ trên đất "vàng" Thủ đô.

Tìm hiểu được biết, Dự án Công viên cây xanh, hồ điều hòa Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) được khởi động năm 2002, nhưng đến nay, sau 21 năm, dự án vẫn “treo” lơ lửng. Trải qua hơn 2 thập kỷ, cuộc sống của các hộ dân nơi đây “treo” theo dự án, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, ở không được mà bỏ cũng không xong.

Thực trạng “bỏ không được, giữ không xong”

Theo Văn bản số 68/UBND phường Hạ Đình ngày 28/3/2020 về việc Quy hoạch Công viên cây xanh hỗn hợp và hồ điều hòa cho thấy, các hộ dân nằm trong Dự án có nguồn gốc nhà, đất phức tạp.

Cụ thể, khu đất giãn dân ven bờ vùng (hồ Hạ Đình) gồm 102 thửa đất. Đây là khu đất do UBND Thành phố Hà Nội cấp theo Quyết định số 2216/QĐ-UBND ngày 7/6/1993 cho 145 hộ gia đình làm nhà ở. Trong đó, Hạ Đình là 5.200m2 tại khu Vườn Cam cấp cho 76 hộ gia đình. Sau đó, diện tích đất này lại được chia cho 102 hộ trong đó có 65 hộ có tên trong danh sách được duyệt, số còn lại không có tên trong danh sách, nhưng đều có phiếu thu tiền.

Đến ngày 26/1/1991, Sở Xây dựng Hà Nội có sơ đồ giới thiệu vị trí điểm đất xây dựng đất giãn dân xây dựng nhà ở là điểm X4 (thuộc các thửa đất nằm gần thửa 389 tờ bản đồ số 3). Nhưng tại thời điểm triển khai thực hiện Quyết định 2216, UBND xã Khương Đình khi đó giao sai vị trí đã được Sở Xây dựng Hà Nội giới thiệu. Hiện, khu vực trên có khoảng 73 thửa đất có công trình xây dựng.

Khu đất do UBND xã Khương Đình tự giãn dân, tự chia đất mà không được phép của cơ quan có thẩm quyển gồm khoảng 192 thửa, trong đó có 15 thửa sử dụng từ năm 1980 - 1985 nằm phía cổng nhà máy nước, còn lại các thửa đất được giao từ năm 1992 - 1996 nằm rải rác tại khu vực ngõ 460 đường Khương Đình.

Ngay tại thời điểm năm 1993, các hộ đã tự ý mua bán và chia tách trao tay, có một số ít trường hợp có xác nhận của UBND xã Khương Đình. Khu vực trên có khoảng 169 thửa đất đã xây dựng công trình, nhiều hộ đã sinh sống từ năm 1993 đến nay.

Khu đất giãn dân ven Bờ vùng (hồ Hạ Đình) gồm 102 thửa đất. Hiện trạng các hộ gia đình ở đây đều là cấp 4, có nhà đã cơi nới thêm, tuy nhiên đều trong tình trạng xuống cấp, xập xệ.
Khu đất giãn dân ven Bờ vùng (hồ Hạ Đình) gồm 102 thửa đất. Hiện trạng các hộ gia đình ở đây đều là cấp 4, có nhà đã cơi nới thêm, tuy nhiên đều trong tình trạng xuống cấp, xập xệ.

Bên cạnh đó, Khu tập thể Cục Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) gồm 30 thửa đất (có 4 thửa cắt xén) có nguồn gốc đất. Quá trình sử dụng đất do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng là đơn vị quản lý và đến năm 2006 đã bàn giao hồ sơ quản lý đất đai cho UBND phường quản lý (tổng số đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005 là 41 trường hợp).

Còn lại, khu đất nông nghiệp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang phi nông nghiệp gồm khoảng 322 thửa có nguồn gốc nông nghiệp được HTX nông nghiệp Khương Đình giao cho xã viên để sản xuất nông nghiệp.

Sau đó, các hộ tự chuyển nhượng, chia tách, tự chuyển đổi sang làm nhà ở từ nhiều năm trước (trước ngày 1/7/2014). Theo thống kê, khu vực này có khoảng 250 thửa đất đã xây dựng công trình trên đất.

Người dân kêu cứu để thoát khỏi dự án “treo”

Không thể sống mãi trong những căn nhà tồi tàn, một số hộ chấp nhận vi phạm. Lần gần nhất ông Đặng Đình Đ (tổ dân phố số 9, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cơi nới lại căn nhà của mình là 5 năm trước và bị xử phạt 25 triệu đồng. Ông Đ cho biết: Tôi thật sự không muốn làm sai để bị phạt, nhưng vì lý do bức bách, cuộc sống bắt buộc chúng tôi phải làm vậy. Nói đúng ra dự án quá lâu không giải quyết nên chúng tôi không còn cách nào khác. Mấy m2 thì làm sao chục con người ở được. Hơn 300 hộ gia đình như chúng tôi sống trong tình cảnh đi không được, ở cũng không xong. Nhiều nhà vá chằng vá đụp bằng các loại tấm lợp, vải bạt. Thật khó tin khi đây chính là cảnh sống chật vật giữa Thủ đô.

Tại đây có khoảng 53 công trình nhà từ 2-4 tầng, còn lại là nhà 1 tầng và nhà tạm.
Tại đây có khoảng 53 công trình nhà từ 2-4 tầng, còn lại là nhà 1 tầng và nhà tạm.

Bà Phùng Thị N (tổ dân phố số 10, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chung cảnh ngộ: Gia đình tôi mua được mảnh đất giãn dân hợp pháp được Thành phố Hà Nội cấp từ năm 1993 nhưng khi mới dựng được căn nhà tạm thì bất ngờ nhận thông báo khoảng 200 hộ khác thuộc tổ 10 nằm trong Dự án công viên hồ Hạ Đình. Suốt mấy chục năm qua, cả gia đình vẫn phải sống khốn khổ thế này. Có đất nhưng không thể xây nhà, mỗi lần nhà dột nát quá, phải sửa lại mái cũng phải làm chui lủi.

Để có thông tin khách quan tới bạn đọc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với UBND phường Hạ Đình. Bà Ngô Thị Hồng – cán bộ Địa chính đô thị cho biết: Nguyên nhân dự án treo như hiện nay là do các hộ dân không đồng thuận trong quá trình giải phóng mặt bằng. Hiểu được hoàn cảnh của người dân, chính quyền địa phương cũng cố gắng tạo điều kiện với yêu cầu giữ nguyên hiện trạng.

Cần gỡ rối trong công tác điều chỉnh quy hoạch

Lý giải nguyên nhân dự án treo hơn 2 thập kỷ, ông Bùi Đắc Hùng – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết: Trong quá trình triển khai dự án trên có vướng mắc do khiếu kiện kéo dài của các cử tri. Để giải quyết kiến nghị của các hộ dân phường Hạ Đình, UBND quận Thanh Xuân đã kiểm tra, rà soát việc lại việc cấp đất giãn dân tại khu vực Công viên hồ điều hòa Hạ Đình do UBND xã Khương Đình thực hiện từ năm 1993. Tuy nhiên, kết quả lấy ý kiến cộng đồng dân cư với phương án này là 74,14% phiếu không đồng thuận, nguyện vọng của nhân dân là giữ nguyên hiện trạng, ổn định đời sống, chỉ mở rộng đường và cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Nguyện vọng của nhân dân là giữ nguyên hiện trạng, ổn định đời sống, chỉ mở rộng đường và cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Nguyện vọng của nhân dân là giữ nguyên hiện trạng, ổn định đời sống, chỉ mở rộng đường và cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Trong những năm qua, với mục đích gỡ rối cho dự án, đã có nhiều đề xuất và kiến nghị như:

Ngày 20/8/2013, UBND Thành phố có Văn bản số 4412/VP-QHXDGT giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ động phối hợp với UBND quận lập quy hoạch điều chỉnh đề xuất trình UBND thành phố xem xét phê duyệt.

Ngày 05/9/2013, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản số 2857/QHKT-P2 về quy hoạch 02 khu công viên cây xanh và hồ điều hòa Hạ Đình tại phường Hạ Đình và Đầm Hồng tại phường Khương Đình, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, trong đó có đề xuất 04 phương án như sau:

Phương án 01: Di dời toán bộ các hộ dân trong khu vực quy hoạch 02 khu công viên về tái định cư về khu tái định cư thành phố, giải phóng mặt bằng xây dựng công viên theo quy hoạch được duyệt.

Phương án 02: Tái định cư tại chỗ tách 76 hộ thuộc Quyết định số 2216/QĐ-UB ngày 07/6/1993 của UBND thành phố đưa về đúng vị trí X4, số còn lại giải phóng xây dựng công viên, đưa về quỹ nhà tái định cư về khu tái định cư thành phố.

Phương án 03: Nghiên cứu cắt hẳn một phần diện tích trong công viên để xây dựng nhà ở cao tầng tái định cư tại chỗ cho toàn bộ các hộ dân.

Phương án 04 (theo nguyện vọng của các hộ dân và đề xuất của UBND quận Thanh Xuân): Quy hoạch theo hướng cải tạo chỉnh trang và cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực.

Đến ngày 22/02/2023, UBND quận Thanh Xuân đã gửi Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Văn bản số 220/UBND-QLĐT về phương án nghiên cứu định hướng Quy hoạch công viên hồ điều hòa Hạ Đình. Hiện nay, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn thiện phương án định hướng về quy hoạch chi tiết khu vực công viên hồ điều hòa Hạ Đình để báo cáo UBND thành phố.

Có thể nói, chủ trương xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ cho lợi ích công cộng, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân là việc làm đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, việc quy hoạch sao cho hợp lý, tiết kiệm là vấn đề cần phải đặt ra.

Thiết nghĩ, việc quy hoạch hồ Hạ Đình cần được ghi nhận ý kiến người dân, tôn trọng các quy định của pháp luật cũng như vì lợi ích chung, tránh làm cuộc sống người dân bị đảo lộn, ngân sách phải tốn kém. Trước thực trạng trên, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội xem xét để điều chỉnh và chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân liên quan đến dự án.